Đẩy nhanh quá trình hồi phục du lịch

Du lịch Thủ đô đã sớm hoàn thành kế hoạch đón khách năm 2022. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 cơ bản đã chấm dứt, nhu cầu du lịch của du khách tăng cao, Hà Nội hoàn toàn có thể đặt những mục tiêu cao hơn, nhất là với dòng khách quốc tế. Bởi vậy, thành phố cần triển khai những biện pháp mới để đẩy nhanh hơn nữa quá trình hồi phục du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh quan thiên nhiên vùng núi Ba Vì thu hút nhiều du khách.
Cảnh quan thiên nhiên vùng núi Ba Vì thu hút nhiều du khách.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, ngành du lịch Thủ đô đã đón 15,38 triệu lượt khách, tăng hơn năm lần so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt gần 983.000 lượt khách. Như vậy, đến thời điểm này, Hà Nội đã vượt xa mục tiêu đề ra từ đầu năm là đón từ 9 triệu đến 10 triệu khách trong năm 2022.

Có được kết quả này là nhờ Hà Nội có sự chuẩn bị chu đáo trong đón khách du lịch sau một thời gian dài bị "ngủ đông" vì dịch. Ngay từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thành phố đã đưa vào khai thác hàng loạt sản phẩm mới, hoặc nâng cấp một số sản phẩm đặc trưng bị tạm dừng do dịch bệnh. Ðiển hình trong số đó là các sản phẩm: Tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long về đêm, Tour đạp xe khám phá làng gốm Bát Tràng, không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn… Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Ðường Lâm Nguyễn Ðăng Thạo cho biết: "Lâu nay, khách du lịch đến làng cổ Ðường Lâm bằng phương tiện cá nhân, đa số thời gian khách tham quan trong vòng một ngày. Tuy nhiên, với việc địa phương xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, "photo tour" (du lịch chụp ảnh), tổ chức tuyến phố đi bộ khu vực Thành cổ Sơn Tây..., du lịch làng cổ Ðường Lâm nói riêng, Sơn Tây nói chung có nhiều cải thiện. Sáu tháng qua, lượng đặt phòng tăng 30%". Ðánh giá về hoạt động đón khách thời gian qua, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho rằng, Hà Nội đã đáp ứng tốt nhu cầu khách du lịch, nhất là giai đoạn nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Giai đoạn này du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, nhưng các dịch vụ vẫn hoạt động tốt.

Hà Nội còn nhiều "dư địa" để đạt kết quả tích cực hơn nữa, đòi hỏi thành phố cần có thêm những biện pháp để thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch. Ðối với xây dựng sản phẩm du lịch, bên cạnh khai thác giá trị di sản tại khu vực nội đô, hay những di tích nổi tiếng ở vùng ngoại thành, Hà Nội cần đẩy mạnh xây dựng những sản phẩm du lịch mới. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Trần Sỹ Tiến cho biết: "Du lịch nông nghiệp đã phát triển trên địa bàn Hà Nội được vài năm, nhưng chưa khởi sắc. Hà Nội còn có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù. Thông qua chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", Hà Nội đã công nhận được hơn 1.000 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao. Ðể mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề phát triển hơn, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng quy hoạch du lịch tiềm năng trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là tiếp tục nhân rộng một số mô hình điểm, tương tự như mô hình tại làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc. Trong các loại hình có thế mạnh phát triển, có thể tập trung cho du lịch trải nghiệm. Học sinh, sinh viên đang học tập trên địa bàn thành phố rất yêu thích mô hình này".

Một số chuyên gia cho rằng, do sự phát triển của đô thị mạnh mẽ hiện nay, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân vào dịp cuối tuần rất cao. Do đó, Hà Nội cần phát triển mô hình trang trại sinh thái gắn với nghỉ dưỡng; khai thác các giá trị thiên nhiên để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khám phá... Ba Vì từ một khu vực "vùng sâu", nay trở thành một điểm sáng về du lịch nhờ tận dụng tốt yếu tố này, kết hợp khai thác các giá trị văn hóa đặc thù của đồng bào Mường, Dao. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Ðức Anh cho biết, dự kiến năm 2022, lượng khách đến Ba Vì sẽ vượt 2 triệu người. Ðây cũng là hướng phát triển được nhiều chuyên gia gợi ý Hà Nội nên tập trung đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đề nghị Hà Nội cần đẩy mạnh cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Ðây là nhân tố quan trọng trong tác động đến thiện cảm của khách du lịch, qua đó tăng sức hấp dẫn của du lịch Thủ đô.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Diễm Hảo cho biết: "Ngành du lịch Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp, địa phương phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương; khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Ðông Anh-Sóc Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ… Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ có những cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xây dựng, nâng cấp sản phẩm của mình".