Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 5, thành phố giải ngân khoảng 10.895 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch. Trong khi đó, mục tiêu của thành phố là đến hết quý II, tỷ lệ nguồn vốn giải ngân phải đạt khoảng 30%. Trong hai tháng (tháng 4 và 5/2024), để bảo đảm tiến độ, thành phố xác định mỗi tuần cần giải ngân từ 3.500 đến 4.000 tỷ đồng, nhưng hiện mỗi tuần chỉ giải ngân khoảng 200 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, một số dự án có nguồn vốn đầu tư lớn như: Rạch Xuyên Tâm dự kiến giải ngân 5.400 tỷ đồng, bờ Bắc Kênh Đôi khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, dự án Vành đai 2 là 8.000 tỷ đồng… nếu chậm giải ngân sẽ kéo theo tỷ lệ giải ngân của thành phố đạt rất thấp.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, 7 tháng còn lại của năm, thành phố phải giải ngân khoảng 73.000 tỷ đồng. Vấn đề này yêu cầu các đơn vị, địa phương quyết liệt xử lý dứt điểm các nội dung tồn đọng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục về môi trường, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền, nhằm đẩy nhanh thủ tục thực hiện các dự án.
Trong công văn gửi các đơn vị liên quan về công tác này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi giao các sở, ngành khẩn trương xử lý nội dung tồn đọng từ quý I/2024. Đồng thời, đối với các dự án dự kiến giải ngân trong quý II/2024, các sở chuyên ngành tập trung đẩy mạnh giải quyết, tháo gỡ hoặc hướng dẫn các địa phương xử lý vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc thẩm quyền của đơn vị đối với các dự án.
Thành phố cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tập trung đẩy mạnh giải quyết, tháo gỡ vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư thuộc thẩm quyền của các địa phương. Thủ trưởng các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố trong trường hợp đơn vị không hoàn thành giải ngân số vốn đã cam kết thực hiện trong quý II; xử lý nghiêm đối với các nhà thầu năng lực kém gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư cần báo cáo rõ lý do điều chỉnh, đồng thời cam kết không gây lãng phí khi điều chỉnh giảm để chuyển vốn cho dự án khác, không ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự án. Đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu từng chủ đầu tư, cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, có giải pháp khắc phục cụ thể các hạn chế trong thời gian tới. Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị nghiêm túc đánh giá việc điều hành nhiệm vụ tại cơ quan và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với nhau. Các đơn vị, cơ quan cần thực hiện tốt hơn việc phối hợp hiệu quả để bảo đảm tiến độ đề ra trong quá trình thực hiện.
Đối với nền kinh tế-xã hội nói chung, qua năm tháng đầu năm, lãnh đạo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế của thành phố tăng trưởng nhưng vẫn chưa đủ mạnh để phát triển nhanh hơn. Doanh nghiệp có đơn hàng nhưng thời gian đặt hàng của đối tác rất ngắn, mức giá không tăng dù giá nguyên vật liệu đều có thay đổi so với trước đây.
Một trong những điểm tích cực của nền kinh tế là tất cả ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, ngành vận tải kho bãi có mức tăng 16,24%, tiếp theo là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,24%; giáo dục và đào tạo tăng 6,15%; bán buôn, bán lẻ tăng 5,68%; thông tin và truyền thông tăng 5,52%;… Thống kê cho thấy, chín ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,7% trong GRDP, chiếm 91% trong khu vực dịch vụ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 406.345 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Tuy vậy, một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng không đạt như kỳ vọng: Tăng trưởng tín dụng yếu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm về quy mô vốn (giảm 7,61% so với cùng kỳ), số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng hơn 20%. Lãnh đạo thành phố nhận định, các cấp, ngành phải quyết tâm hơn nữa mới mong hoàn thành kế hoạch của quý II cũng như các quý còn lại.
Tăng tốc tiến độ các công trình trọng điểm
Tại buổi họp kinh tế-xã hội năm tháng đầu năm, các cơ quan chức năng cũng “cập nhật” tiến độ một số dự án trọng điểm, trong đó nhấn mạnh việc tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đối với dự án metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Trong đó ga ngầm Bến Thành đã cơ bản hoàn thiện, chờ bàn giao trước khi vận hành. Dự án metro số 1 đang được đẩy nhanh tiến độ đưa vào khai thác trong quý IV/2024. Dự án metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương), công tác di dời, bàn giao mặt bằng đạt hơn 90%, việc khởi công các gói thầu chính sẽ được triển khai vào năm 2025. Dự án thành phần 2 đường Vành đai 3 hiện mặt bằng bàn giao đạt 98%. Trong đó, thành phố Thủ Đức đạt 94%, huyện Củ Chi đạt 99%, huyện Hóc Môn đạt 100%, huyện Bình Chánh đạt 99%. Đối với dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên đạt hơn 50% tổng khối lượng nhưng việc khó khăn về vật liệu cát đắp cũng phần nào ảnh hưởng tiến độ dự án.