Trong giai đoạn nóng bỏng và áp lực triển khai nghiên cứu thử nghiệm vaccine ARCT154, PGS, TS Phạm Thị Vân Anh nhận nhiệm vụ khẩn cấp từ lãnh đạo Bộ Y tế và nhà trường, tiếp tục thử nghiệm một vaccine phòng Covid-19 khác: vaccine được phát triển bởi công ty Shionogi Nhật Bản. Nhân lực mỏng, áp lực khắt khe về kỹ thuật của các dự án ngoại giao vaccine, phải chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn đối tượng tình nguyện, các nhà khoa học của Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội như ngồi trên “chảo lửa”. “Thủ lĩnh” của Trung tâm động viên các nghiên cứu viên:

Mình không làm, sẽ không ai làm cả. Vì sức khỏe người dân, chúng ta phải quyết tâm làm thật tốt việc xây dựng phòng tuyến để bảo vệ an toàn cho số đông những người chưa bị nhiễm, hạn chế lây lan Covid-19.

Nghiên cứu vaccine Shionogi đánh dấu tên Việt Nam trên bản đồ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phát triển thuốc mới của thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ
PHẠM THỊ VÂN ANH

Giữa tháng 12/2021, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Phạm Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội đứng trước quyết định cân não: toàn bộ nhân lực đang dồn cho nghiên cứu thực địa vaccine ARCT-154 chuyển giao công nghệ từ Mỹ - cả 3 pha với cỡ mẫu lớn, nếu nhận thêm một nghiên cứu thực địa nữa, lấy đâu nhân lực triển khai. Chưa kể, khi vaccine đã được bao phủ toàn dân, việc tuyển đối tượng càng là khe cửa hẹp.

Do dự một hồi, chị tâm sự với các nữ đồng nghiệp: “Cả nước đang sôi vì vaccine, mình không làm không được. Đây lại là vaccine ngoại giao do Nhật Bản nghiên cứu và chọn Việt Nam thử nghiệm lâm sàng. Nếu khó khăn, chúng ta cũng phải có căn cứ ở góc độ khoa học để phản biện lại lãnh đạo”. Tháng 12/2021, Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Mai lên đường vào Đắk Lắk trong tình thế cấp bách. 

“Cô Vân Anh nói tôi cứ vào thực địa, tiên lượng khó tới đâu thì báo cáo tới đó. Sau một ngày dài làm việc với các bên, với lãnh đạo địa phương, tôi gọi cho cô Vân Anh báo nếu được hỗ trợ, với đội ngũ nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội sẽ làm được”, bác sĩ Ngọc Mai kể. Từ đầu cầu Hà Nội, Phó Giáo sư Vân Anh trút được một phần lo lắng.

Vậy là Trung tâm Dược lý lâm sàng nhận nhiệm vụ giao triển khai Thử nghiệm lâm sàng pha III vaccine Shionogi tại Đắk Lắk. 7 ngày đầu tại Đắk Lắk, Thạc sĩ Ngọc Mai kể không nhớ nổi mình đã làm những gì vì nhiệm vụ nào cũng thần tốc. “Ban đầu chúng tôi cũng e ngại vì người dân nghe tới thử nghiệm vaccine không muốn hợp tác. Nhưng rất may, khi chúng tôi đưa ra các chứng cứ về sự an toàn của vaccine đã thử nghiệm 2 pha đầu ở Nhật an toàn, mọi người mới tin tưởng”.

Thạc sĩ, dược sĩ Bùi Thị Hương Thảo nhớ lại, 10 giờ tối 5/1/2021, Giám đốc Trung tâm gọi điện “Có khi ngày mai em phải lên đường”. 8 giờ sáng 6/1/2021, Thảo cùng nhóm tham gia vào nhóm tuyển nhân lực cho dự án, nhận bàn giao hồ sơ, 5 giờ lên đường tới Lạng Sơn để chuẩn bị mọi thứ cho việc tiêm mũi đầu tiên vào ngày 9/1/2021. Đêm ở Văn Quan, Lạng Sơn heo hút, rét chỉ chừng 2 độ C, răng va vào nhau lập cập nhưng ai cũng cố hết sức để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ.

Có hàng chục năm kinh nghiệm thẩm định hồ sơ cấp đăng ký thuốc cho Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, nhưng để tiến hành nghiên cứu thực địa tại cộng đồng, thì đây là 2 dự án lớn đầu tiên mà nhóm phải đối mặt.

Áp lực thời gian, khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, đối tác toàn là những đơn vị nghiên cứu vaccine tầm cỡ khiến cho các nhà khoa học nữ phải tập trung tối đa hơn 100% sức lực.

Trung tâm chỉ có 8 người, chia 2 mũi chủ công đi nghiên cứu thực địa cho 2 loại vaccine khác nhau.

Ngoài việc phải sắp xếp công việc, gia đình để tập trung cho công việc, các nhà khoa học còn đối mặt với nhiều bài toán, làm thế nào để thuyết phục người tình nguyện tham gia nghiên cứu; liệu vaccine có xảy ra phản ứng phụ nào với người tình nguyện không; làm thế nào giảm thiểu nguy cơ nhất?

Áp lực từ việc đẩy mạnh để tuyển đủ tình nguyện viên nhằm bảo đảm tính khoa học của nghiên cứu và chạy đua với đại dịch, PGS Vân Anh quyết định huy động tổ chức thêm một nhóm nghiên cứu mới để triển khai thu tuyển. Tối 6/1/2022, “nữ tướng” ra hiệu triệu “Các em chuẩn bị ngày mai phải lên đường” và ngay sáng hôm sau, nhóm nghiên cứu mới được thành lập, lần lượt mở các điểm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Shionogi tại 6 tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Bình, Điện Biên, Bắc Kạn, Phú Yên.

Thử nghiệm lâm sàng pha III vaccine Shionogi của Nhật Bản không chỉ là một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thông thường, mà còn mang trong mình ý nghĩa về xã hội, chính trị và ngoại giao khi được thực hiện trong giai đoạn diễn biến dịch căng thẳng, khả năng tuyển chọn người tình nguyện cho nghiên cứu khó khăn. Nhóm nghiên cứu Việt Nam tham gia phối hợp với đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine của Nhật Bản để cùng tháo gỡ khó khăn, hướng tới mục tiêu chung bảo đảm an toàn an ninh vaccine.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ PHẠM THỊ VÂN ANH

Chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, các nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu tuyển, sàng lọc 6.849 đối tượng và tiêm được cho 5.240 đối tượng ở 10 site nghiên cứu khác nhau tại 7 tỉnh trên cả nước, trải dài từ các huyện miền núi phía bắc (Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hòa Bình, Ninh Bình) đến miền trung (Phú Yên) và Tây Nguyên (Đắk Lắk), với sự tham gia của khoảng 20 dân tộc thiểu số.

“Chúng tôi làm việc xuyên ngày đêm, mở mắt lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị đón các đối tượng, kết thúc vào lúc 2 giờ sáng, triền miên trong thời gian dài. Điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng cháy máy để trả lời, tư vấn cho người tình nguyện về tình trạng sức khỏe”, Thạc sĩ Ngọc Mai kể. Nghiên cứu đánh dấu những nỗ lực rất lớn của tất cả các nghiên cứu viên khi phải chia lực lượng thành nhiều nhóm làm song song, đến nhiều vùng sâu vùng xa. Nghiên cứu thử nghiệm vaccine diễn ra hết sức an toàn nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhóm nghiên cứu của Trung tâm với Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và lực lượng y tế cơ sở tại địa bàn nghiên cứu.

Thạc sĩ, dược sĩ Bùi Thị Hương Thảo không thể quên lần liều lĩnh dẫn cả đoàn đi trong đêm từ Bắc Kạn sang Lạng Sơn cho kịp tiến độ triển khai nghiên cứu nhưng bị lạc đường khiến hành trình kéo dài gấp đôi thời gian. Chồng của dược sĩ Thảo là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Hoàng Mai nên 2 con của cô gần như phải tự xoay xở mọi sinh hoạt, trong khi bé út mới vào lớp 1. Bởi vậy, cô luôn cố gắng hoàn thành mọi việc thật nhanh, thật tốt, để có cơ hội về nhà về chăm con. Chuyến công tác đầu tiên của thử nghiệm lâm sàng vaccine Shionogi, trong thời gian di chuyển từ Hòa Bình sang Lạng Sơn, Thảo xin Giám đốc “ghé” về nhà vài giờ, ăn với con bữa cơm, nhìn các con ngủ say rồi lên đường tiếp tục hành trình nghiên cứu.

Trong suốt thời gian triển khai, nghiên cứu đã được các đoàn giám sát độc lập quốc tế đến thực hiện giám sát. Chất lượng của nghiên cứu được đánh giá cao, đạt chuẩn chung quốc tế.

Trước đây, Việt Nam chỉ được lựa chọn vào các giai đoạn nhỏ, các nghiên cứu bắc cầu trong các thử nghiệm lâm sàng lớn. Từ thành công của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vacinne Shionogi, đội ngũ nghiên cứu viên của Việt Nam đã chứng tỏ năng lực triển khai thử nghiệm lớn đánh giá an toàn hiệu quả sản phẩm của công ty dược phẩm đa quốc gia. Đây là cơ sở để thu hút những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc mới của các công ty Dược phẩm lớn trên thế giới đến thực hiện tại Việt Nam, tạo điều kiện cho người dân và bệnh nhân Việt Nam được tiếp cận với những phương pháp điều trị hiện đại nhất và sớm nhất có thể.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ PHẠM THỊ VÂN ANH

Trước đó, Trung tâm đã đảm nhiệm thực hiện 2 thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 - ứng viên vaccine phòng Covid-19 được sản xuất theo công nghệ m-RNA bởi tập đoàn Arcturus Therapeutics của Hoa Kỳ, được chuyển giao công nghệ về Việt Nam và COVIVAC - ứng viên vaccine phòng Covid-19 do viện vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang phát triển trên công nghệ vaccine phòng cúm có sẵn.

Dự án thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154, Trung tâm Dược lý lâm sàng được Bộ Y tế và công ty Vinbiocare chọn triển khai từ tháng 8/2021. Trong điều kiện giãn cách xã hội khó khăn, các cán bộ nghiên cứu viên của Trung tâm đã nỗ lực hết sức, làm việc 18-20 giờ một ngày để kịp thời triển khai tổ chức thu tuyển, khám sàng lọc, và tiêm thử nghiệm trong thời gian nhanh nhất mà vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch cho các tình nguyện viên cũng như cán bộ tham gia nghiên cứu.

Sau khi kết phúc pha I của nghiên cứu, Hà Nội đã tiêm phủ vaccine, nghiên cứu buộc phải mở rộng tới huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Với nhân lực chỉ 6 người tham gia tổ chức, điều phối nghiên cứu chính, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong trường để huy động đội ngũ nghiên cứu viên lên tới 354 người. Đồng thời, Trung tâm tiến hành tập huấn kỹ thuật và chuyên môn cho cán bộ y tế tại các điểm nghiên cứu ở Bắc Ninh, Thanh Hóa để phối hợp triển khai tại địa bàn.

Ở pha III, trung tâm chạy đua gấp gáp để tuyển đối tượng, hoàn thiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng chứng minh vaccine an toàn hiệu quả. Chỉ trong 2 tháng, 7.895 đối tượng đã được khám sàng lọc và 5.919 người tình nguyện đủ điều kiện được lựa chọn tham gia vào nghiên cứu.

Nghiên cứu đạt kỷ lục về thời gian triển khai, hiệu quả của quá trình tuyển cũng như an toàn tiêm. Trong suốt quá trình triển khai đã có nhiều đoàn giám sát độc lập quốc tế đến giám sát chất lượng của nghiên cứu và đánh giá cao hiệu quả làm việc của đơn vị triển khai Trung tâm Dược lý lâm sàng. Con số hơn 90% đối tượng tham gia nghiên cứu duy trì đến tận điểm kết thúc nghiên cứu là một tỷ lệ hoàn thành xuất sắc mà các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên thế giới rất khó đạt được. Con số này thể hiện sự nhiệt huyết, tính chuyên nghiệp cũng như nỗ lực hết mình của cả nhóm nghiên cứu để bảo đảm duy trì được sự tham gia đầy đủ của gần 6.000 đối tượng trong suốt 13 tháng, đặc biệt trong diễn biến phức tạp của đại dịch.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ PHẠM THỊ VÂN ANH

Tháng 8/2023, Cơ quan quản lý Dược phẩm và thiết bị y tế Nhật Bản (PMDA) đã thực hiện đánh giá toàn bộ nghiên cứu tại site Yên Phong (Bắc Ninh) để xem xét cấp phép cho vaccine ARCT-154.

Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng tự hào nói: Trước đây, các điểm nghiên cứu của Việt Nam thường chỉ được chọn tham gia vào một giai đoạn nhỏ của nghiên cứu. Đến nay, mới chỉ có 3 đoàn đánh giá cấp phép của các Cơ quan quản lý dược trên thế giới thực hiện đánh giá thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam, trong đó, Trung tâm Dược lý lâm sàng vinh dự được đánh giá nghiên cứu 2 lần trong 2 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để cấp phép 1 thuốc hóa dược và 1 vaccine.

Đây là nhiệm vụ khó khăn và mang tính trách nhiệm, áp lực cao.

Tiến sĩ, bác sĩ
Đậu Thuỳ Dương

Covid-19 như một cơn bão tấn công Việt Nam đầu năm 2021. Các tuyến phòng thủ tưởng chừng vững chắc gần 1 năm bị chọc thủng. Covid-19 đánh thẳng vào TP Hồ Chí Minh, lan rộng ra toàn bộ các tỉnh phía Nam. Nhiệm vụ tối khẩn cấp bấy giờ là Việt Nam phải tiêm được vaccine kịp thời trên diện rộng, tạo miễn dịch cộng đồng.

Trung tâm Dược lý lâm sàng chính là đơn vị được Bộ Y tế tín nhiệm giao nhiệm vụ thẩm định khẩn cấp để xem xét cấp phép cho các vaccine, thuốc điều trị Covid-19 bảo đảm phục vụ chống dịch.

Đây là nhiệm vụ khó khăn và mang tính trách nhiệm, áp lực cao khi cùng lúc vừa phải bảo đảm thẩm định đúng quy trình theo các hướng dẫn cập nhật hiện hành của Tổ chức Y tế thế giới, FDA (Cơ quan quản lý Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm Hoa Kỳ), EMA (Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu), bảo đảm hiệu quả, an toàn của vaccine, thuốc, đồng thời phải bảo đảm đúng tiến độ trong thời gian rất ngắn để có nguồn vaccine và thuốc sớm nhất cung cấp cho chống dịch.

-- Tiến sĩ, bác sĩ ĐẬU THUỲ DƯƠNG --

Theo quy trình thông thường, việc cấp phép vaccine có thể kéo dài vài năm. Lúc này, Việt Nam không thể chờ vì những hậu quả do không có miễn dịch cộng đồng đã nhãn tiền. Rất nhiều ca tử vong nhanh chóng sau khi nhiễm Covid-19, quá tải bệnh viện đã xảy ra. Vaccine đầu tiên được giao thẩm định khẩn cấp là AstraZeneca.

Bê tập hồ sơ đăng ký thuốc dầy hơn 1.000 trang, Tiến sĩ Dương tâm sự, bấy giờ Việt Nam còn chưa hiểu hết về sức tàn phá của Sars-CoV-2, chưa có hướng dẫn riêng để thẩm định vaccine Covid-19, nhóm nghiên cứu phải tham khảo hướng dẫn của WHO, châu Âu, các nước trên thế giới.

“Áp lực vô hình rất lớn, thời gian gấp rút, vaccine có sức tác động tới sức khỏe tới quần thể cộng đồng lớn, lâu dài. Nhóm chúng tôi gần như thức liền 3 ngày đêm để đọc, thảo luận nhiều chiều, tìm hiểu thêm những bằng chứng về tính an toàn của vaccine để hoàn thiện hồ sơ thẩm định. Chiều 28 Tết, chúng tôi ngồi tại căn phòng này kết luận vaccine bảo đảm an toàn và hiệu quả”, Tiến sĩ Dương kể lại.

