Đẩy mạnh cải cách thủ tục để thu hút đầu tư nước ngoài

Ủy ban nhân dân thành phố vừa tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nhằm lắng nghe và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp, doanh nhân người nước ngoài đang hoạt động, sinh sống và làm việc trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Các kỹ sư đang làm việc trong nhà máy Intel Products Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Các kỹ sư đang làm việc trong nhà máy Intel Products Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã thẳng thắng nêu ra nhiều khúc mắc, khó khăn trong quá trình đầu tư, kinh doanh và kiến nghị chính quyền cùng các cơ quan chức năng liên quan của thành phố sớm có giải pháp khắc phục, tháo gỡ, cải thiện…

Vẫn còn nhiều rào cản, hạn chế

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), thành phố cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh đồng bộ một số vấn đề như nâng thời gian miễn thị thực (visa) lên dài hạn hơn (lên 30 ngày) cho người nước ngoài làm việc lâu năm ở thành phố, nhất là khách du lịch; thông thoáng, đơn giản hơn trong việc gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài, điều này sẽ giúp thành phố thu hút nhiều hơn nữa các chuyên gia nước ngoài, lực lượng lao động chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Cùng với đó, cải tạo hạ tầng giao thông và cải thiện cung cách phục vụ tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; triệt để ứng dụng công nghệ số vào công tác giải quyết thủ tục hành chính như cho phép doanh nghiệp khai và cấp giấy phép thông qua hệ thống trực tuyến, ứng dụng chữ ký số…, bỏ hẳn thủ tục giấy tờ bản cứng để tăng hiệu suất quản lý, giảm thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp. Còn đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đề nghị khi chuyển đổi mô hình doanh nghiệp (như chuyển từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần) thì không nên buộc doanh nghiệp xin giấy phép lao động mới cho người lao động cũ và đang làm việc bình thường...

Khái quát hơn, theo ông James Ollen, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) - Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Thành phố cần nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, trong đó quan trọng nhất là phải bảo đảm được yếu tố hành lang pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và sắp xếp hợp lý, coi trọng sự đổi mới, không chỉ để thu hút nguồn đầu tư mới mà còn để duy trì và tăng trưởng nguồn đầu tư đang có sẵn. Bên cạnh đó, cần phê duyệt nhanh chóng cũng như giữ ổn định các quy hoạch tổng thể, để doanh nghiệp yên tâm tiếp tục hoạt động và mở rộng đầu tư. Cùng với đó, cần áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về kế toán, kiểm toán, chuyển giá và sử dụng quy trình Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã được Quốc hội thông qua. Tiếp đó, thành phố cần quan tâm nhiều hơn chất lượng không khí và kiểm soát tiếng ồn, mở thêm nhiều làn đường dành riêng cho người đi bộ… Ông James Ollen cũng cho rằng: Để thành phố duy trì được năng lực cạnh tranh và chuyển sang sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn, cần cải cách giáo dục, có chính sách thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, phát triển logistics, bảo đảm an ninh năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, tăng cường đầu tư công nghệ cao, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển…

Quyết liệt đổi mới

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đào Minh Chánh cho biết: Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp, trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến phát hành Sổ tay đầu tư theo các quy định mới của Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thêm chức năng hệ thống đầu tư nước ngoài và hệ thống đầu tư trực tuyến của Sở nhằm nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Còn với hoạt động xúc tiến đầu tư, giải quyết các khó khăn cụ thể của các nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện đang triển khai kế hoạch lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư thường xuyên theo định kỳ hằng quý. Song song đó, tăng cường tiếp xúc, hỗ trợ nhà đầu tư thông qua việc cung cấp thông tin; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, duy trì các kênh thông tin thường xuyên đối với doanh nghiệp qua điện thoại, Zalo, Viber, email... để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở sẽ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc có liên quan quy định của pháp luật để kiến nghị các Tổ Công tác của Chính phủ xem xét, có ý kiến hướng dẫn.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết: Thành phố đang tập trung triển khai công tác cải thiện môi trường đầu tư; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan công quyền, trách nhiệm công vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố cũng sẽ sớm công bố những quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Dự kiến, trong tháng 3/2023, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ ban hành Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Về vấn đề xây dựng thể chế, thành phố đã trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Trong đó, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, đất đai, đổi mới sáng tạo, phân cấp, phân quyền để thành phố chủ động hơn trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm khơi thông hết tiềm năng, nguồn lực, nhất là nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố cũng đã xác định đẩy mạnh chuyển đổi số, bao gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, đặt mục tiêu vào năm 2025 hoạt động cơ bản của chính quyền các cấp diễn ra trên nền tảng số; riêng năm 2023 triển khai các nội dung phát triển kinh tế số và nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế; phát triển xã hội số trên nền tảng kết quả của chính quyền số bằng việc xây dựng đô thị thông minh… Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết thêm: Thành phố đã và đang tập trung triển khai phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho giao thông chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn đầu tư trong dài hạn và có thể chiếm tới 70% trong năm 2023 này. Cùng với đó, thành phố đang rà soát, bổ sung định hướng phát triển, tái cấu trúc các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển xanh, ưu tiên các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và hạn chế các ngành gây ô nhiễm, thâm dụng đất đai, lao động…