Đẩy nhanh quá trình thương mại hóa 5G

5G được xác định là hạ tầng quan trọng cho thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phục vụ nhu cầu kết nối internet vạn vật (IoT), phát triển thông minh.
Khách hàng trải nghiệm các ứng dụng 5G của nhà mạng Vinaphone.
Khách hàng trải nghiệm các ứng dụng 5G của nhà mạng Vinaphone.

Theo kế hoạch, Việt Nam trong năm 2023 sẽ triển khai thương mại hóa diện rộng các dịch vụ 5G. Nhưng cho đến nay, việc đấu giá băng tần 5G vẫn chưa đạt kết quả và có thể khiến quá trình thương mại hóa bị chậm nhịp.

Ngành viễn thông thường chứng kiến sự thay đổi công nghệ theo chu kỳ 10 năm/lần trong lĩnh vực thông tin di động và cứ thế hệ sau sẽ có đóng góp lớn hơn cũng như cách thức khác biệt hơn cho kinh tế-xã hội so với thế hệ trước. Chính thức được thử nghiệm trên thế giới từ năm 2018, đến nay công nghệ 5G đã cho thấy những bước phát triển ban đầu tương đối mạnh mẽ.

Phát triển chưa đạt kỳ vọng

Theo thống kê, hiện đã có 247 nhà mạng tại hơn 100 quốc gia triển khai mạng 5G; 270 nhà mạng khác cũng đang có những bước đầu tư, chuẩn bị đưa dịch vụ 5G đến với người tiêu dùng. Tốc độ phát triển 5G theo phương diện thuê bao cũng nhanh hơn so với các công nghệ 4G, 3G trước đây. Hiện trên thế giới đã có hơn một tỷ thuê bao 5G và dự báo sẽ đạt 3 tỷ thuê bao trong vòng 3 năm tới. Thời gian đạt mốc 1 tỷ thuê bao 5G đã rút ngắn khoảng 2 năm so với công nghệ 4G. Từ nay đến năm 2025, dự báo sẽ có khoảng 6 tỷ thiết bị 5G được cung cấp ra thế giới. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.000 tỷ USD vào năm 2035 cùng 22 triệu việc làm mới.

Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan nhận định: Với đặc điểm siêu băng rộng, độ trễ siêu thấp, độ tin cậy siêu cao, 5G kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho thúc đẩy chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia. Vì vậy, không ngạc nhiên khi 5G được đầu tư và phát triển nhanh hơn nhiều so với các thế hệ công nghệ thông tin di động trước đó. Tuy nhiên, thực tế 5G cũng đang có những bước tiến chưa được như kỳ vọng.

Đó là chúng ta mới hoàn thiện được các tiêu chuẩn 5G cho lĩnh vực thông tin di động, còn trong mảng ứng dụng rộng hơn là IoT hiện vẫn chưa có kịch bản đầy đủ để phát triển. Chính vì vậy, hiện các nhà khai thác trên thế giới chủ yếu ưu tiên triển khai 5G trong lĩnh vực thông tin di động, chưa thể khai thác hết tiềm năng của công nghệ này. Cũng theo ông Hoan, trong công nghệ có khái niệm thế hệ đệm và thế hệ hoàn chỉnh.

Đơn cử như trước đây, công nghệ 3G từng rất được kỳ vọng, nhưng cuối cùng lại chỉ là bước đệm cho công nghệ data hoàn chỉnh hơn là 4G. 5G cũng được kỳ vọng rất lớn cho các ứng dụng IoT phục vụ chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, nhưng quá trình triển khai trong thực tế đang có điểm chững, chưa mang lại nhiều đột phá. Tuy nhiên, hiện mới chỉ là năm thứ 4 trong lịch sử phát triển của 5G và theo thông lệ 10 năm một lần, vẫn còn khoảng thời gian tương đối để 5G có thể đạt được bước tiến theo kỳ vọng.

Sớm hoàn thành đấu giá băng tần

Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia Thiều Phương Nam cho biết: 5G được đánh giá sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Ứng dụng của 5G rất đa dạng, giúp tạo ra sự thay đổi đột phá trong hầu hết các ngành kinh tế từ sản xuất đến giao thông vận tải, y tế, nông nghiệp, giáo dục hay những giải pháp thành phố thông minh. Trong khi đó, Việt Nam hiện đã dần trở thành trung tâm sản xuất lớn của khu vực, đồng thời đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Vì vậy, Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều từ những ứng dụng của 5G.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia “đi trước, đón đầu” trong triển khai 5G với việc thiết lập thành công cuộc gọi điện thoại công nghệ 5G đầu tiên từ tháng 5/2019. Theo kế hoạch mới nhất, Việt Nam sẽ triển khai thương mại hóa 5G trong năm nay nhưng dù đã qua ba quý của năm 2023, kế hoạch và mục tiêu nêu trên vẫn chưa được hiện thực hóa.

Theo ông Thiều Phương Nam, để triển khai thành công 5G cần có 3 yếu tố, bao gồm: Hạ tầng mạng lưới, thiết bị và hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng. Hiện nay giá thành các thiết bị đầu cuối của 5G đã xuống thấp, là thời điểm thích hợp cho triển khai công nghệ này. Tuy nhiên, để thương mại hóa 5G hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào độ phổ cập của các thiết bị đầu cuối, điện thoại 5G, các thiết bị IoT,... mà còn cần cả một hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng đi kèm.

Do đó, cần tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kết hợp với các nhà mạng đưa ra các ứng dụng, dịch vụ mới khai thác hiệu quả công nghệ 5G. Riêng về hạ tầng lưới, câu chuyện về băng tần cũng rất quan trọng vì các ứng dụng của 5G đòi hỏi sử dụng phổ băng tần cao, giải băng tần lớn, phục vụ cho các dịch vụ yêu cầu tốc độ cao và độ trễ thấp.

Thực tế trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 3 lần đấu giá băng tần 4G và 5G với các khối A1 (2.300- 2.330 MHz), A2 (2.330-2.360 MHz), A3 (2.360-2.390 MHz). Giá khởi điểm cho mỗi khối là 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng 15 năm. Thời điểm hiện nay, 4G vẫn tiếp tục được mở rộng vùng phủ, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng; còn 5G là công nghệ chuẩn bị cho tương lai, chi phí đầu tư lớn lên tới hàng tỷ USD.

Giá băng tần càng cao sẽ càng đội chi phí. Do đó, cả ba lần đấu giá trên đều chưa thành công do không có doanh nghiệp nào nộp đơn tham gia. Ông Đoàn Quang Hoan cho rằng: Mục tiêu quan trọng nhất của việc đấu giá băng tần là để minh bạch hóa quá trình cấp phép, tiếp đó mới là thu trước một phần giá trị tần số cho ngân sách. Đặc biệt, không nên để giá băng tần quá cao, tránh trường hợp các doanh nghiệp khó tiếp cận như vừa qua.

Ở các quốc gia khác, mục tiêu ưu tiên khi đấu giá băng tần cũng không phải để thu tiền của nhà mạng, mà làm thế nào tạo điều kiện cho nhà mạng triển khai dịch vụ một cách thuận lợi.

Để thương mại hóa 5G, việc cấp phép tần số thường phải diễn ra ít nhất trước đó 1 năm mới kịp cho doanh nghiệp chuẩn bị. Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần xây dựng lại cách tính giá khởi điểm của băng tần một cách phù hợp để các doanh nghiệp có thể tham gia đấu giá. Hy vọng là trước cuối năm nay, việc đấu giá băng tần 5G sẽ thành công, mở đường cho việc thương mại hóa dịch vụ này vào năm sau.