Là nơi giao thoa giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vị thế của mình khi ứng dụng nhiều thành tựu khoa học-công nghệ vào đời sống, nhất là trong lĩnh vực y tế. Các bệnh viện trên địa bàn đã tiếp cận và đưa vào sử dụng những khoa học-công nghệ, công nghệ thông tin vào công tác chẩn đoán và điều trị.
Nhiều quy trình khám, chữa bệnh được số hóa như đăng ký khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip liên kết với bảo hiểm y tế; thanh toán không dùng tiền mặt; hẹn lịch khám trên ứng dụng bệnh viện; quản lý hồ sơ bằng mã số điện tử…
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quan Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tại bệnh viện, quy trình ERAS (chương trình tăng cường hồi phục sau phẫu thuật) được ghi nhận, theo dõi, đánh giá trên bệnh án điện tử, không giấy.
Để triển khai thành công chương trình ERAS, bệnh viện phát huy thế mạnh trong phối hợp liên chuyên khoa, đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, tận tâm trong từng bước thăm khám, thực hiện phẫu thuật, chăm sóc người bệnh..., cùng với sự hỗ trợ tối đa của hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm bệnh án điện tử.
Chương trình ERAS được ứng dụng thành công bước đầu không chỉ có ý nghĩa trong việc chăm sóc, điều trị toàn diện giúp người bệnh hồi phục sớm, mà còn là mô hình có thể được nhân rộng cho các cơ sở y tế, góp phần mang đến giải pháp tối ưu trong điều trị và chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật.
Nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhi đồng 2… đã triển khai hiệu quả hệ thống HIS, phần mềm giúp quản lý thông tin bệnh nhân, lịch khám và các dịch vụ y tế khác.
Thêm vào đó, việc chuẩn hóa bệnh án giấy sang bệnh án điện tử là phương pháp giảm đến mức thấp nhất việc rò rỉ thông tin của bệnh nhân, hỗ trợ và phòng ngừa những trường hợp như bệnh án giấy bị rách, bị ướt, nhòe chữ, lem mộc gây khó khăn trong quá trình điều trị bệnh. Không chỉ là lưu trữ hồ sơ bệnh án, các bệnh viện còn sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế để chia sẻ những tấm Xquang, MRI.
Thực tế cho thấy, công tác đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến đang được các bệnh viện quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Người dân không còn phải thức dậy quá sớm để xếp hàng đợi lấy số thứ tự rồi chờ hàng giờ đồng hồ để được vào khám bệnh.
Thay vào đó, các ứng dụng đăng ký khám, chữa bệnh online của các bệnh viện, như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân Y 175… đã xuất hiện trên điện thoại di động thông minh, người bệnh chỉ cần đăng ký theo hướng dẫn trên ứng dụng và có mặt đúng giờ đã đăng ký để gặp bác sĩ theo chỉ định.
Kết quả, lịch sử bệnh án, toa thuốc, theo dõi điều trị cũng được cập nhật liên tục trên ứng dụng giúp bệnh nhân trực tiếp theo dõi được tình trạng sức khỏe của bản thân. Đây cũng là phương pháp hiệu quả giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian thăm khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, nhiều thách thức và khó khăn được đặt ra khi chuẩn hóa số liệu trong cơ sở y tế. Ở các tuyến cơ sở, tuyến phường, tuyến xã, nguồn lực về chi phí đầu tư cho hệ thống số hóa là không đủ, gây ra sức ép chênh lệch giữa khám, chữa bệnh ở ngoại ô và trong nội thành.
Từ đó tạo ra sự khác biệt lớn giữa điều kiện cơ sở vật chất, dịch vụ và trải nghiệm của bệnh nhân, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn thu ở bệnh viện các tuyến cơ sở, tuyến huyện. Ngoài ra, nguồn nhân lực có chuyên môn cao để vận hành hệ thống số hóa tại các bệnh viện hiện nay chưa được bảo đảm. Vì vậy hệ thống chuẩn hóa số liệu bị trì trệ, chưa được đưa vào sử dụng tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Để số hóa trong bệnh viện đạt được mục tiêu như kỳ vọng đề ra, các đơn vị có liên quan, ban, ngành cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời, đúng lúc; nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học-công nghệ chuẩn số hóa vào các bệnh viện ở tuyến phường, tuyến xã; cần đào tạo và thay đổi tư duy, thói quen làm việc “máy móc” trên bệnh án, tài liệu giấy truyền thống của nhân viên y tế, thay vào đó là sử dụng những ứng dụng công nghệ mới, thay đổi để thích nghi với thời đại. Ngoài ra, các bệnh viện cần chủ động hơn trong việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để mang về các giải pháp số hóa phù hợp với điều kiện tại bệnh viện.
Số hóa bệnh viện là việc chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và hình thành kho dữ liệu phục vụ công tác quản lý, công tác khám, chữa bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh (trước, trong và sau khi khám, điều trị). Tiêu chí số hóa bệnh viện cần hướng tới 3 không: Không giấy tờ; không xếp hàng và không dùng tiền mặt. Các cơ sở y tế triển khai phần mềm hệ thống thông tin quản lý bệnh nhân (HIS), kết nối liên thông với 63 cơ quan bảo hiểm y tế của 63 tỉnh, thành phố, triển khai đăng ký khám bệnh từ xa, trực tuyến.