Tại Hội nghị, đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp-Cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương trình bày chuyên đề Những điểm mới của Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Các đại biểu dự hội nghị nghe giới thiệu một số nội dung cơ bản. Phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và thành phần ghi phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.
Đồng chí Trần Việt Hùng giới thiệu các nội dung căn bản trong Quy định số 96. |
Thành phần ghi phiếu tín nhiệm được quy định cụ thể đối với từng chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp), cụ thể như sau: Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội; Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp ủy địa phương tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu; Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.
Các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm cũng được Quy định cụ thể về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Những trường hợp có trên 50% phiếu nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.
Định hướng công tác tuyên truyền trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Minh Chung, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị, các báo cáo viên và cấp ủy trực thuộc tập trung tuyên truyền các nội dung về kết quả, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Đồng chí Nguyễn Minh Chung định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới. |
Tuyên truyền Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường, tháng 01/2023; những nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2023…
Về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; các cấp ủy chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về kết quả chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Singapore và Brunei Darussalam của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam (8-11/2); kết quả Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế ngày 3/2…
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; khẳng định rõ Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, nước lớn và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước.
Tuyên truyền những kết quả, đóng góp quan trọng của Việt Nam khi là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2023.
Về công tác xây dựng Đảng, tiếp tục tuyên truyền kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 khóa XIII, trọng tâm là Chương trình hành động của Đảng ủy Khối và các đảng ủy trực thuộc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 khóa XIII để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Một trong những nội dung cần chú trọng là công tác tổ chức, nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng bộ.