Kết thúc vở kịch xiếc "Cha Rồng, Mẹ Tiên" tại Rạp xiếc công viên Gia Định, con của chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (quận Gò Vấp) vẫn không chịu ra về. "Cháu đòi lên sân khấu để chụp hình với Lạc Long Quân và Âu Cơ" - chị Mỹ Tiên cho biết lý do. Chị Mỹ Tiên chia sẻ thêm, vở kịch xiếc "Cha Rồng, Mẹ Tiên" (hay Huyền Sử Rồng Tiên) rất hấp dẫn với nhiều tiết mục xiếc độc đáo, cảnh trí hoành tráng tạo ấn tượng cho người xem. Và chính từ sự đầu tư "ra tấm ra món", vở diễn đã thu hút khá đông khán giả đến xem trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.
Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn, Tổng đạo diễn vở kịch xiếc cho biết, đây là vở diễn được lãnh đạo Nhà hát Phương Nam ấp ủ từ lâu và đã được phúc khảo vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến khi biểu diễn phục vụ khán giả trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, vở diễn đã có nhiều chỉnh sửa để hấp dẫn, nhuần nhuyễn hơn.
Có thể nói, dù chưa có sân khấu cố định dành riêng cho xiếc, nhưng mỗi năm, Nhà hát Phương Nam vẫn nỗ lực cho ra mắt những vở xiếc mới với chất liệu từ những câu chuyện dân gian, cổ tích của Việt Nam và thế giới. Chính vì thế, ngoài việc thưởng thức những tiết mục xiếc độc đáo của các nghệ sĩ, các khán giả, nhất là khán giả nhí, vẫn học được những bài học bổ ích mà vở diễn mang lại.
Trong chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố tháng 4 với chủ đề "Thiết chế văn hóa cơ sở: thực trạng và giải pháp", lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho biết, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đầu tư các sản phẩm, hoạt động nghệ thuật chất lượng cao phục vụ công chúng và du khách quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho thành phố.
Điều này thể hiện rõ ở việc thành phố đã có nhiều sản phẩm, hoạt động nghệ thuật đặc sắc do các đơn vị nghệ thuật công lập và văn nghệ sĩ cùng tham gia, trong đó cũng không thiếu vai trò của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Một số tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật ngoài nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong bản đồ hoạt động nghệ thuật của thành phố tương tác với hoạt động du lịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cho biết, tại Nhà hát thành phố, chương trình biểu diễn giao hưởng, nhạc-vũ kịch định kỳ hằng tháng đã trở thành một nét văn hóa rất riêng thu hút người đam mê nghệ thuật hàn lâm và du khách thưởng thức. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: "À Ố show", "Sương sớm", "Tah Dar" cũng duy trì biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát thành phố đã trở thành những cái tên rất quen thuộc đối với du khách không chỉ khi đến Thành phố Hồ Chí Minh mà còn lan tỏa trong nước và quốc tế.
Song song đó, những chương trình diễn nghệ thuật tổng hợp, đương đại thời gian qua cũng được định hướng đầu tư phù hợp với xu thế phát triển chung của thành phố như: Chương trình biểu diễn nghệ thuật xiếc "Ba Tư huyền bí", "Bí ẩn nơi đảo hoang", "Cha Rồng, Mẹ Tiên"... biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Phương Nam-Công viên Gia Định cũng tạo nên dấu ấn và khởi sắc sau thời gian thành phố căng mình chống dịch.
Trong thời gian tới, các hoạt động nghệ thuật cũng được tổ chức định kỳ như: "Lễ hội âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh" được tổ chức vào tháng 12 hằng năm, Liên hoan nghệ thuật hàn lâm "Giai điệu mùa thu" và "Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang" được duy trì tổ chức hai năm/lần là điều kiện thuận lợi để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thu hút tài năng, hội tụ những tinh hoa văn hóa và sản sinh ra nhiều hơn nữa các nhân tố, sản phẩm nghệ thuật độc đáo"- bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết.
Cùng với các đoàn nghệ thuật công lập, các đơn vị nghệ thuật tư nhân cũng nỗ lực xây dựng nhiều chương trình, vở diễn mới để phục vụ khán giả dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Điển hình như các sân khấu kịch Idecaf, sân khấu 5B, Hoàng Thái Thanh, sân khấu kịch Hồng Vân, Quốc Thảo, Minh Nhí... tiếp tục duy trì sân khấu kịch vốn từ lâu trở thành món ăn "đặc sản" trong đời sống tinh thần của người dân thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Nguyễn Thị Thanh Thúy, thời gian tới, ngoài việc duy trì tổ chức các chương trình, hoạt động đã trở nên ấn tượng, thu hút công chúng trong nước và du khách quốc tế, thành phố sẽ xây dựng và phát triển thêm nhiều điểm đến giới thiệu nghệ thuật truyền thống dưới hình thức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Một số chương trình, hoạt động sân khấu truyền thống cũng được triển khai nhằm tăng cường công tác quảng bá văn hóa dân tộc gắn với hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội thành phố.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa thành phố là xây dựng, củng cố thiết chế văn hóa tương xứng với một trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước. Hiện tại, nhiều công trình văn hóa có từ trước năm 1975 đã xuống cấp, cần phục hồi, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu tổ chức biểu diễn phục vụ công chúng.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thế Thuận cho biết, từ sau khi giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đến nay, thành phố có ba công trình văn hóa được xây dựng như: Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Các công trình này có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố cũng như yêu cầu phục vụ nhân dân.
Việc Thành phố Hồ Chí Minh vừa khởi công đầu tư xây dựng dự án Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ tại Quận 11 mới đây là việc làm cần thiết và phù hợp với quá trình phát triển đô thị. Công trình không chỉ là biểu tượng văn hóa, dấu ấn lịch sử của thành phố trong tiến trình phát triển và hội nhập, mà còn khẳng định sự quan tâm của thành phố trong việc phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay.