Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong những năm qua, huyện Bắc Mê đã ưu tiên nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin.
Mặc dù là huyện vùng cao khó khăn, nhưng đến nay tất cả các xã trên địa bàn huyện đều được phủ sóng di động, có đường truyền internet. Tất cả phòng, ban cấp huyện và các xã, thị trấn trên đã có đường truyền internet băng thông rộng; mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được kết nối từ huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và 13 xã, thị trấn trên địa bàn.
Hà Giang tạo đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin
Huyện Bắc Mê cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ và giải quyết các thủ tục hành chính đối với cán bộ.
Huyện đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ. Gắn với đó là thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân tại bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn.
Xã Minh Ngọc là địa phương đi đầu trong công tác cải cách hành chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, lãnh đạo xã yêu cầu tất cả cán bộ phải học tập, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cấp ủy, chính quyền xã cũng thành lập các tổ công nghệ cộng đồng tại tất cả các thôn, bản. Tổ công nghệ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, dịch vụ hành chính công, thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Nông Thị Huyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Ngọc cho biết, trong việc điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, xã cũng thành lập các nhóm Zalo ở tất cả lĩnh vực nhằm chủ động trong việc chỉ đạo, điều hành, thông tin và thống nhất trong triển khai thực hiện từ xã đến thôn. Do đó, các văn bản chỉ đạo đột xuất đều được gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc nhắn tin qua các nhóm Zalo để cán bộ, công chức xã cũng như đội ngũ cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện.
Người dân đến bộ phận một cửa xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê giải quyết thủ tục hành chính. |
Cùng với xã Minh Ngọc, các địa phương ở huyện Bắc Mê cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện và cấp xã với hơn 1.200 tài khoản được khai báo, sử dụng; tỷ lệ văn bản sử dụng đồng thời chữ ký số của tổ chức và chữ ký số của cá nhân đạt hơn 97%.
Tại bộ phận một cửa huyện và các xã, thị trấn, điểm mới so trước đây là ngoài việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính còn được đầu tư máy tính chuyên dụng để người dân tiện tra cứu thủ tục hành chính và giao dịch trực tuyến.
Hiện nay, 100% hồ sơ thủ tục hành chính từ cấp huyện đến xã đều thực hiện tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính của các ngành, các cấp, trong 6 tháng đầu năm, huyện đã có 8 văn bản phê bình đối với những đơn vị còn để tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn.
Nhờ đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính cũng được chính quyền các cấp, các ngành chức năng thực hiện nhanh chóng, đúng thời hạn. Trong 6 tháng đầu năm nay, số hồ sơ giải quyết trực tuyến là 7.088 hồ sơ, đạt 96,9% (tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình đạt 65,3%).
Cán bộ Công an huyện Bắc Mê hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt định danh điện tử. |
Nhằm hình thành các công dân số, huyện Bắc Mê đã thành lập 139 tổ công nghệ số cộng đồng với 973 thành viên là bí thư chi bộ, trưởng thôn, đoàn viên, thanh niên có trình độ để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính cũng như tiếp cận, cài đặt dịch vụ số.
Được các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, giải thích, chị Dương Thị Hồng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê đã biết cài và sử dụng thành thạo các app như: Momo, Zalo Pay, Viettel Pay.
Chị Dương Thị Hồng cho biết: “Tôi đã sử dụng thành thạo các app để thực hiện các giao dịch tài chính hằng ngày. Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp bảo đảm an toàn mà còn giúp cho tôi có kế hoạch kinh doanh, chi tiêu trong quản lý tài chính hiệu quả hơn”.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã giúp cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính một cách đơn giản, tăng niềm tin của người dân đối với công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.