Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tám tháng qua, TP Hà Nội đã giải ngân 26.600 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 58,6% kế hoạch vốn năm 2020. Với mục tiêu giải ngân từ 97 đến 100% vốn đầu tư công năm 2020, từ nay đến cuối năm, thành phố yêu cầu các đơn vị triển khai các giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đưa kinh tế Thủ đô vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là một dự án quan trọng, mức đầu tư lớn nhưng tiến độ triển khai còn chậm, mới giải ngân đạt 43%. Ảnh: Hoàng Huy
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là một dự án quan trọng, mức đầu tư lớn nhưng tiến độ triển khai còn chậm, mới giải ngân đạt 43%. Ảnh: Hoàng Huy

Tỷ lệ vốn giải ngân thấp

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) có chiều dài 12,5 km, tổng mức đầu tư 32.900 tỷ đồng. Dự án quan trọng, mức đầu tư lớn, nhưng tiến độ triển khai toàn dự án còn rất chậm, mới giải ngân đạt 43%. Số vốn tại dự án tuyến đường sắt số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Ðạo cũng không thể giải ngân kịp trong năm 2020, do phải điều chỉnh dự án sau khi Luật Ðầu tư công được ban hành. Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá khởi công từ tháng 10-2016, công suất 270 nghìn m3/ngày với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Ðến nay, dự án đã bước vào giai đoạn hai, các hạng mục thi công mới đạt 40% khối lượng công việc.

Ðây là những dự án đầu tư công trọng điểm trên địa bàn Hà Nội đang triển khai chậm trễ, có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp. Ngoài ra, có thể "điểm danh" một số dự án khác nữa như 11 dự án xây dựng trụ sở cơ quan công an cấp quận, huyện, xã, phường có tổng mức đầu tư 237 tỷ đồng, nay mới giải ngân khoảng 90 tỷ đồng, đạt khoảng 40% kế hoạch giao; dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - đường vành đai 3 được bố trí 50 tỷ đồng, nhưng nay mới giải ngân được 5,8 tỷ đồng…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, kế hoạch chi đầu tư phát triển năm 2020 của thành phố sau hai quyết định điều chỉnh là 45.567 tỷ đồng, cao hơn Trung ương giao là 4.896 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển cấp thành phố là 28.754 tỷ đồng. Tính chung tám tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện được 26.600 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 58,6% kế hoạch vốn năm 2020. Trong đó, vốn ngân sách cấp thành phố thực hiện 12.700 tỷ đồng, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 62,1% kế hoạch năm; vốn ngân sách cấp quận, huyện thực hiện 12.700 tỷ đồng, tăng 19% và đạt 55,4%; vốn ngân sách cấp xã, phường thực hiện được 1.222 tỷ đồng, tăng 9,9% và đạt 59,4%.

Riêng đối với các dự án xây dựng cơ bản (XDCB) tập trung cấp thành phố, thành phố bố trí vốn cho 272 dự án với số vốn là 14.823 tỷ đồng, trong đó có 148 dự án chuyển tiếp từ năm 2019 sang và 124 dự án khởi công mới. Tuy nhiên, đến nay mới có 50 dự án hoàn thành.

Tháo gỡ các vướng mắc

Theo UBND thành phố Hà Nội, dù đã nỗ lực, nhưng tốc độ giải ngân vốn, triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy định của pháp luật, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài, cũng như những hạn chế, yếu kém của đơn vị triển khai... Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Nguyễn Cao Minh cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyên gia nước ngoài chưa thể đến Hà Nội, các loại thiết bị, linh kiện đặt từ nước ngoài cũng bị ảnh hưởng, gây chậm tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị. Công tác GPMB, tái định cư tiếp tục vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư. Một số dự án còn tình trạng người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù và giá bồi thường, làm chậm quá trình thi công dự án. Ðơn cử, công tác GPMB tại khu vực chân cầu thang của ba nhà ga trên cao thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vẫn chưa hoàn thành, cho nên vẫn chưa có mặt bằng để thi công. Dự án cải tạo thoát nước sông Pheo (quận Bắc Từ Liêm) cũng chưa GPMB xong… Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, hiện nay còn 4% khối lượng cần giải phóng mặt bằng dự án này chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do một số người dân không đồng ý với dự án phê duyệt, không đồng ý mức giá đền bù; việc trả tiền bồi thường cho người dân còn chậm…

Một nguyên nhân nữa là do những vướng mắc, quy định phức tạp, chồng chéo giữa Luật Ðầu tư công với các luật khác khiến quá trình triển khai mất nhiều thời gian. Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình cấp, thoát nước và môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, tiến độ giải ngân chậm còn bởi chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong quá trình điều hành; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ các ban quản lý dự án.

Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện mười nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung triển khai quyết liệt thực hiện các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HÐND thành phố quyết nghị, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, các công trình cấp bách. Thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dự án đầu tư đối với các chủ đầu tư, UBND cấp huyện có kết quả giải ngân thấp để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các dự án chậm tiến độ. Các sở, ngành tiếp tục rà soát, thực hiện cải cách hành chính đối với các thủ tục về đầu tư xây dựng, bồi thường GPMB, thu hồi đất…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: "Thành phố sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng thực hiện và có nhu cầu bổ sung vốn. Với những vướng mắc, thành phố sẽ chỉ đạo cụ thể từng dự án để kịp thời tháo gỡ; tăng cường điều hành, giám sát theo hướng giải quyết ngay tại công trường để đạt được mục tiêu giải ngân từ 97% đến 100% vốn đầu tư công năm 2020 và thực hiện giải ngân đến hết tháng 1-2021, góp phần quan trọng để Thủ đô đạt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra".