Tại dự án tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cao 15 tầng, tổng vốn đầu tư 225 tỷ đồng đang được gấp rút xây dựng tại thành phố Thái Bình. Chỉ sau hơn 2 tháng khởi công, đến nay nhà thầu là Tập đoàn Đông Đô đã hoàn thành xong toàn bộ phần móng của công trình.
Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Thái Bình, đòi hỏi chất lượng, kỹ thuật cao phục vụ cho hoạt động y tế dự phòng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do tính cấp thiết của công trình, tỉnh Thái Bình đã đàm phán với nhà thầu rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, từ 36 tháng xuống còn 24 tháng.
Có mặt tại công trường, chúng tôi cảm nhận bầu không khí làm việc khẩn trương, hối hả của đông đảo công nhân, người lao động. Đơn vị chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thái Bình thông tin nhanh: Nhà thầu sẽ thi công “cuốn chiếu” để đẩy nhanh tiến độ, tập trung nguồn lực tài chính, huy động đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao và áp dụng những công nghệ thi công tiên tiến.
Tỉnh Thái Bình rất quan tâm, dành toàn bộ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ cho toàn bộ dự án quan trọng này. Sau khi hoàn thành, tòa nhà sẽ phục vụ hoạt động cho 4 đơn vị, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Tại dự án đầu tư tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, các đơn vị thi công đang triển khai làm xuyên ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có chiều dài hơn 34km, quy mô đường cấp 3 đồng bằng chạy qua huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn nhà đầu tư.
Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng đã được tháo gỡ, địa phương cơ bản đã bàn giao thực địa cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đối với đoạn tuyến dùng vốn ngân sách nhà nước, phần đường đã đào nền, đắp cát được khoảng 20km/29km. Phần cầu, đã thi công xong cầu Trà Lý, còn lại 8 cây cầu trên tuyến đã hoàn thành xong hạng mục mố, trụ; đang triển khai lao lắp dầm cầu, bản mặt cầu và gờ lan can.
Đoạn tuyến dùng vốn BOT, gồm cầu vượt sông Hồng và đường dẫn đầu cầu, đang tiến hành thi công hạng mục cọc khoan nhồi, hoàn thành được 1/2 mố cầu và 20/28 trụ cầu. Bên cạnh đó, đã thi công được 55/115 phiến dầm Super T, trong đó đã lao lắp được 45/115 phiến dầm. Hạng mục dầm bản đã hoàn thành được 12/12 phiến.
Ông Vũ Văn Toản, Chỉ huy thi công tuyến đường bộ ven biển cho biết: “Chúng tôi huy động 100% cán bộ công nhân viên và toàn bộ thiết bị hiện đại, tổ chức 10 mũi thi công, gồm 5 mũi thi công cống và 5 mũi thi công về nền mặt đường. Chúng tôi tổ chức làm 3 ca để sớm hoàn thành dự án”.
Dự kiến, tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình sẽ được đưa vào sử dụng trong quý III/2023.
Một công trình trọng điểm khác của tỉnh Thái Bình cũng đang được gấp rút hoàn thành, đó là dự án cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn, phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng ven biển phía nam tỉnh Thái Bình (đường 221A).
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho hay, đây là công trình quan trọng nối thẳng từ thị trấn Tiền Hải đến Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tắm biển cồn Vành (thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) có chiều dài 17,8km.
Hiện nay, dự án cơ bản hoàn thành hệ thống cầu, cống, rãnh thoát nước trên tuyến. Đã thi công hoàn thành 12,6/13,6km láng nhựa, thảm bê-tông nhựa lớp dưới C19 được 8,5/13,6km và hoàn thành hệ thống an toàn giao thông (tôn hộ lan, cọc tiêu, biển báo) được 10/17km. Nhà thầu đang tích cực triển khai thi công hoàn thiện đá dăm láng nhựa và thảm mặt đường.
Đây là công trình giao thông được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình quan tâm, chú trọng. Hằng tuần, lãnh đạo tỉnh cùng các đơn vị liên quan trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, đốc thúc quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng.
Theo kế hoạch, con đường phát triển kinh tế, xã hội kết hợp an ninh, quốc phòng này sẽ được thông xe kỹ thuật đúng ngày sinh nhật Bác, 19/5 tới đây.