Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, ổn định sản xuất nông nghiệp

NDO -

Nông sản sản xuất theo chuẩn VietGAP, Global GAP hay các vùng nguyên liệu có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ thì hầu hết không gặp khó khăn nhiều về bán hàng, kể cả trong điều kiện dịch bệnh. Đây là điều các địa phương cần quan tâm thời gian tới, đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn sản xuất và mở rộng diện tích liên kết.

Thu hoạch nhãn ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Thu hoạch nhãn ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Chiều 17/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc trực tuyến với Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Nông sản vẫn khó đầu ra

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 800.000 ha lúa hè thu; 650.000 ha còn lại sẽ thu hoạch từ nay đến tháng 9. Vụ thu đông cũng đã xuống giống được 400.000 ha trên tổng số 700.000 ha kế hoạch đặt ra.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nguồn cung hiện đa dạng: tôm, cá tra, thịt lợn, gà... Tuy nhiên một số mặt hàng vẫn đang ở tình trạng giá bị giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như: cá tra còn 21.000 - 22.000 đồng/kg, với giá này người nuôi đang không có lãi. Gà lông trắng cũng giảm còn 10.000 đồng/kg. Giá thịt lợn cũng giảm 15-16% so trước đây, còn khoảng 55.000 đồng/kg.

Riêng đối với lúa gạo, giá lúa hiện đã có xu hướng nhích lên, trung bình mỗi tuần tăng 100 đồng/kg. Hiện, lúa thường ở mức 5.100 - 5.200 đồng/kg, giá lúa đặc sản đạt 6.100 - 6.200 đồng/kg.

Mặt hàng trái cây hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, cụ thể như giá thanh long, giá chuối đang sụt giảm sâu, gây khó khăn cho người trồng.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng, mấy ngày trở lại đây, giá lúa trên địa bàn tỉnh có nhích lên, sau đó lại giảm khoảng 200 đồng/kg, thị trường không ổn định.

Nguyên nhân là do hiện số doanh nghiệp vào thu mua vẫn chưa nhiều, chỉ đạt 50% so vụ hè thu năm 2020 vì việc di chuyển giữa các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội vẫn rất khó khăn. Nhất là hiện nay, sắp thu hoạch vụ thu đông sớm, nếu không đủ doanh nghiệp thu mua thì sẽ rất khó đầu ra. Ngoài ra, còn một lượng lúa nếp lớn cần tiêu thụ.

Về trái cây, nổi bật là sản phẩm xoài từ nay đến cuối năm, sản lượng rất lớn, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay, Cần Thơ đã thu hoạch xong 75.000 ha lúa hè thu, đang triển khai xuống giống lúa thu đông, dự kiến thu hoạch cuối tháng 9, đầu tháng 10.

Việc tiêu thụ lúa có khó khăn vì hầu hết doanh nghiệp chỉ hoạt động được 50% do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chưa kể một số doanh nghiệp không bảo đảm sản xuất “3 tại chỗ” nên đã phải tạm ngừng hoạt động. Hiện, lúa gạo của các doanh nghiệp cũng còn tồn trong kho nhiều do xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Đối với trái cây, sản phẩm dâu Hạ Châu đang rất khó tiêu thụ với khoảng 1.000 tấn thu hoạch rộ. Nguyên nhân là do thị trường chủ yếu là Campuchia và các tỉnh phía nam hiện đều khó xuất bán.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh đã thu hoạch được 90% diện tích lúa hè thu. Dự kiến, trong tháng 8, tháng 9, sẽ bước vào thu hoạch lúa thu đông với sản lượng khoảng 500.000 tấn, đòi hỏi phải có các giải pháp tích cực để tiêu thụ hiệu quả.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 28 nhà máy chế biến gạo đủ điều kiện hoạt động, chỉ đạt 15-20% so trước đây nên cũng khá khó khăn trong thu mua.

Về cơ sở chế biến thủy sản, có 12/22 cơ sở hoạt động, công suất 30 - 50% nên lượng thủy sản còn tồn trong ao khá lớn, ảnh hưởng lớn thu nhập của người nuôi.

Nhiều giải pháp bảo đảm sản xuất và lưu thông tiêu thụ

Để bảo đảm sản xuất trong thời kỳ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, tỉnh Đồng Tháp đã hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất... tổ chức các tổ dịch vụ hỗ trợ "làm thay", như: thăm đồng, bón phân, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch thay cho các hộ nông dân do ruộng, vườn xa nhà không có người trực tiếp làm.

UBND cấp xã công khai số điện thoại của Tổ dịch vụ để người nông dân trực tiếp liên hệ, thống nhất phương án hỗ trợ chăm sóc thay cho nông dân.

Tại tỉnh Tiền Giang, đối với các nhà máy phục vụ chế biến nông sản, tỉnh cũng đã thành lập Tổ thẩm tra điều kiện hoạt động của từng doanh nghiệp trong dịch Covid-19, bảo đảm doanh nghiệp nào thực hiện tốt, an toàn, hiệu quả thì tiếp tục được hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.  

Về vấn đề tiêu thụ nông sản, các địa phương đều cho biết khó nhất hiện nay vẫn là khâu vận chuyển và các điều kiện đi lại cho doanh nghiệp thu mua. Ngoài ra, đối với một số mặt hàng như lúa gạo, trái cây... thì không chỉ thị trường nội địa mà xuất khẩu cũng gặp khó nên cần có các giải pháp tháo gỡ cả hai hướng đó vì có nhiều sản phẩm có số lượng lớn, chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cũng thông tin, đến thời điểm này, đã có 1.166 đầu mối tiêu thụ nông sản kết nối với Tổ công tác 970. Mỗi ngày, Tổ cũng kết nối tiêu thụ được 500 - 600 tấn nông sản các loại.

Ông Tùng cũng lưu ý, các nông sản sản xuất theo chuẩn VietGAP, Global GAP hay các vùng nguyên liệu có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ thì hầu hết không gặp khó khăn nhiều về bán hàng, kể cả trong điều kiện dịch Covid-19.

Đây cũng là điều các địa phương cần quan tâm trong thời gian tới để đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn sản xuất và mở rộng diện tích liên kết.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép