Mới đây, UBND huyện Thạch Thất đã tổ chức lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu. Dự án có tổng diện tích 10,7ha do Công ty cổ phần Hoàng Hưng Tiến làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 267,6 tỷ đồng, là vốn của chủ đầu tư, vốn huy động từ các nhà đầu tư thứ phát, vốn vay các tổ chức tín dụng. Cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu có quyết định thành lập từ đầu năm 2019, nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các làng nghề trên địa bàn, phục vụ việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
Huyện Thường Tín cũng đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp Tiền Phong giai đoạn 2 (diện tích 8,1ha, tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng) và cụm công nghiệp Thắng Lợi (diện tích hơn 8,8ha, tổng mức đầu tư 142,3 tỷ đồng). Huyện Đan Phượng khởi công xây dựng cụm công nghiệp Đan Phượng giai đoạn 2 với quy mô 6,8ha, tổng mức đầu tư 188 tỷ đồng...
Đây đều là các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập từ giai đoạn 2018-2019, nhưng do vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục đầu tư, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năng lực của chủ đầu tư… mà bị chậm tiến độ.
Trước tình trạng này, thành phố Hà Nội đã giao lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định… Trong đó, Sở Công thương Hà Nội thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc, kịp thời tham mưu UBND thành phố các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, khai thác theo đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, Kiều Xuân Huy cho biết, hiện trên địa bàn huyện Thường Tín có 11 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 195ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho khoảng 190 doanh nghiệp và hơn 500 hộ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong các làng nghề, khu dân cư với diện tích nhỏ hẹp, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và cháy nổ cao. Vì vậy, nhu cầu về mặt bằng sản xuất trên địa bàn huyện rất lớn. “Các cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết khó khăn về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội” - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín nhấn mạnh.
Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan, thành phố cũng đề nghị các chủ đầu tư tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thứ phát để phát huy hiệu quả của các dự án. Đại diện Công ty TNHH Xuân Phương - chủ đầu tư cụm công nghiệp Đan Phượng giai đoạn 2 cho biết, đơn vị đã tập trung nguồn lực khẩn trương phối hợp các sở, ngành, địa phương để hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án, triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng đạt 100% kế hoạch cũng như hoàn thiện thủ tục để khởi công xây dựng. Doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện máy móc, cam kết hoàn thành dự án trong vòng bốn tháng, bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch.
Theo Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn năm 2022, thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020; thành lập, mở rộng 15 đến 20 cụm công nghiệp mới; bổ sung bốn cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp luôn được thành phố xác định là khâu đột phá, ưu tiên thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp-xây dựng giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5 đến 9% theo kế hoạch. Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Đồng thời, là giải pháp quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.