Cán bộ xuyên đêm thực hiện sàng lọc, tuyển đối tượng tham gia thử nghiệm vaccine.

Cán bộ xuyên đêm thực hiện sàng lọc, tuyển đối tượng tham gia thử nghiệm vaccine.

Cũng như các chiến sĩ ra trận, các nhà khoa học nữ không có Tết, tình nguyện làm việc ngày đêm, chạy đua với thời gian để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thẩm định những hồ sơ phát triển thuốc hàng nghìn trang tiếng Anh chỉ trong vài ngày và đưa ra những quyết định tư vấn chính xác, đầy đủ nhất, với mục tiêu lớn nhất là đưa được những thuốc, vaccine an toàn, hiệu quả để sử dụng chống dịch trong nước sớm nhất có thể. Những mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên về Việt Nam, có phần đóng góp của nhóm chuyên gia Trung tâm tiến hành thẩm định hồ sơ để tư vấn cho Hội đồng tư vấn cấp phép của Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp.

Lần lượt, sau vaccine AstraZeneca, các vaccine Pfizer, Morderna,… đều được đi qua cửa thẩm định chuyên môn về tính an toàn hiệu quả tại Trung tâm.

Trong thời gian thực hiện các nhiệm vụ gắn dấu “khẩn”, “hỏa tốc”, nhóm các nhà khoa học nữ còn có trách nhiệm song song thử nghiệm lâm sàng vaccine “made in Vietnam” Covivac do công ty Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) nghiên cứu dựa trên dây chuyền sản xuất vaccine cúm sẵn có do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ, nhằm mục tiêu tìm nguồn vaccine hiệu quả trong nước, góp phần bảo đảm tự chủ vaccine.

Chỉ trong 5 ngày đã có hơn 3.000 người tình nguyện được sàng lọc, tuyển chọn được 120 đối tượng đạt yêu cầu khắt khe tham gia vào thử nghiệm giai đoạn đầu tiên vaccine được sử dụng trên người.

Ngày 15/3/2021, những mũi tiêm thử nghiệm đầu tiên được tiến hành tại Đại học Y Hà Nội. Nghiên cứu đã diễn ra an toàn tuyệt đối, không có biến cố nghiêm trọng và đạt tỷ lệ người tình nguyện hoàn thành nghiên cứu cao. Nghiên cứu được thực hiện dưới sự giám sát độc lập của tổ chức PATH (Hoa Kỳ) và được đánh giá cao về chất lượng, tiến độ triển khai.

Sau khi nghiệm thu pha 1, pha 2, Việt Nam đã tiêm phủ được vaccine nên Covivac không tuyển được đối tượng thử nghiệm trên quần thể cộng đồng lớn hơn để đánh giá về tính an toàn của vaccine nên đã dừng việc thử nghiệm.

Không chỉ thực hiện các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19, trong những nỗ lực chống dịch, Trung tâm Dược lý lâm sàng còn tham gia triển khai thử nghiệm lâm sàng các thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị Covid-19.

Theo thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Thị Thúy, năm 2021, nhóm nghiên cứu thực hiện triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha II, III thuốc điều trị Covid-19 của Tập đoàn Shionogi Nhật Bản cho bệnh nhân Covid-19 vừa, nhẹ và không triệu chứng. Trong bối cảnh bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng được điều trị tại nhà, đây là công việc khó khăn và nhiều nguy cơ cho các nghiên cứu viên khi phải đến tận nhà các đối tượng để phát thuốc, lấy mẫu và tư vấn điều trị bệnh.

Chúng tôi đã nỗ lực và hết sức khẩn trương nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượngan toàn cho nghiên cứu. Kết quả và chất lượng của nghiên cứu đã góp phần giúp thuốc điều trị được chính phủ Nhật Bản cấp phép vào tháng 11/2022.

