Đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư

Hà Nội là địa phương làm điểm của cả nước trong triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện Đề án này mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong thời gian tới.

Hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa quận Hai Bà Trưng. (Ảnh NGUYỄN HẠNH)
Hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa quận Hai Bà Trưng. (Ảnh NGUYỄN HẠNH)

Mới từ nước ngoài về, cần giấy tờ trích lục đăng ký kết hôn, chị Nguyễn Minh Tâm (ở quận Hoàn Kiếm) được người quen bảo có thể đăng ký trực tuyến. Chỉ sau khoảng 10 phút khai báo tại website https://dichvucong.hanoi.gov.vn, chị đã nhận được mã xác nhận hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục là 8 giờ và ngày hẹn trả kết quả. Đúng ngày hẹn, chị Tâm đến Bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm và thấy hồ sơ của mình được để sẵn trên bàn. Khi trả kết quả, cán bộ của quận còn hỏi chị về những góp ý với dịch vụ công trực tuyến liên quan đến dân cư đang triển khai. “Dù vẫn còn một số lỗi kỹ thuật, nhưng tôi đánh giá dịch vụ công trực tuyến dễ dùng, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại”-chị Minh Tâm đánh giá.

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tái cấu trúc, xây dựng, tích hợp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công quốc gia đối với ít nhất 794 thủ tục, trong tổng số 1.135 thủ tục hành chính đủ điều kiện xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Dự kiến trong năm 2022, thành phố sẽ thực hiện 1.048 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Riêng với danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu theo Phụ lục tại Đề án 06, trong tháng 3 này, thành phố Hà Nội triển khai 14 dịch vụ công. Trong đó 10 dịch vụ công đã sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như dịch vụ Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân, Khai báo tạm vắng, Thông báo lưu trú, Đăng ký khai sinh, Đăng ký khai tử, Đăng ký kết hôn, Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông... Đối với bốn dịch vụ công còn lại, các đơn vị liên quan đã xây dựng phương án và chủ động thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện bảo đảm việc kết nối. Cụ thể, sẽ hoàn thành việc triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai (dự kiến trong tháng 4/2022); Mở rộng thực hiện Cấp đổi Giấy phép lái xe mức độ 4 trên toàn địa bàn...

Đối với 11 dịch vụ công thực hiện trong tháng 5 sắp tới, thành phố Hà Nội đã góp ý và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tái cấu trúc quy trình, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng kết nối theo chỉ đạo. Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình, kế hoạch đề ra; phấn đấu và hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch (khoảng 1.000 thủ tục hành chính) vào cuối quý III/2022...

Tuy nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhưng theo các cơ quan, đơn vị, hiện đang còn rất nhiều những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, cần sự phối hợp, liên thông giữa các đơn vị với nhau. Đơn cử, đối với thủ tục “Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp” đã tiếp nhận và giải quyết được hơn 30 bộ hồ sơ. Tuy nhiên, chưa có cơ chế xác thực dữ liệu công dân giữa số CCCD và số CMND 9 số (cũ) gây khó khăn cho việc tạo tài khoản, cũng như nộp hồ sơ. Dữ liệu khám sức khỏe điện tử vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, số lượng bệnh viện có chức năng cấp giấy khám sức khỏe điện tử còn rất ít.

Ngoài ra, chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ trong việc chuẩn hóa danh mục tài liệu, quy trình và mã số của giấy tờ số hóa để chia sẻ giữa Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các Hệ thống thông tin khác. Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện thu phí, lệ phí điện tử, thanh toán trực tuyến và qua các kênh thanh toán trung gian khi thực hiện thủ tục hành chính nên quá trình thực hiện trên thực tế còn nhiều bất cập, vướng mắc. Tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mặc  dù đã được nâng lên, nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người dân e ngại, muốn đến thực hiện trực tiếp cho yên tâm...

Để Hà Nội xứng đáng là đơn vị “đi đầu, làm mẫu, làm điểm” của cả nước, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trên địa bàn, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06. Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm hiện hành của thành phố, cũng như nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án đã đề ra. Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu cũng như rà soát, bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Khi các thủ tục thiết yếu này được triển khai hiệu quả sẽ tạo ra tác động xã hội mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như công tác quản lý hiệu quả hơn.