Khảo sát một số điểm kinh doanh gạo tại thành phố, người mua khó có thể tìm mua gạo với giá 10 nghìn-12 nghìn đồng/kg như trước. Các loại gạo phổ biến thông thường như Thơm Thái, Thơm Mỹ, Lài Sữa, Đài Loan… đều đã tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg so với một tháng trước đó. Cụ thể, giá bán lẻ gạo ST25 là 30 nghìn đồng/kg, gạo Đài Loan 22 nghìn đồng/kg, gạo hương lài miên 25 nghìn đồng/kg, gạo nàng hoa 26 nghìn đồng/kg, gạo nếp cái hoa vàng 30 nghìn đồng/kg, gạo thơm thái 18 nghìn đồng/kg...
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm bán duy trì giá bán cũ so với đầu năm 2023. Lý do, trước đó gạo tồn còn nhiều cho nên muốn đẩy hết hàng cũ, khi gạo mới về thì giá bán mới có thể tăng. Bên cạnh đó, những thực phẩm làm từ gạo như bún, mì, phở, hủ tiếu, bánh canh, bánh hỏi… cũng đã đều tăng giá.
Cụ thể, giá bún tươi từ 10 nghìn đồng/kg tăng lên 12 nghìn-13 nghìn đồng/kg, bánh cuốn từ 19 nghìn đồng/kg lên 20 nghìn đồng/kg. Giá bún khô tăng thêm 3.000 đồng/kg, lên 33 nghìn đồng/kg; giá hủ tiếu hiện có giá từ 24 nghìn-25 nghìn đồng/kg (tăng thêm 2.000 đồng/kg)…
Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính (thành phố Thủ Đức) Nguyễn Thị Bính cho biết: Gạo chế biến là gạo khô, còn gạo ăn là loại dẻo, mềm. Nếu dùng gạo ăn để chế biến bún, mì sẽ làm sản phẩm dính bệt, không thể sản xuất. “Thiếu nguồn gạo chế biến, chúng tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi, tranh nhau mua nguyên liệu để tích trữ sản xuất nhưng cũng không có” - bà Bính nói.
Bên cạnh đó, giá gạo dành cho chế biến cũng tăng từng ngày góp phần gây thêm khó khăn cho các đơn vị sản xuất. Từ mức giá 9.800-10 nghìn đồng/kg, hiện giá gạo này đã tăng lên 15.500-16 nghìn đồng/kg. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của doanh nghiệp nói riêng, của ngành sản xuất thực phẩm bún, phở… nói chung.
“Nếu tình hình nhập khẩu gạo không được cải thiện, giá gạo nội địa tiếp tục tăng cao thì sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất. Dự kiến với giá gạo hiện nay, có thể chúng tôi sẽ phải tăng giá trong tháng 9. Trong tình hình kinh tế như hiện nay, nếu sản phẩm tăng thêm giá bán sẽ càng thêm khó khăn; tuy nhiên, cố gắng cầm cự giá cũ, doanh nghiệp lo không trụ nổi”, bà Bính bộc bạch.
Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại quốc tế Khánh Hà (Khánh Hà Food) Trương Thị Hồng Hà cho biết: Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm bún khô, ống hút gạo xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường khó tính. Đơn hàng đã ký với đối tác đến hết năm, nhưng nay giá nguyên liệu gạo tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Theo bà Hà, loại gạo mà đơn vị này dùng để sản xuất ống hút, bún, phở có giá từ 11 nghìn đồng/kg nay tăng lên 15 nghìn đồng/kg, mới đây đối tác cung cấp nguyên liệu cho biết, sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
“Sức mua trên thị trường khá yếu, đơn hàng xuất khẩu giảm, công ty chỉ cố gắng duy trì sản xuất và kìm giá chứ không có lời. Giá gạo tăng kéo theo giá thành sản xuất, chi phí đầu vào đều tăng nhưng mình vẫn phải làm để giữ khách hàng”, bà Hà nói.
Trong khi đó, giá gạo bán lẻ tại các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Go!, MM Mega Market, Lotte Mart… vẫn ở mức ổn định. Đại diện Saigon Co.op cho hay: Nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị vẫn bình ổn. Đơn vị có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cỏ May Đinh Ngọc Tâm, khi gạo tăng giá thì các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cũng phải tăng giá sản phẩm đầu ra tương đương. Riêng gạo phân phối cho hệ thống siêu thị vẫn không tăng giá do hợp đồng ký kết với các siêu thị là dài hạn, thời gian tăng giá chưa đủ dài.
Nếu tới đây, giá gạo tiếp tục tăng cao thì doanh nghiệp buộc phải đề nghị điều chỉnh giá. Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Lý Kim Chi nhận định: Hiện nay, giá gạo đang có xu hướng tăng nhưng sẽ có điểm dừng. Nhằm nỗ lực ổn định giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, Hội Lương thực thực phẩm cùng với ngành công thương thành phố đang triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng.
Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, siêu thị triển khai nhiều chương trình giảm giá hỗ trợ người dân mua sắm. “Các hệ thống bán lẻ lớn đều giảm giá mạnh cho nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm chia sẻ gánh nặng chi tiêu với người dân. Nhờ vậy, thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu ở thành phố khá ổn định, không có sự tăng giá đột biến” - bà Chi cho biết.
Theo Sở Công thương thành phố, giá gạo tiêu dùng trên địa bàn vẫn ổn định, giá gạo của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 vẫn giữ nguyên. Theo đó, trong tháng 7/2023, giá bán lẻ gạo tẻ thường ở mức 15.900-16 nghìn đồng/kg, gạo tẻ ngon từ 19.500-20.900 đồng/kg, gạo nếp thường 22.600 đồng/kg, gạo nếp ngon 27.500 đồng/kg…
Từ đây đến cuối năm, ngành công thương thành phố xác định, nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm nguồn cung gạo ra thị trường đầy đủ, ổn định. Theo kế hoạch đề ra, lượng gạo thuộc chương trình bình ổn giá cung ứng ra thị trường là 3.311 tấn/tháng, riêng tháng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là 4.525 tấn. Nếu có sốt giá cục bộ, ngành sẽ tổ chức bán hàng lưu động với giá ổn định cho người dân.
Sở đã gửi văn bản đến ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo, doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng gạo và doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố về việc bình ổn thị trường đối với mặt hàng này.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng gạo chủ động thu mua, dự trữ, bảo đảm nguồn hàng; cung ứng đủ, vượt số lượng gạo đã đăng ký trong mọi tình huống; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký bình ổn. “Sở Công thương cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường và chấp hành đầy đủ quy định về trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, bán đúng giá quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn; nhắc nhở, chấn chỉnh, hỗ trợ hoạt động của mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn...”, ông Phương khẳng định.