Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế

NDO - Đầu tư cho khoa học công nghệ, kinh tế tri thức là hướng đi và là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển của trường Đại học Y Hà Nội, vươn tầm trở thành đại học nghiên cứu ngang tầm các trường đại học y khoa hàng đầu ở châu Á,
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà khoa học nghiên cứu chẩn đoán SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học nghiên cứu chẩn đoán SARS-CoV-2.

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Hà Nội cho biết, trường đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn chuyển đổi sang cơ chế tự chủ đại học, tự chịu trách nhiệm xã hội. Quản trị đại học, kinh tế tri thức sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển của trường.

Từ 2018, Giáo sư Tạ Thành Văn đã có chủ trương thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ của trường để thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu, không lãng phí chất xám của các nhà nghiên cứu.

Trường chủ trương tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, phấn đấu tỷ trọng nguồn thu về khoa học công nghệ và dịch vụ y tế chiếm phần lớn trong nguồn ngân sách của trường. Đặc biệt, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho khoa học công nghệ thông qua các đơn đặt hàng, hợp tác từ doanh nghiệp, nhằm ứng dụng ngay kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước dành cho khoa học công nghệ.

Trường đã ban hành quy chế quản trị tài sản trí tuệ của Trường, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại hoá. Trường đã đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh là các nhà khoa học có nhiều công bố quốc tế, thu hút được nhiều nguồn tài trợ, đặt hàng.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế ảnh 1

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Hà Nội.

Theo Giáo sư Tạ Thành Văn, các nhóm nghiên cứu mạnh tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực: Lĩnh vực y học dự phòng và y tế công cộng của Giáo sư Lê Thị Hương; lĩnh vực HIV và nghiện chất có Phó Giáo sư Lê Minh Giang; lĩnh vực Y tế cơ sở có Giáo sư Trần Huy Thịnh với các nghiên cứu tế bào trị liệu; nghiên cứu đột biến gene; bệnh lý di truyền, chẩn đoán trước sinh, tiền làm tổ của Giáo sư Trần Vân Khánh.

Lĩnh vực Dược lý lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng thuốc, vaccine sinh phẩm có Phó Giáo sư Phạm Thị Vân Anh; mô phỏng bệnh lý của người trên động vật như nghiên cứu về ruồi giấm của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tuệ.

Giáo sư Tạ Thành Văn nhấn mạnh: “Các nghiên cứu đều được tiến hành theo chuẩn mực quốc tế, có sự giám sát của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế".

Bên cạnh đó, trường còn thành lập Quỹ tài trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh với quy định: Nhận tiền hỗ trợ là phải có sản phẩm cụ thể được nghiệm thu, mang lại giá trị thương hiệu và lợi ích cho nhà trường.

Để giúp các giảng viên công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí uy tín trên thế giới, khẳng định thương hiệu trong khoa học và công nghệ của trường, Trường đã thành lập bộ phận hỗ trợ xuất bản quốc tế do Giáo sư Trần Xuân Bách phụ trách.

10 năm qua, trường đã tổ chức Giải thưởng Đặng Văn Ngữ dành cho các cán bộ, sinh viên có công bố xuất sắc nhất để khuyến khích và ghi nhận các tài năng khoa học,

"Thực tế cho thấy, các nhóm nghiên cứu mạnh hoạt động rất hiệu quả, khi có nhiều dự án thu hút đầu tư từ nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương, mà Giải thưởng Đặng Văn Ngữ được trao cũng tập trung ở nhóm này, cho thấy định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của trường hoàn toàn đúng", Giáo sư Tạ Thành Văn nói.

Chỉ 5 năm gần đây, trường đã có gần 1.500 công trình khoa học công bố quốc tế và là một trong số ít các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Việt Nam có chỉ số trích dẫn cao nhất.

Đặc biệt, với những cống hiến quan trọng trong nghiên cứu khoa học và giáo dục, ngày 13/2/2020, Giáo sư Tạ Thành Văn đã vinh dự nhận bằng Giáo sư danh dự của Đại học Kanazawa, trở thành bác sĩ người Việt đầu tiên là giáo sư đồng thời tại hai trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, một kết quả khác mà nhóm nghiên cứu mạnh mang lại là thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu, đã đào tạo được nhiều tiến sĩ, cao học. Năm 2023, trường có 170 ứng viên dự tuyển trình độ tiến sĩ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Giang, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo sau đại học, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu về lạm dụng chất và HIV của Trường đại học Y Hà Nội cho biết, nhóm nghiên cứu mạnh này thông qua các hợp tác quốc tế đã đào tạo được 5 tiến sĩ ở các nước Australia, Mỹ, Pháp, Nhật Bản quay về công tác tại trường.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế ảnh 3

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Giang, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo sau đại học, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu về lạm dụng chất và HIV của Trường đại học Y Hà Nội báo cáo tại Hội nghị về nghiện chất, viêm gan và HIV (ATHS) Biarritz, Cộng hòa Pháp tháng 10/2023.

Theo Giáo sư Tạ Thành Văn, với việc tạo ra văn hoá nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, sau khi thử nghiệm lâm sàng vaccine và thuốc điều trị Covid-19 của Nhật Bản, Mỹ thành công, nhiều công ty trên thế giới tiếp tục tìm đến hợp tác, với sự đồng thuận của Bộ Y tế. Đây là sự thành công và là niềm tự hào của trường.

Những kết quả nghiên cứu của trường được đánh giá rất cao, vì thế, ngày càng nhiều tổ chức quốc tế, Bộ Khoa học và công nghệ, các địa phương và doanh nghiệp tìm đến đặt hàng. Trong 5 năm gần đây, trường đã có 82 dự án hợp tác trong nước và quốc tế.

Một số dự án hợp tác quốc tế tiêu biểu của trường thời gian qua: “Nâng cao năng lực đánh giá chương trình và tăng cường hệ thống y tế hỗ trợ công tác dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV ở Việt Nam”, “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu về các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam”, "Các nguyên nhân chính gây bệnh ở mắt và mất thị lực" phối hợp với Viện thị giác Brien Holden, Quỹ Lion Clubs Quốc tế" và "Chương trình đào tạo nâng cao năng lực về nghiên cứu nhân rộng can thiệp dựa vào bằng chứng trong lĩnh vực phòng, chống HIV tại Việt Nam".

Trong giai đoạn dịch Covid-19, Trường đại học Y Hà Nội vừa tham gia tuyến đầu chống dịch, vừa triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các vaccine phòng Covid-19: Dự án vaccine RNA tự khuếch đại ARCT-154 phòng SARS-Cov-2 phối hợp với tập đoàn Arcturus (Mỹ) với đại diện tại Việt Nam là Công ty Biocare thuộc Tập đoàn Vingroup; dự án vaccine COVIVAC do IVAC sản xuất; dự án vaccine S-268019 trong dự phòng Covid-19 được thực hiện dưới sự tài trợ của Tập đoàn Shionogi (Nhật Bản).

Kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 đã được Cơ quan Dược phẩm và thiết bị y tế Nhật Bản kiểm tra điểm nghiên cứu (8/2023) để tiến hành cấp phép. Hiện, vaccine này đã nộp hồ sơ xin cấp phép ở châu Âu (EMA).

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế ảnh 4

Trong giai đoạn dịch Covid-19, Trường đại học Y Hà Nội vừa tham gia tuyến đầu chống dịch, vừa triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các vaccine phòng Covid-19.

Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm lâm sàng thuốc Xocova điều trị Covid-19 với sự tham gia của trường cũng đã thành công nên đã được cấp phép khẩn cấp tại Nhật Bản trên đối tượng F0. Nghiên cứu thử nghiệm vaccine Shionogi cũng đã hoàn tất và chuẩn bị các thủ tục để xin cấp phép.

Chủ trương thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu là bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực khoa học công nghệ của trường, tạo ra thành quả rất đáng tự hào. Chỉ 5 năm gần đây, trường đã có gần 1.500 công trình khoa học công bố quốc tế và là một trong số ít các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Việt Nam có chỉ số trích dẫn cao nhất.