Ngày 24/3, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức lễ mitting Ngày Thế giới Phòng chống Lao với chủ đề “Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”.
Gánh nặng bệnh tật cao, 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020).
Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, Covid-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trong gần 3 năm qua, Việt Nam cũng như thế giới phải đối mặt với làn sóng của đại dịch Covid-19, tập trung mọi nguồn lực cho chống Covid-19. Giãn cách xã hội, khó tiếp cận cơ sở y tế trong đại dịch khiến nhiều người đã không được thăm khám định kỳ, được phát hiện sớm bệnh lao tiềm ẩn, việc điều trị bị gián đoạn, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, trong những năm qua, nhờ triển khai Chiến lược 2X, chúng ta có thể phát hiện sớm ca bệnh, đưa vào điều trị và cắt đứt nguồn lây của bệnh lao.
Trong 12 tháng triển khai, Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao đã góp phần phát hiện 2.032 ca lao hoạt động và 1.303 ca lao tiềm ẩn. Dự án áp dụng các sáng kiến và mô hình tiếp cận mới để tiến tới mục tiêu tăng cường phát hiện bệnh lao đưa vào điều trị cho hơn 90% người được phát hiện và bảo đảm điều trị thành công ít nhất 90% bệnh nhân lao.
Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
"Sau Covid-19, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân lao có những tổn thương lao phổi, lao toàn thể, lao màng não rất nặng nề như cách đây 10 năm trước. Bệnh nhân lao bị gián đoạn tiếp cận y tế do Covid-19 nặng lên và tử vong nhiều. Sau Covid, hậu quả lao sẽ bùng phát trên diện rộng vì mọi gia đình đều bị ảnh hưởng", ông Nhung nói.
Chấm dứt lao cần có sự chung tay của cộng đồng
Để kéo lại thành quả chống lao đã bị thụt lùi do tác động của Covid-19 trong gần 3 năm qua, theo PGS Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam phải nhìn nhận vấn đề cụ thể hơn. Chúng ta giảm thiểu tác hại của Covid-19 với Chương trình Chống lao quốc gia, phải tập trung nguồn lực cho chống lao.
Đầu tiên, vai trò y tế cơ sở rất quan trọng trong phát hiện lao. Các cơ sở y tế phải cung cấp dịch vụ thân thiện, mở cửa, khám Covid-19, khám hậu Covid-19 và khám lao vì triệu chứng hậu Covid-19 và lao khá giống nhau.
Thứ hai, cộng đồng phải chủ động tham gia bằng các chương trình liên tục cung cấp kiến thức, kỹ năng để người dân phát hiện bệnh. Chương trình sẽ ban hành các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật, tổ chức thực hiện một cách thân thiện nhất.
"Năm nay phụ nữ sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác chống lao. Chúng tôi đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Hội Phổi Việt Nam đã thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam trong toàn quốc. Đồng thời, Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao", ông Nhung cho hay.
PGS, TS Nguyễn Viết Nhung bày tỏ quan ngại, sau Covid-19, có thể bệnh lao bùng phát. Một số vi khuẩn trước đây đang được sức đề kháng miễn dịch khống chế nhưng sau Covid-19, sức đề kháng miễn dịch giảm, vi khuẩn lao có thể tái hoạt động trở lại.
Do đó, năm 2022, nhiệm vụ của công tác phòng, chống lao sẽ nặng nề hơn, bù đắp cho chỉ tiêu năm 2021 chưa hoàn thành. Nếu bệnh lao được phát hiện sớm, cắt đứt nguồn lây và điều trị kịp thời như Covid-19, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, tiến tới mục tiêu năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Hiện nay, Việt Nam vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Với mong muốn, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao quốc gia - Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB:
- Thời gian: Bắt đầu từ 00 giờ 00 phút ngày 22/3/2022 đến 24 giờ ngày 20/5/2022.
- Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402
(20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).
Ngoài ra, các tổ chức/ cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thông tin:
- Đơn vị: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao
- Địa chỉ: Tầng 1, Nhà K, Bệnh viện Phổi Trung ương
Số 463 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội
- Số tài khoản: 160 10 00 028869 9
- Tại: Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 3
Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, trong đó có người thân của mỗi chúng ta.