Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Láng - Hòa Lạc mở rộng

Chạy đua với thời gian

Dự án đường Láng-Hòa Lạc mở rộng có tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng, tổng chiều dài 29,264 km, mặt cắt từ 140 đến 170 m, gồm bốn làn xe cao tốc và hai làn xe nội bộ, hơn 50 cầu, hầm chui các loại. Ðây sẽ là tuyến đường hiện đại, đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ khớp nối với hàng loạt khu đô thị chạy dọc hai ven đường, kéo các khu vực ngoại thành phía tây như Ba Vì, Thạch Thất gần với nội thành hơn, tạo ra động lực lớn cho phát triển kinh tế- xã hội cho những khu vực này, nhất là phát triển du lịch. Chính vì thế, dự án được Chính phủ cũng như UBND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: UBND thành phố Hà Nội rà soát lại các dự án đầu tư dọc đường Láng - Hòa Lạc, kiên quyết xử lý đối với các dự án không phù hợp, phối hợp Bộ Xây dựng sớm triển khai công tác lập quy hoạch các đô thị gắn liền với tuyến đường Láng - Hòa Lạc theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại. UBND cũng cần chỉ đạo quyết liệt để bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trong tháng 6-2009, riêng nút giao với quốc lộ 21 (nút giao Hòa Lạc) tiến hành bàn giao ngay từng phần và bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 8-2009. Kiên quyết không để dự án chậm tiến độ do thiếu vốn. Bộ Giao thông vận tải đã đề ra tiến độ của dự án như sau: đường cao tốc trái hoàn thành ngày 30-11-2009; đường cao tốc phải hoàn thành ngày 30-6-2010; đường gom trái hoàn thành ngày 30-6-2010; đường gom phải hoàn thành trước ngày 30-7-2010; nút vào khu công nghệ cao Hòa Lạc hoàn thành trước ngày 30-6-2010; nút giao Hòa Lạc hoàn thành cầu vượt và hai nhánh rẽ quốc lộ 21A trước ngày 30-6-2010.

Như vậy, thời gian thi công của dự án không còn nhiều, thời tiết lại đang bước vào mùa mưa. Khối lượng công việc của dự án cũng còn nhiều hạng mục, nhất là nút giao Hòa Lạc mới chỉ khoan thăm dò được 21 mũi. Ðể hoàn thành đúng tiến độ đặt ra, đòi hỏi sự cố gắng lớn của thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải. Hiện nay, các đơn vị thi công, UBND các huyện: Từ Liêm, Hoài Ðức, Quốc Oai, Thạch Thất đang tập trung nhân lực, máy móc, vật tư, giải quyết những vướng mắc để phấn đấu bảo đảm tiến độ đã đề ra. Nhằm khắc phục những diễn biến bất thường của thời tiết, các đơn vị thi công  liên tục làm ba ca, chủ động tập kết vật liệu, phân phối lao động, máy móc trên toàn tuyến, có mặt bằng đến đâu, thi công ngay đến đó. Những đơn vị nào thi công chậm trễ sẽ bị nhắc nhở kịp thời, nếu tái phạm bị xử lý nghiêm. Ðược biết, từ hai tháng nay, khối lượng công việc chuyển biến rất nhanh, công trường trên toàn tuyến luôn hối hả, nhộn nhịp. Chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông vận tải) cho biết: Phương châm đặt ra là ưu tiên thi công đường cao tốc trái vì có khối lượng công việc nhiều, đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Riêng đối với công trình cầu vượt Hòa Lạc, do khối lượng công việc quá lớn nên ban quản lý dự án, nhà thầu, chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ, thi công từng cụm, trước mắt triển khai thi công làn cầu vượt nối từ đường Láng - Hòa Lạc với đường Hồ Chí Minh.

Tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng

Vướng mắc lớn nhất hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Ðến nay, vẫn còn 3,910 km đường gom trái chưa có mặt bằng để thi công, đường cao tốc trái còn 1,364 km, đường cao tốc phải còn 0,764 km, đường gom phải còn  4,670 km. Riêng tại nút giao Hòa Lạc, khối lượng công việc rất lớn (gồm cầu vượt và các nhánh phân làn, diện tích thu hồi để phục vụ thi công là 52 ha, cần di dời 659 hộ dân) hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ. Bởi nếu nút giao này không hoàn thành tiến độ sẽ không thể thông xe toàn tuyến. Ðể đáp ứng yêu cầu tiến độ mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao (chỉ còn hai tháng nữa phải bàn giao toàn bộ mặt bằng nút giao cho đơn vị thi công), cần sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, nhất là sớm ban hành cơ chế linh hoạt, đặc thù để tháo gỡ những khó khăn trong GPMB. Theo UBND huyện Thạch Thất, diện tích đất bị thu hồi để xây dựng nút giao lớn nhưng nguồn gốc, chủ sử dụng đất phức tạp nên gây nhiều khó khăn cho công tác hỗ trợ, đền bù, tái định cư. Hiện nay, chưa có đất tái định cư để giao cho các hộ, trong khi số hộ phải di chuyển chỗ ở khoảng 500 hộ. Các hộ được giao đất ở theo Quyết định 4681, 4682 (năm 1989) hầu hết được giao hàng nghìn m2, cá biệt có hộ được giao từ hai đến ba suất, mỗi suất hàng nghìn m2. Nhiều hộ được giao đất nay đã chuyển nhượng trao tay, tự tách hộ cho từ ba đến năm hộ. Trong quá trình điều tra, khảo sát nhiều hộ không xuất trình được giấy tờ giao đất, UBND xã không có hồ sơ quản lý  để làm căn cứ bồi thường... Ðể tháo gỡ những vướng mắc này, UBND huyện Thạch Thất kiến nghị: UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn huyện để xử lý việc phân loại đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ đối với 11 ha đất do xã Thạch Hòa giao vượt diện tích, sai đối tượng và hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản của các doanh nghiệp nằm ngoài chỉ giới thu hồi nhưng bị ảnh hưởng. Hiện nay, trên nút giao Hòa Lạc, nhiều hộ đã chuyển nhượng đất cho hộ khác không làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật, nay thực hiện công tác bồi thường, nếu bồi thường cho chủ cũ thì xảy ra tranh chấp nhưng bồi thường cho chủ mới thì không có cơ sở pháp lý (nếu phải cưỡng chế thu hồi thì không đúng đối tượng). Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Ðỗ Doãn Hoàn, đây là một  việc khó, huyện đang lúng túng, cần cơ chế linh hoạt, hợp lý, hợp tình. Huyện đề nghị thành phố cho hướng giải quyết.  Huyện sẽ ưu tiên tái định cư, tạm cư cho 120 hộ dân (trong khu vực cần GPMB trước) để bà con sớm ổn định cuộc sống. Trưởng ban GPMB thành phố Nguyễn Ðức Biền cho biết: Các ngành chức năng của thành phố đang phối hợp huyện Thạch Thất để sớm ban hành cơ chế trong GPMB phù hợp, phấn đấu không làm ảnh hưởng đến tiến độ của nút giao. Ban Quản lý dự án cũng đề nghị thành phố chỉ đạo ưu tiên GPMB  một số vị trí. Tại hồ Phú Ðô, đề nghị bổ sung phương án hỗ trợ, đền bù diện tích hồ nằm ngoài chỉ giới GPMB để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trước ngày 30-6-2009. Giải quyết dứt điểm các cây xăng trên toàn tuyến trước ngày 30-6-2009. Tại Km10+920 - Km11+120 (xã Song Phương, Hoài Ðức), khối lượng đắp tập trung rất lớn và một cầu chưa thể thi công, đề nghị hội đồng GPMB vận động các hộ dân  bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6-2009. Ðề nghị thành phố chỉ đạo các hội đồng GPMB kiên quyết với các hộ dân và doanh nghiệp cố tình không di chuyển, không hợp tác để hoàn thành công tác GPMB trước ngày 30-8-2009.

Kiều Hương và Vĩnh Hoàng