Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện các Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Văn phòng Chính phủ.
Cuộc họp tập trung đánh giá, rà soát những kết quả tích cực bước đầu đạt được trong triển khai công tác ngoại giao vaccine thời gian qua; trao đổi, thống nhất các biện pháp phối hợp để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa ngoại giao vaccine thời gian tới nhằm mục tiêu tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch.
Cuộc họp cũng thống nhất cơ chế làm việc, phối hợp giữa các thành viên Tổ công tác để thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao là vận động viện trợ, thúc đẩy, thẩm tra, đôn đốc, hỗ trợ nhập khẩu vaccine, thuốc, thiết bị y tế và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc họp cho rằng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên toàn cầu tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, việc tiếp cận vaccine từ nay đến cuối năm đối với các nước, nhất là các nước đang phát triển, sẽ rất khó khăn. Các thành viên nhất trí cần đẩy nhanh mọi nỗ lực, thần tốc, quyết liệt, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành để vận động, thúc đẩy qua các kênh song phương và đa phương.
Phải coi ngoại giao vaccine như một “mặt trận” quan trọng để triển khai thắng lợi chiến lược vaccine mà Chính phủ đã đề ra, nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Các thành viên Tổ công tác và Nhóm giúp việc sẽ làm việc không kể ngày đêm, trên tinh thần chủ động, khẩn trương, sáng tạo, hiệu quả, trao đổi nhanh, thống nhất chủ trương và triển khai thực hiện kịp thời các công việc.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Tổ phó thường trực Tổ công tác nhấn mạnh bối cảnh vận động, tiếp cận các nguồn vaccine, thuốc, trang thiết bị y tế trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều do sự nguy hiểm của các biến chủng mới khiến tình trạng khan hiếm vaccine toàn cầu ngày càng gay gắt. Nhu cầu trong nước hiện nay hết sức cấp bách, do đó, công tác vận động, tiếp cận cần quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường đã cập nhật với Tổ công tác về nhu cầu vaccine, thuốc điều trị, vật tư thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch của nước ta hiện nay cũng như nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước. Bộ Y tế đề nghị Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Y tế tìm kiếm nguồn cung, kết nối, xúc tiến, đôn đốc, tạo thuận lợi để các nước chia sẻ, chuyển giao sớm nhất cho ta vaccine, thuốc và các trang thiết bị cần thiết. Lãnh đạo các bộ: Quốc phòng, Công thương, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành tham dự cuộc họp đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể để đẩy mạnh ngoại giao vaccine.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, trong tình hình cấp bách hiện nay, phương châm của ngoại giao vaccine là chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ, sáng tạo, hiệu quả; đồng thời Bộ trưởng cũng chỉ đạo một số hướng và biện pháp vận động cần triển khai ngay sau cuộc họp, phấn đấu đạt số lượng vaccine càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt, đặc biệt trong tháng 8 và tháng 9 tới đây.
Cần tiếp tục đưa nội dung vận động vaccine, thuốc và trang thiết bị y tế thành ưu tiên hàng đầu trong tất cả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành từ nay đến cuối năm; coi nhiệm vụ vận động vaccine là trọng tâm hàng đầu trong triển khai công tác đối ngoại của tất cả các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tổ công tác sẽ họp định kỳ và đột xuất trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ, song quan trọng là duy trì trao đổi nhanh, xử lý kịp thời, không để lỡ bất kỳ cơ hội nào, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thúc đẩy triển khai.