Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết, thời gian qua, công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực TN-MT tiếp tục có những chuyển biến tích cực, bảo đảm đầy đủ khung pháp lý cho việc quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của Bộ. Cơ chế, chính sách cũng như các quy định TTHC ngày càng hoàn thiện, đơn giản hóa; đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí tuân thủ TTHC cho tổ chức, cá nhân; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi thu hút đầu tư. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TNMT vẫn còn một số hạn chế.
Nhiều lĩnh vực quản lý của Bộ có tính chất nhạy cảm, phức tạp, do vậy, kết quả giải quyết TTHC chưa được như mong đợi của người dân và DN.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách TTHC nói chung và cải cách TTHC trong lĩnh vực TN-MT nói riêng nhằm quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn, công khai minh bạch hơn, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng; đồng thời tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. "Mục tiêu của cải cách TTHC không phải là bỏ vai trò quản lý nhà nước mà cải cách là để quản lý tốt, công khai, minh bạch đi liền với tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN" - Thủ tướng khẳng định.
Để đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đặt ra, Thủ tướng nêu rõ, trước hết lãnh đạo, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải không ngừng nâng cao nhận thức, đề cao tinh thần trách nhiệm, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, nhất là rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định trong luật, nghị định, thông tư theo hướng bãi bỏ những quy định không cần thiết, hoặc nếu giữ để quản lý thì phải đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện; đồng thời thực hiện công khai, minh bạch nhằm vừa quản lý tốt hơn, vừa tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN.
"Muốn cải cách TTHC thì phải hoàn thiện thể chế, luật pháp chứ không thể kêu gọi chung chung" - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện, thực thi pháp luật và cải cách TTHC; hợp nhất, liên thông trong quy trình xử lý TTHC. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc đi liền sơ kết, tổng kết, biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời chấn chỉnh, phê bình những đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ. Tại cuộc họp, Thủ tướng đã phê bình một số địa phương chậm trễ trong việc thực hiện cải cách TTHC về đất đai. Trong đó có 22 tỉnh, thành phố chưa công bố bộ TTHC về đất đai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 49 tỉnh, thành phố chưa đưa Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) một cấp đi vào hoạt động.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý đất đai, TN-MT, khoáng sản; giải quyết TTHC. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TN-MT phục vụ công tác quản lý nhà nước, trước hết là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực TNMT trong thời gian tới.
* Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 465,075 tỷ đồng cho Bộ TN-MT và 51 địa phương từ nguồn dự toán chi sự nghiệp kinh tế của ngân sách T.Ư năm 2015 để thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014. Cụ thể, kinh phí bổ sung cho Bộ TN-MT là 24,735 tỷ đồng, 51 địa phương là 440,34 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 6-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch kiểm soát TTHC trọng tâm năm 2015, Bộ TN-MT đã rà soát, chuẩn hóa tên TTHC thực hiện tại bốn cấp chính quyền với 212 TTHC (trường hợp địa phương đã thành lập VPĐKĐĐ) và 233 TTHC (trường hợp địa phương chưa thành lập VPĐKĐĐ). Tổng số TTHC về đất đai là 41 thủ tục đối với nơi đã thành lập VPĐKĐĐ một cấp (giảm 30 thủ tục); 62 thủ tục đối với nơi chưa thành lập VPĐKĐĐ một cấp (giảm 9 thủ tục).