-- Dược sĩ Nguyễn Thị Thúy --

Ngoài các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để phát triển thuốc hóa dược, Trung tâm dược lý lâm sàng còn thực hiện triển khai các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các thuốc chiết xuất từ dược liệu nhằm nâng cao thể trạng của bệnh nhân sau nhiễm Covid-19. Tiêu biểu trong đó là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đối chứng với giả dược, ngẫu nhiên, mù đôi để đánh giá tính an toàn và sự thay đổi của các chỉ số miễn dịch của Chiết xuất Hồng sâm trên người trưởng thành khoẻ mạnh, với đối tượng được nhắm đến là bệnh nhân đã từng nhiễm Covid-19.

Đây là một nghiên cứu nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Nhóm nghiên cứu của Trung tâm dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội và Khoa Công nghệ sinh học thuốc dược liệu phương Đông của trường Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc. Trong vòng 5 tháng, từ tháng 8-12/2022, nghiên cứu đã được triển khai hiệu quả, chính xác với kết quả khả quan, được đối tác Hàn Quốc đánh giá cao về chất lượng, tiến độ và độ tin cậy của kết quả.

Các thành tích nổi bật nhóm 6 nhà khoa học nữ của Trung tâm Dược lý lâm sàng đã thực hiện trong giai đoạn 2020-2023:

  • Nghiên cứu phát triển thuốc và vaccine phòng chống Covid-19.
  • Thẩm định hồ sơ khẩn cấp để cấp phép vaccine phục vụ chống dịch trong cộng đồng.
  • Hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác xây dựng hệ thống pháp lý phù hợp với tình hình đại dịch.
  • Và những đóng góp khác cho cộng đồng, nhất là tại 10 địa phương nhóm đã triển khai các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc và vaccine.

Họ không chỉ là những nhà nghiên cứu, giảng dạy, làm khoa học trong phòng thí nghiệm, họ còn là những chiến sĩ rất tuyệt vời trên mặt trận thực địa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ
PHẠM THỊ VÂN ANH

“Tôi tự hào vì những nhân viên của tôi đã trưởng thành hơn từ sau những chuyến đi thử nghiệm lâm sàng vaccine. Họ không chỉ là những nhà nghiên cứu, giảng dạy, làm khoa học trong phòng thí nghiệm, họ còn là những chiến sĩ rất tuyệt vời trên mặt trận thực địa. Thật may mắn và hạnh phúc khi tôi được làm thủ lĩnh của team làm được nhiều hơn 100% sức lực của mình, làm tốt hơn mọi nhiệm vụ được giao và làm nhiều hơn năng lực bản thân mà trước nay họ chưa từng khám phá”, Phó Giáo sư Vân Anh xúc động bày tỏ.

Trong 10 năm hoạt động, với nhân lực gồm 8 cán bộ (trong đó có 6 cán bộ là nữ, chiếm 75%), có 6 Đảng viên, dưới sự lãnh đạo của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Vân Anh, Trung tâm đã cùng nhau đoàn kết thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là “Tư vấn, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về thuốc, Nghiên cứu, triển khai các hoạt động trong lĩnh vực dược lý lâm sàng, góp phần bảo đảm cho người dân Việt Nam được sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, chất lượng” và đóng góp chung vào các hoạt động nghiên cứu, chuyên môn, phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Y Hà Nội. Trong đó, 6 cán bộ nữ của Trung tâm là những nhà khoa học tích cực, năng nổ, góp vai trò quan trọng trong hoạt động của Trung tâm.

Tiến sĩ Đậu Thùy Dương chia sẻ, nếu không có sự quyết liệt của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Vân Anh trong những thời khắc thách thức, khẩn cấp thì các nữ cán bộ sẽ không có tự tin để “quăng mình” vào trận địa gian khó bấy giờ. Luôn tạo điều kiện cho nhân viên phát triển hết khả năng của mình và yên tâm phát triển là cách mà “thủ lĩnh” của Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội đã khích lệ các nhà khoa học nữ cống hiến hết mình cho công việc.

