Đầu tư cho chất lượng

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất nhằm mang lại không gian học tập, thực hành hiện đại, nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng như nâng chuẩn đào tạo để đầu ra của sinh viên bảo đảm thích nghi tốt với thị trường lao động ngày càng khắt khe.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Tài chính-Marketing trong giờ thực hành.
Sinh viên Trường đại học Tài chính-Marketing trong giờ thực hành.

Trường đại học Tư thục quốc tế Sài Gòn (SIU) mới đây đã chính thức công bố Giải thưởng khoa học quốc tế SIU Prize nhằm tôn vinh những công trình luận án tiến sĩ xuất sắc được bảo vệ thành công không quá 5 năm. SIU Prize do SIU quản lý và Tập đoàn Giáo dục quốc tế Á Châu tài trợ sẽ được trao định kỳ hai năm một lần, tập trung vào hai lĩnh vực: Khoa học sức khỏe và khoa học máy tính.

Với tổng giải thưởng lên đến 10 tỷ đồng cho mỗi mùa giải, SIU Prize hy vọng có thể tạo động lực để nhiều cá nhân xuất sắc tiếp tục nâng cấp luận án tiến sĩ thành những giải pháp sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển chung. Trước giải thưởng này, nhà trường đã thực hiện chính sách thu hút tài năng rất đa dạng cho cả bậc đại học và sau đại học; cùng với đó là chính sách bồi dưỡng nâng cao trình độ tiến sĩ trong và ngoài nước dành cho giảng viên, nhân viên.

Trong đó, học bổng Chủ tịch SIU toàn phần gồm 100% học phí toàn khóa và sinh hoạt phí hằng tháng, đã triển khai hơn sáu năm với rất nhiều cá nhân xuất sắc; hay với Quỹ phát triển tài năng trẻ ngành khoa học máy tính, tính đến năm 2023, trường đã tài trợ gần 100 suất học bổng toàn phần, hàng trăm suất học bổng trị giá 60%, 40% học phí để thế hệ trẻ đến gần hơn với những tiến bộ khoa học công nghệ. Đáng chú ý, chính sách thạc sĩ tài năng đã cấp học bổng toàn phần cho những cá nhân ưu tú nghiên cứu, học tập và đảm nhận các vị trí làm việc phù hợp tại trường với mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng trong suốt thời gian theo học. Trường còn có chính sách tài trợ các mức thưởng 50%, 70%, 100% học phí bậc học tiến sĩ (tối đa lên đến 300 triệu đồng trong ba năm) đối với giảng viên, nhân viên tùy theo thâm niên công tác.

Chính sách thu hút nhân tài và đầu tư sâu vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học thời gian qua cũng đã mang lại kết quả tích cực cho quá trình phát triển của Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Quốc tế cho biết: Từ nhiều năm nay, nhà trường đã áp dụng, phối hợp nhiều chính sách để thu hút các nhà khoa học về giảng dạy, nghiên cứu.

Từ 40 người ở thời điểm ban đầu, sau 20 năm, đội ngũ khoa học của trường đã tăng gần bảy lần. Đội ngũ các nhà khoa học trở về từ nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới cùng nhân sự đào tạo tại chỗ đã góp phần nâng cao chất lượng cho công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường với rất nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế. Trong số các giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường có hơn 95% là tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng ở các nước phát triển.

Thu hút nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học đi kèm với siết chặt chuẩn đầu ra đang là hướng đi được nhiều trường đại học lựa chọn. Trong đó, đào tạo liên ngành trên nền tảng chuyển đổi số sẽ trở thành tiêu chí quan trọng giúp sinh viên thích nghi với thị trường việc làm nhiều biến động hiện nay. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính-Marketing: Đào tạo liên ngành là hướng đi tất yếu của các trường đại học nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm có thể thích nghi với môi trường làm việc hiện đại đòi hỏi sự chuyển đổi linh hoạt. Trong giai đoạn hiện nay, chỉ đào tạo đơn ngành với các kiến thức đơn lẻ mà không có sự kết nối vào nền tảng chung để tận dụng kho dữ liệu lớn thì khi ra trường, sinh viên sẽ mất rất nhiều cơ hội việc làm, thậm chí bị đào thải do không đủ khả năng thích ứng.

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển đột phá Trường đại học Tài chính-Marketing giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến 2045”, ông Đạt đưa ra năm trụ cột cho sự phát triển của nhà trường, gồm: Đào tạo; nghiên cứu khoa học; dịch vụ đào tạo, tư vấn, khởi nghiệp, doanh nghiệp; hợp tác quốc tế, liên doanh liên kết và cơ sở vật chất; trong đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo được coi là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển của một cơ sở giáo dục đại học.

“Nhà trường bên cạnh việc đào tạo kiến thức cơ bản để sinh viên hình thành tư duy giải quyết vấn đề còn phải giúp người học nắm chắc công cụ liên thông giữa các ngành và tận dụng thế mạnh từ công nghệ. Vào năm 2024, chúng tôi đẩy mạnh việc liên thông giáo dục trên nền tảng trung tâm học thuật mở và thư viện thông minh, làm sao để sinh viên có thể sử dụng kho dữ liệu, học liệu mở từ nhiều nhà khoa học uy tín hay trường đại học lớn trên thế giới và tham gia đánh giá năng lực trên nền tảng số. Thông qua thư viện thông minh này, sinh viên được học tập theo hướng tiệm cận giáo dục quốc tế, quá trình đào tạo trong nước, đào tạo quốc tế, liên kết hợp tác quốc tế cũng sẽ không bị giới hạn về không gian địa lý”, PGS, TS Phạm Tiến Đạt cho biết thêm.