Đẩy nhanh thi công hạ tầng thiết yếu tại các khu đô thị mới

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha trở lên đã và đang triển khai, trong đó có gần 100 dự án cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, còn nhiều dự án chưa hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Khu đất quy hoạch xây dựng trường học tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đang là nơi tập kết vật liệu xây dựng.
Khu đất quy hoạch xây dựng trường học tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện đang là nơi tập kết vật liệu xây dựng.

Những hạn chế này đã được làm rõ tại phiên họp giải trình về việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chiều 14/10; đồng thời, nhiều giải pháp khắc phục được đưa ra.

Chủ đầu tư “quên” đầu tư công trình công cộng

Dự án khu đô thị mới Dương Nội (quận Hà Ðông) của Tập đoàn Nam Cường khởi công xây dựng vào năm 2008, nhưng đến nay tuyến đường N129 đến N129A có chiều dài 500m vẫn chưa hoàn thành. Dự án khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) triển khai từ cách đây 20 năm, nhưng tuyến đường số 1, chiều dài khoảng 500m, mặt cắt ngang 17,5m kết nối đường vành đai 2,5 với phố Khúc Thừa Dụ vẫn dang dở. Khu đô thị mới An Khánh-An Thượng (huyện Hoài Ðức) có diện tích hơn 30ha, nhưng ô đất quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải cũng chưa được đầu tư xây dựng, cho dù tiến độ phê duyệt là đến quý IV năm 2021 phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Khu đô thị Ðại Thanh (huyện Thanh Trì) rộng 17ha dù đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều năm nay, nhưng cũng chưa có trạm xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải khu đô thị xả thẳng ra sông Nhuệ. Ðáng chú ý, hàng loạt khu đô thị, khu nhà ở có quy hoạch xây dựng trường học, nhưng chủ đầu tư lại “bỏ quên”, như tại khu đô thị Ngôi nhà mới (huyện Quốc Oai), cả ba ô đất xây dựng trường mầm non và tiểu học hiện tại đều là bãi đất trống. Tại dự án khu đô thị N1 và N3 Sài Sơn, có hai ô đất xây trường mầm non và tiểu học đã khởi công cuối năm 2020, nhưng chưa xong phần móng...

Tại phiên họp giải trình về việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố, các đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ Long Biên), Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín), Nguyễn Bích Thủy (tổ Cầu Giấy), Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Ðức)… đề nghị các sở, ngành nêu rõ, có trường hợp dự án không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ theo quy định, nhưng vẫn được điều chỉnh không? Có xảy ra việc điều chỉnh quy hoạch để đưa các ô đất khó giải phóng mặt bằng vào làm công trình hạ tầng xã hội, còn ô đất “sạch” chuyển thành công trình nhà ở không? Ðại biểu Ðoàn Việt Cường (tổ Ðông Anh), Nguyễn Trường Sơn (tổ Quốc Oai) đặt câu hỏi đối với Ủy ban nhân dân thành phố về các dự án khu đô thị đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, nhưng chưa bàn giao cho thành phố. Thành phố đã có văn bản đôn đốc nhưng chưa xác định được đầu mối quản lý, quy trình bàn giao hạ tầng, thời điểm bàn giao. Qua đó, các đại biểu đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của sở chuyên ngành và giải pháp khắc phục.

Rõ trách nhiệm, lộ trình thực hiện

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Ðỗ Anh Tuấn khẳng định, không có dự án nào không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ. Quá trình tổ chức thực hiện, Sở đã kiểm tra 118 dự án, xử phạt 107 dự án chậm tiến độ báo cáo; xem xét, chuyển thanh tra xử lý theo quy định… Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết thêm, không ít chủ đầu tư chỉ tập trung đầu tư xây dựng các công trình để bán, còn chậm trễ đầu tư hệ thống hạ tầng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Ðức Tuấn cho biết, trên thực tế, có những chủ đầu tư làm rất tốt, nhưng quá trình triển khai cũng có những khó khăn dẫn đến khu đô thị chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ củng cố tính pháp lý và tăng cường phân cấp quản lý đô thị, thanh tra giám sát đầu tư và có biện pháp đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, thời gian tới, thành phố cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh các dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu chậm triển khai, nhất là các dự án trường học, bãi đỗ xe... để đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân. Chủ tịch thành phố nhận định, công tác giám sát các dự án trong quá trình đầu tư và sau đầu tư “có vấn đề”. Những hạn chế nêu trên có trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố, trong đó có sự buông lỏng của các sở, ngành, cơ quan giúp việc. Ủy ban nhân dân thành phố sẽ triển khai ngay để sớm khắc phục những hạn chế.

Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, những năm qua việc đầu tư, xây dựng, phát triển các khu đô thị, khu nhà ở đạt kết quả đáng ghi nhận, nhưng công tác quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng trong các khu đô thị, khu nhà ở còn nhiều bất cập, hạn chế. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có những giải pháp khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các hạn chế. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án thành phần, hạng mục chưa được thực hiện, chậm triển khai để theo dõi, quản lý và công khai tiến độ thực hiện để cử tri, nhân dân giám sát.