Dấn thân và trưởng thành, rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời làm nghiên cứu khoa học đã đến với những nữ cán bộ này. Họ là những chiến sĩ tích cực trên mặt trận phát hiện ca nhiễm Covid-19 và khoanh vùng để tránh lây lan rộng. Giai đoạn triển khai nghiên cứu ở Quảng Xương, Thanh Hóa, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Thanh Hóa còn nhiều khó khăn do nguồn cung ứng, nhóm nghiên cứu đã xin Bộ Y tế phê duyệt cho thay đổi đề cương nghiên cứu, sử dụng thuốc đối chứng là vaccine Astra Zeneca thay vì giả dược để giúp tăng khả năng được tiếp cận vaccine cho người dân.

Bên cạnh đó, nhóm cũng đã thực hiện 80.000 lượt thăm khám sức khoẻ tổng quát và tư vấn điều trị bệnh cho khoảng 13.000 người. Một số ca bệnh nặng cần can thiệp cấp cứu khẩn cấp đã được phát hiện và được các chuyên gia của Đại học Y Hà Nội xử trí kịp thời.

Trong hành trình nghiên cứu, các nhà khoa học nữ của Trung tâm cũng đã đào tạo, nâng cao kỹ thuật, chuyên môn cho 1.196 cán bộ y tế (trong đó có 802 là nữ, chiếm 67%) tại 9 tỉnh: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hòa Bình, Lạng Sơn, Ninh Bình, Bắc Kạn, Điện Biên, Phú Yên. Phần lớn các cán bộ y tế lần đầu tiên được tham gia một nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, được đào tạo và cấp chứng chỉ để có thể tiếp tục tham gia những nghiên cứu cộng đồng có quy mô tiếp theo. Thạc sĩ Bùi Thị Hương Thảo mang về trong hành trang nghiên cứu của mình là khả năng nói rất nhiều tiếng dân tộc, từ Ê-đê, Bana, Mường, Tày, Nùng… thành thục gọi tên và nói giao tiếp ngắn với đồng bào dân tộc.

Giờ đây cả 6 nhà khoa học nữ tại Trung tâm Dược lý lâm sàng đều đã sẵn sàng làm những nghiên cứu cộng đồng lớn trong nhiều vai trò. Những kiến thức, trải nghiệm ấy giúp họ thực hiện nhiệm vụ thẩm định, đánh giá hồ sơ phát triển thuốc tốt hơn, có tính thực tiễn hơn, có trách nhiệm với cộng đồng. Cũng từ đó, các bài giảng trên giảng đường trở nên sinh động, thổi luồng sinh khí mới và truyền cảm hứng với khoa học cho sinh viên.

10 năm xây dựng và trưởng thành, Phó Giáo sư Phạm Thị Vân Anh tâm sự, Trung tâm vẫn còn nhỏ bé so với các lĩnh vực đại thụ của ngành y tế. Bởi vậy, các nhà khoa học nữ luôn nỗ lực trong mọi lĩnh vực từ nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm vaccine… đến cả những hoạt động văn nghệ, thể thao để mọi người biết tới vai trò đóng góp của Trung tâm cho nhà trường.

Những ngày tiến gần về kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm, các nhà khoa học nữ đang chờ đợi tín hiệu vui về hồ sơ dữ liệu kết quả thu thập từ nghiên cứu vaccine ARCT-154 sớm được Cơ quan quản lý dược phẩm và thiết bị y tế (PMDA), Bộ Y tế Nhật Bản cấp phép.

Giờ đây cả 6 nhà khoa học nữ tại Trung tâm Dược lý lâm sàng đều đã sẵn sàng làm việc nghiên cứu liên quan đến cộng đồng lớn trong nhiều vai trò.

“Chúng tôi đang dự kiến xây dựng phòng lab đạt tiêu chuẩn GLP để nghiên cứu, phát triển các loại thuốc, hóa dược, vaccine, sinh phẩm, trở thành địa chỉ đáng tin cậy số 1 tại Việt Nam trong nghiên cứu phát triển thuốc cổ truyền và thuốc dược liệu”, Giám đốc Trung tâm khấp khởi niềm tin phát triển Trung tâm khoa học, chất lượng để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngày xuất bản: 20/10/20203
Tổ chức thực hiện: THẢO LÊ
Nội dung: THIÊN LAM
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: Phan Quang - Trung tâm cung cấp