Đầu tư cho chế biến nông sản

Chính phủ vừa có Quyết định 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 với mục tiêu phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An thu hoạch thanh long. (Ảnh: Thanh Phong).
Nông dân xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An thu hoạch thanh long. (Ảnh: Thanh Phong).

Đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt hơn 8%/năm và đạt 10%/năm vào năm 2030 với hơn 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên; tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến.

Đẩy mạnh chế biến nông sản là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở thành yêu cầu cần thiết, cấp bách đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, lĩnh vực này phát triển vẫn còn chậm và chưa hiệu quả. Phần lớn nông sản Việt Nam vẫn bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia khác dưới dạng nguyên liệu thô và sản phẩm tươi, sống. Điều này ảnh hưởng lớn đến giá bán và khả năng chủ động tiêu thụ các loại nông sản.

Cụ thể như trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới, khiến việc giao thương hàng hóa bị đình trệ, thì nhiều loại nông sản Việt Nam cũng “kẹt cứng” không thể vận chuyển trong nước hay xuất khẩu được. Khi đó, hàng nghìn container trái cây tươi, thủy hải sản ùn tắc tại các cửa khẩu phía bắc; nhiều container hàng hóa cũng không thể xuất đi bằng đường biển, đường hàng không..., gây tổn thất nặng nề cho cả người sản xuất, doanh nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của cả nền nông nghiệp nói chung.

Thế nhưng, cũng vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” đó, tại các doanh nghiệp lớn, sản phẩm nông sản chế biến sâu vẫn được “săn đón”, trong đó không ít sản phẩm xuất khẩu có mức giá “lập đỉnh” nhờ quy định hạn chế nhập khẩu đồ tươi sống, tăng nhập khẩu đồ chế biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19. Ngoài ra còn phải kể đến lợi thế của sản phẩm chế biến khi có thể bảo quản lâu dài, làm giảm áp lực tiêu thụ trong những thời điểm khó khăn nhất, từ đó bảo toàn được chất lượng sản phẩm và giá bán.

Thực tế trên cho thấy giá trị của nông sản chế biến, đồng thời khẳng định, muốn đẩy mạnh chế biến thì phải có những doanh nghiệp nông nghiệp lớn làm “đầu tầu” dẫn dắt, liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Do vậy, để đạt được mục tiêu theo Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030, cần thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; song song với đó là đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển chế biến nông sản; rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách ưu đãi về thuế trong lĩnh vực chế biến nông sản… nhằm tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.