Nạn bạo lực súng đạn như một cơn đau chưa có thuốc đặc trị của Xứ Cờ hoa và lại nhói lên mỗi khi xảy ra các vụ xả súng. Nguy cơ xảy ra nổ súng thường trực ở bất cứ nơi đâu, từ đường phố, cửa hàng, hộp đêm cho đến quảng trường, trung tâm biểu diễn hòa nhạc, trung tâm thương mại, nhà riêng..., đặc biệt là ở trường học-nơi đáng nhẽ phải được bảo đảm an ninh tuyệt đối để trẻ em, thanh thiếu niên yên tâm học hành. Bạo lực súng đạn đã vượt qua tai nạn đường bộ, trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ.
Mỗi ngày, nước Mỹ ghi nhận trung bình 110 người thiệt mạng vì bạo lực súng đạn, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong do súng đạn ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Theo tờ USA Today, tại Mỹ, cứ 100.000 dân thì có 12 người tử vong do súng đạn, gấp 4 lần tỷ lệ của quốc gia xếp thứ 2 là Thụy Sĩ. Chỉ trong tháng 1 vừa qua, hơn 50 vụ xả súng hàng loạt đã xảy ra trên khắp nước Mỹ. Thậm chí, theo kết quả khảo sát, ở những thành phố hay xảy ra các vụ bạo lực là Chicago và Philadelphia, nam thanh niên phải đối mặt với rủi ro tử vong do súng đạn cao hơn cả binh lính Mỹ tham chiến tại Afghanistan và Iraq.
Ngay sau vụ nổ súng tại Đại học bang Michigan mới đây khiến 3 người thiệt mạng và 5 người bị thương, Tổng thống Joe Biden kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn nạn bạo lực súng đạn và nhấn mạnh rằng, những vụ xả súng là cơn ác mộng tồi tệ nhất với các gia đình, nhưng lại xảy ra quá thường xuyên tại Mỹ. Quốc hội đã đạt bước tiến lớn khi thông qua dự luật về kiểm soát súng đạn mà hai đảng cùng soạn thảo hồi giữa năm ngoái, động thái mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến chống bạo lực súng đạn.
Tuy nhiên, với thực tế số vụ xả súng gia tăng, chính quyền Tổng thống Biden còn nhiều việc cần phải làm. Đây chắc chắn là một nhiệm vụ ưu tiên mà ông Biden phải thực hiện trong chặng đường còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, nhằm tạo bước chuẩn bị vững chắc cho mục tiêu tái tranh cử vào năm 2024.
Lý giải về tình trạng xả súng gia tăng, một số ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân là nạn phân biệt chủng tộc ngày càng sâu sắc. Một nguyên nhân khác là sự bùng nổ thị trường súng đạn ở Mỹ.
Lý giải về tình trạng xả súng gia tăng, một số ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân là nạn phân biệt chủng tộc ngày càng sâu sắc. Liên đoàn Chống phỉ báng ở Mỹ (ADL) chuyên giám sát các tổ chức cực đoan công bố số liệu cho thấy, trong năm 2022, các vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ chiếm hầu hết số vụ giết người liên quan đến chủ nghĩa cực đoan. Có tới 80% số vụ giết người là do những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng thực hiện. Vào tháng 12/2022, Tổng thống Biden thành lập một nhóm liên ngành để điều phối các nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan và các hình thức thiên vị, phân biệt đối xử.
Một nguyên nhân khác là sự bùng nổ thị trường súng đạn ở Mỹ. Năm ngoái, Cơ quan An ninh giao thông vận tải Mỹ (TSA) đã tịch thu súng của hành khách tại các cửa an ninh sân bay trên toàn quốc với số lượng kỷ lục là 6.542 khẩu súng các loại. Trung bình mỗi ngày TSA thu khoảng 18 khẩu súng. Thực tế này làm dấy lên lo ngại về việc ngày càng có nhiều người Mỹ trang bị vũ khí. Vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng nổ và giao tiếp xã hội bị hạn chế cũng được cho là một phần nguyên nhân.
Mâu thuẫn chung quanh việc kiểm soát súng đạn đã kéo dài nhiều năm qua tại Mỹ. Các cuộc tranh cãi đan xen, trong tất cả các tầng lớp xã hội, từ chính giới, đảng phái cho đến các khu vực dân cư trong một xã hội vốn phức tạp của Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ vẫn chia rẽ về giải pháp ngăn chặn, với một bên là đảng Dân chủ kêu gọi siết chặt kiểm soát súng đạn và một bên là đảng Cộng hòa muốn tập trung bảo đảm sức khỏe tâm thần, tăng cường an ninh tại các địa điểm công cộng.
Dù giải pháp được đưa ra là gì thì đích đến cuối cùng mà mọi người dân đều mong muốn là đẩy lùi “đại dịch bạo lực súng”, đem đến cuộc sống an toàn cho bản thân họ và cộng đồng.