Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch ngoài đê, ven sông Hồng và sông Đuống

Sau ba năm quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống được phê duyệt, 13 quận, huyện nằm trong phạm vi quy hoạch vẫn chưa hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ, xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
Trước phiên giải trình, các đoàn công tác của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành khảo sát thực địa tại nhiều khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống.
Trước phiên giải trình, các đoàn công tác của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành khảo sát thực địa tại nhiều khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống.

Việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lập bản vẽ ranh giới tỷ lệ 1/500 các khu dân cư nằm trong quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống của 13 quận, huyện (Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm) chưa hoàn thành, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, cấp sổ đỏ, cấp phép xây dựng.

Tại các Quyết định số 1045/QĐ-UBND và 1046/QĐ-UBND, thành phố giao Ủy ban nhân dân 13 quận, huyện có nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ, xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp sổ đỏ và cấp phép xây dựng theo quy định; kiểm tra quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp sai quy hoạch.

Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, để triển khai quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương lập bản vẽ ranh giới, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Đồng thời, các địa phương tiến hành kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án đầu tư liên quan trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, khi Quy hoạch Thủ đô đã được phê duyệt, các nội dung cụ thể hóa các khu vực dân cư ngoài bãi theo Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, cũng như theo Quy hoạch Thủ đô, sẽ sớm được triển khai, ổn định tình hình đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ cho người dân.

Liên quan đến quy hoạch khu vực ngoài đê, ven sông Hồng, sông Đuống, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ vào đó để điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 và tỷ lệ 1/2.000 cho phù hợp để sớm hoàn thành trong năm 2025. Đối với các quận, huyện cần tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, trong đó có các dự án nằm trong khu vực bãi sông, ngoài đê.

Song song với quá trình tổ chức triển khai lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, với khu vực có giá trị đặc biệt là làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo công tác thi tuyển thiết kế quy hoạch và lập đồ án Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Làng gốm sứ Bát Tràng, tỷ lệ 1/500.

“Hiện nay, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đang khẩn trương phối hợp đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án, bảo đảm theo quy định để đủ điều kiện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết thêm.

Từ những bất cập, vướng mắc trên thực tế, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã đề nghị các cơ quan chức năng thành phố tập trung giải trình các công tác lãnh đạo chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý; công tác triển khai quy hoạch, công tác quản lý đầu tư xây dựng; công tác quản lý đất đai, chống lấn chiếm, các hoạt động xây dựng khu vực ngoài đê; công tác quản lý trật tự xây dựng; công tác cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; công tác quản lý đê điều, hành lang thoát lũ... từ đó phát hiện những bất cập, hạn chế, tìm ra bài học kinh nghiệm, các kiến nghị và giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố.