Đẩy mạnh hợp tác giữa Học viện Quốc phòng Việt Nam với Học viện Quốc phòng Kaysone Phomvihane Lào

Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc, cấp ủy, chỉ huy các cấp của Học viện Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế và truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào; đặc biệt là bản ký hợp tác kết nghĩa giữa Học viện Quốc phòng với Học viện Quốc phòng Kaysone Phomvihane Lào (ngày 27/9/2009).
0:00 / 0:00
0:00
Lớp đào tạo ngắn hạn chỉ huy-tham mưu chiến dịch, chiến lược khóa 6, Quân đội nhân dân Lào nghiên cứu thực tế tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định.
Lớp đào tạo ngắn hạn chỉ huy-tham mưu chiến dịch, chiến lược khóa 6, Quân đội nhân dân Lào nghiên cứu thực tế tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định.

Sau 15 năm hợp tác, hai học viện đã thực hiện tốt các nội dung trong bản ký hợp tác kết nghĩa, nổi bật là những kết quả về hợp tác trong huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng giữa hai học viện.

Về huấn luyện-đào tạo: Học viện Quốc phòng đã đào tạo 63 khóa thuộc các loại hình đào tạo cho Quân đội nhân dân Lào, với 487 học viên. Từ năm 2009 đến tháng 6/2024, Học viện đã đào tạo 44 khóa, với 326 học viên. Kết quả đào tạo cán bộ từ năm 2009 đến tháng 6/2024:

17 khóa Cao học với 57 học viên (có 51 học viên đã tốt nghiệp và nhận bằng Thạc sĩ Khoa học quân sự); 15 khóa đào tạo Tiến sĩ quân sự với 26 Nghiên cứu sinh (có 23 Nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công và nhận bằng Tiến sĩ quân sự); 5 khóa đào tạo cao cấp chỉ huy-tham mưu chiến dịch, chiến lược với 150 học viên; 7 khóa đào tạo cao cấp chiến dịch, chiến lược giảng viên với 93 học viên. Học viên được đào tạo với số lượng nhiều hơn, chất lượng cao, sát thực tiễn và đa dạng loại hình đào tạo từ:

Đào tạo cao cấp chỉ huy-tham mưu chiến dịch, chiến lược; đào tạo cao cấp chiến dịch, chiến lược; bồi dưỡng giảng viên; đào tạo cao học khoa học quân sự, nghiên cứu sinh. Kết quả học viên Quân đội nhân dân Lào sau học tập tại Học viện Quốc phòng, khi tốt nghiệp ra trường về nước đều hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo, tướng lĩnh giữ các trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Lào.

Về công tác nghiên cứu khoa học: Học viện Quốc phòng đã biên soạn 309 bộ tài liệu dùng cho nghiên cứu và đào tạo các đối tượng, khóa học với 2 loại: Tài liệu bằng tiếng Việt và Tài liệu bằng tiếng Lào; tổ chức thư viện, với hệ thống thiết bị hiện đại, mạng internet thuận tiện cho kết nối thông tin; đã đón hàng chục nghìn lượt học viên Quân đội nhân dân Lào học tập, nghiên cứu tài liệu tại thư viện Học viện Quốc phòng.

Về hợp tác xây dựng Học viện: Hằng năm, Học viện Quốc phòng cử các đoàn chuyên gia là đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn cao sang giúp bạn xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; quản lý điều hành huấn luyện-đào tạo; tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu và công tác nghiên cứu khoa học...; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, viện trợ trang, thiết bị giúp Học viện Quốc phòng Kaysone Phomvihane Lào.

Từ năm 2009 đến 2024, Học viện Quốc phòng cử bảy đoàn chuyên gia và được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Bộ Quốc phòng, Học viện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, viện trợ trang, thiết bị giúp Học viện Quốc phòng Kaysone Phomvihane Lào, với tổng số tiền 8,4 tỷ đồng.

Về hợp tác, tổ chức các đoàn đến thăm và làm việc: Phát huy truyền thống và hiệu quả hợp tác, Ban Giám đốc hai Học viện duy trì thường xuyên tổ chức các đoàn đến thăm, làm việc, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất phương hướng hợp tác trên nhiều nội dung về công tác quản lý, tổ chức huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng giữa hai Học viện. Tổ chức các đoàn, các cơ quan, tổ chức quần chúng gặp mặt, giao lưu.

Từ năm 2009 đến 2023, Đoàn Học viện Quốc phòng đến thăm, làm việc 13 lần với Học viện Quốc phòng Kaysone Phomvihane Lào; Học viện Quốc phòng đón 15 đoàn của Học viện Quốc phòng Kaysone Phomvihane Lào đến thăm và làm việc.

Với những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại, hợp tác và đào tạo cán bộ cho Quân đội nhân dân Lào, Học viện Quốc phòng Việt Nam đã được Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Ít-xa-la hạng nhì, Huân chương Hữu nghị và Huân chương Tự do.

Có được kết quả nêu trên là được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; phát huy truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào; từ bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống dân tộc Việt Nam; khẳng định tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao của Học viện Quốc phòng trong hợp tác, giúp Học viện Quốc phòng Kaysone Phomvihane Lào, cùng nhau vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Trong thời gian tới, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho thế giới có sự biến động chưa từng có, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn cầu và đến mọi lĩnh vực, mọi quốc gia dân tộc. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo.

Song chúng ta cũng rất quan ngại trước các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, như: sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang; khủng bố; tội phạm xuyên quốc gia; an ninh mạng; an ninh, an toàn hàng hải, hàng không...

Đây là nguy cơ và thách thức lớn của các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống tác động đến mọi lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng; đến hòa bình, sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.

Vì vậy, chúng ta cần phát huy truyền thống, kinh nghiệm và kết quả đã đạt được, tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa Quân đội và nhân dân Việt Nam-Lào, trong hợp tác đào tạo giữa hai Học viện Quốc phòng để tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, thường xuyên quán triệt nắm vững và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam-Lào về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam-Lào.

Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường hợp tác thiết thực, hiệu quả hơn nữa giữa Học viện Quốc phòng với Học viện Quốc phòng Kaysone Phomvihane Lào; góp phần nâng cao mối quan hệ mật thiết, đặc biệt giữa Quân đội hai nước.

Thứ hai, thường xuyên quan tâm, bảo đảm mọi mặt cả vật chất và tinh thần cho học viên Quân đội nhân dân Lào đang công tác, học tập tại Học viện Quốc phòng với trách nhiệm, tình cảm và khả năng cao nhất, tôn trọng phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của bạn.

Tạo bầu không khí dân chủ, thân thiện, cởi mở, đoàn kết; để các đồng chí học viên Quân đội nhân dân Lào yên tâm học tập đạt chất lượng, kết quả cao nhất; tốt nghiệp ra trường về đóng góp xây dựng Quân đội nhân dân, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Lào trong tình hình mới.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy các khóa đào tạo học viên Quân đội nhân dân Lào với nhiều loại hình đào tạo: Đào tạo cán bộ cao cấp chỉ huy-tham mưu chiến dịch, chiến lược; đào tạo cán bộ cao cấp có trình độ sau đại học; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng viên cấp chiến dịch, chiến lược...

Về nội dung đào tạo luôn theo đúng chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội; về quan hệ, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước; bám sát thực tiễn, cập nhật thông tin mới tình hình thế giới, khu vực và trong nước, sự phát triển mới về nghệ thuật quân sự, quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Cùng với đó, tích cực đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong huấn luyện-đào tạo; thực hiện phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, tạo động lực cho học viên nghiên cứu để khám phá những vấn đề mới, vận dụng sát thực tiễn công tác.

Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo trình, tài liệu, chuyên đề phục vụ huấn luyện-đào tạo và nghiên cứu khoa học được biên soạn bằng hai thứ tiếng Việt-Lào; xây dựng thư viện điện tử, hệ thống mạng máy tính, kết nối mạng internet phục vụ học viên Quân đội nhân dân Lào thuận tiện, hiệu quả trong tra cứu, nghiên cứu học tập tại Học viện Quốc phòng.

Thứ năm, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác của Ban Giám đốc, giảng viên, học viên đến thăm và làm việc hợp tác, trao đổi thông tin, học tập, nghiên cứu thực tế giữa hai Học viện Quốc phòng; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự, cùng nhau hợp tác đạt kết quả cao và thiết thực hơn nữa.

Thứ sáu, thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, với khả năng của Học viện Quốc phòng tham gia tích cực cử đoàn chuyên gia, giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất giúp Học viện Quốc phòng Cay Sỏn Phôm Vi Hản Lào với trách nhiệm, tình cảm mật thiết nhất, để đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất.