Đầu tư cho công tác tư vấn tâm lý học đường

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 700 trường phổ thông thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường với hơn 10.000 giáo viên, nhân viên được phân công hỗ trợ học sinh. Không thụ động ngồi đợi học trò "gõ cửa", nhiều trường đã tổ chức hàng loạt hoạt động thú vị để thu hút sự quan tâm của các em đối với việc chăm sóc sức khỏe tinh thần.
0:00 / 0:00
0:00
Một chương trình tư vấn tâm lý cho học sinh Trường THPT Marie Curie, Quận 3. (Ảnh CTV)
Một chương trình tư vấn tâm lý cho học sinh Trường THPT Marie Curie, Quận 3. (Ảnh CTV)

Được thành lập từ năm 2008, đến nay, Phòng Tư vấn tâm lý cho học sinh của Trường trung học phổ thông Marie Curie (Quận 3) đã trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều bạn trẻ khi cần tư vấn, hỗ trợ các vấn đề phát sinh trong mối quan hệ bạn bè, gia đình cũng như áp lực học hành.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quế Vân cho biết: Bên cạnh việc bố trí một khu vực kín đáo, tách biệt, cùng sự hỗ trợ của chuyên viên tâm lý, trường còn chủ động tiếp cận học sinh để lắng nghe các em chia sẻ tâm tư bằng nhiều cách. Ngay từ đầu năm học, trong các giờ sinh hoạt, giáo viên phụ trách phòng tư vấn tâm lý của trường đã giao lưu, giới thiệu về phòng cũng như hướng dẫn, khuyến khích học sinh tìm đến nhờ hỗ trợ khi gặp những vấn đề khó khăn trong đời sống tinh thần. Chủ đề của các buổi trò chuyện, bổ sung kỹ năng thường bám sát tình huống thực tế và được thể hiện theo hình thức tương tác sinh động nên khiến nhiều học sinh thích thú. Ngoài các chuyên đề sinh hoạt, phòng tư vấn tâm lý còn cung cấp kênh liên lạc trực tiếp và trực tuyến để học sinh dễ dàng liên hệ khi cần giúp đỡ.

"Các thầy cô giáo thường xuyên nhắc đi nhắc lại những đường link, hộp thư điện tử để học sinh đến hẹn lịch gặp gỡ trực tiếp hoặc trình bày những vấn đề và xin lời khuyên thông qua nền tảng công nghệ. Phòng tư vấn tâm lý còn bố trí hộp thư, khuyến khích học sinh chủ động cung cấp thông tin khi cần giúp đỡ. Thầy cô sẽ liên hệ hỗ trợ các em nhanh nhất có thể", bà Vân cho biết thêm.

Về phụ trách Phòng Tư vấn tâm lý cho học sinh của Trường trung học phổ thông Marie Curie được ba năm nay, mỗi ngày, anh Hứa Vĩnh An hỗ trợ tư vấn tâm lý cho 4-5 trường hợp. Tùy mức độ phức tạp của vấn đề mà buổi gặp đầu tiên có thể kéo dài từ 20-90 phút. Ngoài anh An là chuyên viên tâm lý phụ trách chính còn có đội ngũ cộng tác viên gồm các học viên cao học và sinh viên phụ việc.

Học sinh thường đến nhờ tư vấn về ba khía cạnh là mối quan hệ bạn bè, sự kết nối với gia đình-thầy cô và áp lực học hành. Yếu tố bảo mật thông tin là điều mà mọi thành viên bước vào phòng tư vấn phải cam kết tuân thủ nhằm mang lại sự an toàn, thoải mái nhất có thể cho các em học sinh. Thông thường, lịch tư vấn sẽ được hẹn trước nhưng cũng có không ít trường hợp học sinh cần hỗ trợ gấp. Chỉ cần sàng lọc và nhận thấy tính cấp thiết, phòng sẽ có sự ưu tiên cho trường hợp khẩn cấp.

Ði vào hoạt động được bảy năm nay, Phòng Tham vấn tâm lý của Trường trung học phổ thông Võ Văn Kiệt (Quận 8) đã góp phần nâng cấp đời sống tinh thần cho các em học sinh thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Nhà trường bố trí một phòng thực hiện chức năng tham vấn tâm lý riêng biệt, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho hoạt động tham vấn. Về nhân sự, bên cạnh việc thành lập Tổ Tư vấn tâm lý theo quy định, nhà trường còn bố trí một giáo viên có chuyên môn kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý học đường.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thời gian tới, hoạt động tham vấn tâm lý sẽ tiếp tục được nâng cấp để mang lại kết quả tốt hơn. Việc tăng cường nghiệp vụ cho đội ngũ tư vấn là vô cùng cần thiết nhằm có những phương pháp tối ưu, kịp thời giúp đỡ những "ca khó". Cùng với đó là sự chung tay của Ban giám hiệu nhà trường để công tác tư vấn tâm lý học đường đến gần hơn nữa với học sinh. Bà Hồng Anh cho rằng: Không chỉ phối hợp với các thầy, cô tư vấn tâm lý để có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh tại trường, Ban giám hiệu nhà trường còn là cầu nối giữa các thầy cô giáo bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, cùng nhau lắng nghe, đồng hành với học sinh. Ngoài ra, cũng cần có hành lang pháp lý rõ ràng và sự vào cuộc, đồng hành của nhiều cơ quan liên quan, tăng cường chính sách hỗ trợ cho tư vấn tâm lý thì việc tư vấn tâm lý học đường mới thật sự hiệu quả.