Đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô

Từ ngày khởi công dự án xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô (tháng 6/2023) đến nay, thành phố Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh vừa tiếp tục giải phóng mặt bằng (GPMB), vừa tổ chức thi công trên toàn tuyến. Tuy nhiên, tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo do một số khu vực chưa GPMB xong. Hiện nay, cả ba địa phương đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc để hoàn thành GPMB trong năm 2024, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành đường song hành của dự án vào quý IV năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công đường song hành thuộc dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô, đoạn thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Thi công đường song hành thuộc dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô, đoạn thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Trên công trường đường vành đai 4-vùng Thủ đô (dự án đường vành đai 4) tại địa bàn Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh vào giữa những ngày hè nắng nóng, chúng tôi chứng kiến không khí thi công sôi động, khẩn trương trên toàn tuyến.

Khẩn trương thi công trên toàn tuyến

Ông Nguyễn Hữu Từ, đại diện nhà thầu Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị-UDIC, chỉ huy trưởng gói thầu số 10 của dự án thành phần 2.1 (dự án đường song hành), thi công đoạn trên địa bàn xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, đơn vị huy động hơn 10 máy xúc, máy lu, máy ủi, sắp xếp nhân lực bố trí làm ba ca liên tục để đắp cát bù lún, xử lý nền đất yếu.

Dù thời gian qua mưa nhiều, gây khó khăn không nhỏ cho công tác thi công, nhưng nhà thầu vẫn bám sát tiến độ đề ra. Tuy nhiên, nhà thầu đề nghị chủ đầu tư bàn giao mặt bằng còn lại để thi công bảo đảm tiến độ chung, trong đó ưu tiên bàn giao các khu vực nền đất yếu để nhà thầu có thời gian xử lý.

Đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô ảnh 1

Công nhân đang xử lý nền đất yếu trên công trường thi công đường song hành thuộc dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đoạn trên địa bàn huyện Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư dự án đường vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội), đến nay, các quận, huyện của thành phố đã thu hồi và bàn giao cho các nhà thầu gần 98% diện tích của dự án (774,26/791,21 ha). Các địa phương cũng đã hoàn thành xây dựng hạ tầng toàn bộ 13 khu tái định cư để bố trí cho các hộ dân.

Tuy nhiên, dù khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không lớn, nhưng chủ yếu phần diện tích chưa thu hồi thuộc khu vực phải xử lý nền đất yếu, càng thu hồi chậm thì càng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bên cạnh đó, công tác di chuyển công trình ngầm, nổi còn chậm. Đến nay, các huyện Sóc Sơn, Mê Linh đang thực hiện di chuyển, còn các địa phương khác thì đang thực hiện lựa chọn nhà thầu.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4, đoạn chạy qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km. Đến nay tỉnh đã thu hồi đất và bàn giao cho chủ đầu tư được hơn 195 ha (dài 16,7 km) đạt 86,4% diện tích phải GPMB.

Chỉ huy trưởng công trường dự án xây dựng đường song hành của Công ty cổ phần Lizen Nguyễn Công Trường cho biết: Sau tám tháng triển khai thi công, nhà thầu Lizen đã huy động 32 kỹ sư, 176 công nhân; 17 máy đào, 13 máy ủi, 18 lu rung..., tổ chức tám mũi thi công, đào, đắp nền 19,4 km, xử lý 7,5 km đất yếu, đạt tiến độ thi công đề ra.

Tuy nhiên công tác thi công gặp khó khăn do hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường điện cao thế, trung thế, hạ thế...) chưa được di dời; việc GPMB ở cánh đồng khu thực nghiệm Văn Giang chưa được hoàn tất; các khu dân cư thuộc diện di dời đang trong quá trình bồi thường, cho nên đã ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả thi công công trình.

Đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô ảnh 2

Các hộ công nhân Trạm thực nghiệm Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên họp xét tài sản trên diện tích đất bị thu hồi để xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: Phạm Hà)

Trên công trường đường vành đai 4 đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, các nhà thầu tập trung huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư… triển khai thi công đồng loạt tại các địa bàn chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng.

Tại công trường thi công gói thầu số 14 thuộc dự án đường song hành, đoạn giáp ranh với tỉnh Hưng Yên đến Quốc lộ 38 có chiều dài tuyến 10,8 km, các nhà thầu đang tích cực triển khai sáu mũi thi công, trong đó có bốn mũi thi công đường, hai mũi thi công cầu Nguyệt Đức và cầu Kênh Giữa, hiện tổng sản lượng thi công toàn gói đạt 5,8%.

Dù công tác GPMB tại tỉnh Bắc Ninh đã đạt hơn 97%, song các vị trí chưa được giải phóng mặt bằng theo kiểu xôi đỗ đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của toàn dự án trên địa bàn. Đơn cử như gói thầu số 14 dài 10,8 km, triển khai thi công từ ngày 18/12/2023, nhưng đến nay, nhà thầu mới nhận bàn giao mặt bằng 9 km; gói thầu số 15, đoạn từ Quốc lộ 38 (thị xã Thuận Thành) đến cầu Hoài Thượng với chiều dài 8,2 km, triển khai thi công từ ngày 8/4, mới được bàn giao mặt bằng 7 km…

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định

Trong số ba địa phương triển khai dự án đường vành đai 4, thì Hà Nội có tiến độ GPMB nhanh nhất, nhưng đến nay vẫn còn mười điểm chưa GPMB xong. Đồng chí Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, huyện đã GPMB xong 83,64/86,94 ha, hiện còn 3,3 ha, trong đó có hơn 4.730 m2 đất ở đang được huyện tiếp tục thực hiện quy trình thu hồi đất.

Đồng chí Nguyễn Trọng Khiển cho biết: “Người dân đồng tình với chủ trương thu hồi đất để triển khai dự án trọng điểm của quốc gia, tuy nhiên còn có những vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất và giá đất. Lãnh đạo huyện đã tổ chức đối thoại, mời đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường về tham vấn và sẽ tập trung giải quyết, phấn đấu hoàn thành việc thu hồi toàn bộ diện tích trong quý III năm 2024”. Huyện Hoài Đức cũng đang rốt ráo thực hiện GPMB hơn 1% diện tích còn lại trong tổng số 263,39 ha cần thu hồi cho dự án đường vành đai 4.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Hiện nay, hạ tầng hai khu tái định cư trên địa bàn đã được hoàn thiện. Đơn vị đã tổ chức cho 42 hộ tại xã Đông La bốc thăm chọn vị trí tái định cư. Một số hộ do vướng mắc về nguồn gốc đất đang được các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát để lên phương án cụ thể. Huyện quán triệt tinh thần bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định”.

Tỉnh Hưng Yên cũng đang triển khai GPMB phần diện tích đất ở, đất của doanh nghiệp. Đối với diện tích đất ở, các huyện đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, hiện đang tổ chức lập và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ; đang xây dựng phương án tái định cư.

Đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô ảnh 3

Công ty cổ phần Li Zen thi công tuyến đường song hành thuộc dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Hà)

Công tác di chuyển mồ mả đạt 99,3%. Các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng 11 khu tái định cư, với khối lượng thi công đạt từ 70 đến 85%. Công tác GPMB đang còn vướng mắc tại một số khu vực, nhất là tại khu vực cánh đồng của Trạm thực nghiệm Văn Giang thuộc Viện di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Tại đây, nhiều hộ dân là công nhân của trạm thực nghiệm, trước đây được trạm giao khoán đất để sản xuất, nay chưa đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB của huyện Văn Giang khi thu hồi đất làm đường vành đai 4 với giá đền bù 0 đồng, cho nên các hộ chưa di dời tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Để giải quyết việc này, ngày 8/7/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 20/2024/QĐ-UBND, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Văn Giang Lê Quý Cử cho biết: thực hiện Quyết định số 20/2024/QĐ-UBND, UBND huyện Văn Giang đã làm việc với Trạm thực nghiệm Văn Giang hướng dẫn các hộ hoàn thiện hồ sơ gồm hợp đồng giao khoán, danh sách công nhân của trạm, xác nhận của Bảo hiểm xã hội về việc đóng bảo hiểm của cán bộ, công nhân, biên bản xác nhận tài sản trên đất bị thu hồi...

Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án tổng hợp hồ sơ, lập danh sách báo cáo UBND huyện đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên quyết định bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho các hộ dân.

Phấn đấu hoàn thành đường song hành trong quý IV năm 2025

Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, các nhà thầu thi công đường song hành dự án đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 4 qua địa phận Hà Nội tập trung nhân lực, phương tiện, thi công không có ngày nghỉ trên các công trường.

Đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô ảnh 4

Thi công đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: An Trân)

Nhiều đoạn đường song hành đã thi công đến lớp cấp phối đá dăm, đạt khoảng 28% giá trị hợp đồng. Riêng đoạn đường song hành trên địa bàn huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh dài 11km, các đơn vị phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Đối với đoạn còn lại, Ban chỉ đạo triển khai dự án đường vành đai 4 thành phố Hà Nội yêu cầu quận Hà Đông và huyện Thanh Oai phải bàn giao mặt bằng khu vực xử lý nền đất yếu trước ngày 30/7/2024 để bảo đảm hoàn thành toàn bộ đường song hành trong quý IV/2025.

Dự án đường vành đai 4 đoạn qua địa bàn Bắc Ninh cũng đang được triển khai với tinh thần quyết liệt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng cho biết: Với quyết tâm cao nhất, Bắc Ninh đang tập trung ưu tiên công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai, tỉnh chú trọng công tác đối thoại tuyên truyền, vận động để có được sự đồng thuận của người dân.

Với phương châm vận dụng linh hoạt các chính sách, cơ chế đặc thù có lợi nhất cho nhân dân, Bắc Ninh có chính sách hỗ trợ người dân trong trường hợp có đất tái định cư mà chưa kịp xây, địa phương sẽ hỗ trợ tiền để các hộ dân đi thuê và hỗ trợ tiền để dịch chuyển tài sản. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, cập nhật giá đầu đi-đầu đến cho phù hợp với mặt bằng giá hiện tại.

Trước đó, tỉnh đã có kinh nghiệm và triển khai thành công khi phát động phong trào thi đua “30 ngày đêm hoàn thành di chuyển nghĩa trang, mộ chí dự án đường vành đai 4 đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh”. Ban chỉ đạo tỉnh giao Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo họp định kỳ hai tuần/lần để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương. Tỉnh yêu cầu nhà thầu bố trí nhân lực, vật lực triển khai thi công những nơi đã bàn giao mặt bằng, bảo đảm dự án về đích đúng kế hoạch n