Đầu tư cho văn hóa để phát triển vững bền

Thủ đô Hà Nội là mảnh đất kết tinh văn hóa ngàn năm. Ngày nay, nhiều lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của Hà Nội đang dẫn đầu cả nước. Nhưng vẫn còn đó những bất cập trong hoạt động bảo tồn, trong văn hóa ứng xử..., cần có sự đầu tư xứng đáng, những biện pháp mạnh dạn để bảo đảm cho sự phát triển vững bền.

Lễ hội gò Đống Đa.   Ảnh: CHÍ TOÀN
Lễ hội gò Đống Đa.   Ảnh: CHÍ TOÀN

Trăn trở giữ gìn bản sắc

Trong lĩnh vực văn hóa, Thủ đô Hà Nội có nhiều mặt đứng đầu. Hà Nội có nhiều di tích nhất cả nước. Điều đáng nói, các di tích trên địa bàn đều có giá trị. Cả nước hiện có 62 di tích quốc gia hạng đặc biệt thì Hà Nội có12 di tích. Những di tích như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... đã trở thành niềm tự hào của cả nước. Với sáu nhà hát, 13 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trải đều trên các lĩnh vực như: múa rối, chèo, tuồng, cải lương..., ở các kỳ liên hoan toàn quốc, Hà Nội cũng thường chiếm vị trí dẫn đầu. Trong văn hóa ứng xử, mặc dù khó "cân, đong, đo, đếm" như những lĩnh vực khác, nhưng văn hóa ứng xử của Hà Nội vẫn luôn được coi là kết tinh của văn hóa dân tộc, tiêu biểu cho cả đất nước. Không có địa phương nào có mức đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật, du lịch và thể thao lớn như Hà Nội. Dự toán tổng đầu tư cho năm 2015 lên tới 1.469 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho các dự án lên tới hơn 300 tỷ đồng. Điều đó cũng cho thấy văn hóa luôn được thành phố quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, trách nhiệm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của Thủ đô là nhiệm vụ nặng nề, nhất là những người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực này. Đứng đầu cả nước về số lượng di tích, nhưng số di tích đang bị xuống cấp của Hà Nội thậm chí còn lớn hơn số di tích được xếp hạng của nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. 600 di tích đang dột nát, nhiều di tích có nguy cơ sụp đổ. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm thành phố đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác tu bổ di tích. Mới nghe qua, tưởng con số đó là nhiều, nhưng thực tế, mỗi năm chỉ vài chục di tích được đầu tư tôn tạo. Giải quyết triệt để vấn đề di tích xuống cấp là bài toán không dễ giải trong khi nguồn lực của thành phố có hạn; nhất là khi di tích này tu bổ xong thì lại đến thời hạn di tích khác xuống cấp. Lĩnh vực văn hóa ứng xử cũng có nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Trong trường học là hiện tượng vô cảm khi bạn bè cùng trang lứa tham gia "đánh hội đồng" lẫn nhau. Trong bệnh viện là nạn “phong bì” nhức nhối. Trên phố, những quán "bún mắng, cháo chửi" làm hoen ố hình ảnh người Thủ đô văn minh, thanh lịch. Do lĩnh vực văn hóa của Hà Nội cần rất nhiều kinh phí đầu tư, cho nên theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Nguyễn Quốc Chiêm, có đoàn nghệ thuật trên địa bàn vẫn phải dùng những chiếc mi-crô từ 20 đến 30 năm, dùng những chiếc xe ô-tô cũ đến mức mà mỗi lần đi biểu diễn, cả đoàn thường phải dừng rất xa nơi biểu diễn...

Mạnh dạn để gỡ những rào cản

Trong buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội vừa qua, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy khẳng định, vai trò là trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận trong Luật Thủ đô, ngay sau vai trò là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Xây dựng các giá trị văn hóa là việc làm không chỉ cho hôm nay mà còn cho tương lai. Đồng chí Phạm Quang Nghị đánh giá thời gian qua, ngành văn hóa đã có những biện pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, chẳng hạn như xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa. Một điển hình là việc tu bổ, tôn tạo Công viên văn hóa Đống Đa. Nếu chờ ngân sách nhà nước thì không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết. Nhưng với sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, toàn bộ kinh phí tôn tạo công viên, bao gồm đền thờ Vua Quang Trung, tượng đài Quang Trung, các hạng mục phụ trợ đều đã được các nhà hảo tâm đóng góp. Công trình đã khánh thành và đưa vào sử dụng đầu Xuân Ất Mùi. Điều này cần được phát huy trong tu bổ, tôn tạo các di tích khác trên địa bàn. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà hảo tâm tham gia các hoạt động văn hóa, nhưng cũng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Nhà nước. Gần đây, thành phố cũng thành công trong việc huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức bắn pháo hoa tại bãi giữa sông Hồng. Ban đầu cũng có những ý kiến không đồng thuận, nhưng sau khi phân tích, thành phố thấy hoàn toàn có thể thực hiện được và mạnh dạn tiến hành. Kết quả là màn bắn pháo hoa tại bãi giữa được tổ chức thành công trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi, được nhân dân ủng hộ. Đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử, Đề án về Bộ Quy tắc ứng xử được làm chặt chẽ, bài bản và nên sớm tiến hành thí điểm rồi nhân rộng.

Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa không đem lại những lợi nhuận, nguồn thu có thể nhìn thấy ngay được, cho nên dễ bị lơ là. Vì vậy, trước hết, cán bộ cần phải nhận thức rõ điều này. Từ nhận thức đó, cần có sự đầu tư tương xứng, các cấp, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô.