Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương

Ðấu tranh thi hành Hiệp định Geneva về Việt Nam

NDO - Bài viết sau điểm lại những vấn đề chính đã được giải quyết trong việc thi hành Hiệp định Geneva từ tháng 7-1954 cho đến khi Ủy ban Liên hợp trung ương ngừng hoạt động vào tháng 4-1956.
Quang cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Geneve về Đông Dương, ngày 8/5/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Quang cảnh Phiên khai mạc Hội nghị Geneve về Đông Dương, ngày 8/5/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 8-5-1954, một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bị tiêu diệt, Hội nghị Geneva về lập lại hòa bình ở Ðông Dương bắt đầu với sự tham gia của chín bên, tám nước.

Ngày 20-7-1954 hai bên Việt Nam và Pháp ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva được công bố ngày 21-7-1954.

Hiệp định đình chỉ chiến sự gồm 47 điều khoản nhằm "giải quyết các vấn đề quân sự để đình chỉ chiến sự"; bản Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điều khoản nhằm chủ yếu giải quyết các vấn đề chính trị với những nội dung: "Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cao Miên, Lào và Việt Nam" (điều 11), "Tuyệt đối không can thiệp vào nội bộ của các nước đó" (điều 12), "Nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín"... "Cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một ban quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban giám sát và kiểm soát quốc tế... Kể từ ngày 20-7-1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó" (điều 7).

Nội dung Hiệp định đình chỉ chiến sự và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva là một tổng thể không thể tách rời.

Những vấn đề chính đã được giải quyết trong việc thi hành Hiệp định Geneva từ tháng 7-1954 đến khi Ủy ban Liên hợp trung ương ngừng hoạt động tháng 4-1956 là:

Ngừng bắn và "gỡ thế cài răng lược" giữa hai bên

Ngày 22-7-1954, hai bên thỏa thuận công bố một quyết nghị chung về hạn chế hoạt động quân sự từ ngày 22-7-1954 đến ngày ngừng bắn ở các chiến trường với nội dung: Cam kết không mở những cuộc hành quân quy mô; Pháp đình chỉ ném bom, bắn phá, dùng bom na-pan, v.v.

Trong việc thực hiện ngừng bắn, "gỡ thế cài răng lược" có hai điểm đáng chú ý. Một là, Pháp rút quân khỏi các vùng đồng bằng Bắc Bộ về khu vực đóng quân tạm thời dành cho họ rất vội vàng và trước thời hạn vì chúng sợ rằng sau khi có Hiệp định Geneva, miền bắc Việt Nam sẽ hoàn toàn giải phóng, ngụy binh người miền bắc sẽ bỏ ngũ nhiều. Thứ hai, nhìn chung cả ba chiến trường, mệnh lệnh ngừng bắn được chấp hành nghiêm chỉnh.

Về phía Pháp, sau tám năm chiến tranh lại ở thế thua, họ không còn có thái độ ngang ngược như hồi ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946. Về phía ta trên phạm vi cả nước, trong một cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn lại thiếu phương tiện thông tin liên lạc mà đã ngừng bắn nghiêm chỉnh, toàn bộ, đúng thời hạn. Ðiều đó biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, đồng thời biểu thị ý thức tổ chức kỷ luật cao của các lực lượng vũ trang và nửa vũ trang ta.

Vấn đề trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ

Theo điều 21 của Hiệp định Geneva thì tất cả tù binh và thường dân bị giam giữ của hai bên sẽ được thả trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thực hiện ngừng bắn thật sự trên mỗi chiến trường.

Ði vào đàm phán, phía Pháp rất muốn biết số phận các sĩ quan cấp cao của họ nên đồng ý ngay với ý kiến ta nêu ra là hai bên trao đổi số lượng và danh sách tù binh và thường dân bị giam giữ.

Ngày 14-8-1954, Pháp thông báo cho ta là họ giam giữ 7.350 tù binh, 18.350 tù chính trị và tình nghi, 37.900 thường dân. Ta thông báo họ là giam giữ 6.800 tù binh Âu Phi và 2.350 tù binh quốc tịch Việt Nam. Ngày 17-8-1954, ta trao cho Pháp danh sách tù binh mà ta sẽ trao trả cho họ ở miền bắc. Ðấy là một hành động cao tay chứng tỏ trước Ủy ban quốc tế, dư luận Pháp và dư luận thế giới là ta rất thiện chí, rất quang minh chính đại. Sau đó ít ngày ta báo cho họ là sau khi các chiến trường kiểm tra, ta đưa thêm cho họ một danh sách bổ sung, hoàn tất sòng phẳng việc trao danh sách tù binh. Ðoàn Pháp không thể phàn nàn được điều gì.

Ủy ban quốc tế kiến nghị hai bên bàn bạc với nhau và xúc tiến việc trao trả. Trong một phiên họp của Ủy ban Liên hợp trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng đã nói với phía Pháp với một giọng rất kiên quyết rằng: Chúng tôi không muốn và không cần giữ một người nào của các ông, nhưng các ông đừng hòng nhận được những người của mình mà lại vẫn tiếp tục giam giữ các đồng chí của chúng tôi. Với chủ trương đúng đắn, cuộc đấu tranh trong vấn đề tù binh dẫn đến kết quả sau:

Ngày 4-9-1954, hai bên hoàn tất trao trả tù binh ở cả hai miền, như vậy là ta đã kéo dài thời hạn trao trả ở miền bắc tám ngày và rút ngắn thời hạn ở Nam Bộ bảy ngày, về số lượng, ta đã trả cho họ hơn 12.000 tù binh và thường dân, trong đó có 9.247 Âu Phi, 55 sĩ quan cấp tá, 530 sĩ quan cấp úy, 5.232 hạ sĩ quan.

Cũng đến ngày 4-9-1954, Pháp trao trả cho ta hơn 8.000 quân nhân, hơn 60.000 thường dân, trong đó có gần 2.000 tù chính trị. Tuy vậy phía Pháp vẫn còn giữ một số đồng chí mà ta phải tiếp tục theo dõi và đấu tranh đòi nốt. Tháng 11-1954, qua phát hiện của các anh em đã được trao trả ta biết rằng địch còn giam giữ ở Côn Ðảo 170 tù chính trị. Ta đưa ra Ủy ban quốc tế yêu cầu cử một tổ quốc tế ra điều tra với sự có mặt của sĩ quan liên lạc đôi bên. Ðồng chí sĩ quan liên lạc của ta là đồng chí Ðỗ Hoàng Trừ, nguyên là Phó Bí thư Ðảng ủy Côn Ðảo mới được trao trả; nên mặc dù địch tìm mọi cách che giấu, cuộc điều tra vẫn đạt kết quả là tổ quốc tế xác nhận có 70 người trong danh sách ta đưa ra còn bị giam và tổ quốc tế báo cáo lên để Ủy ban quốc tế kiến nghị yêu cầu Pháp trao trả cho ta.

Các cuộc đấu tranh trên cả nước, trên dư luận đã góp phần vào việc nâng cao lòng căm thù của nhân dân cả nước đối với đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới khiến cho khi nhân dân miền nam Việt Nam chuyển sang đấu tranh vũ trang thì nhân dân thế giới thấy ngay đó là một cuộc chiến tranh chính nghĩa.

Cuộc đấu tranh để hạn chế việc thực hiện âm mưu của địch trong việc thi hành điều 14d

Ðiều 14d của Hiệp định đình chỉ chiến sự quy định: "Trong thời gian từ khi Hiệp định có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân nếu có những thường dân ở một khu kiểm soát của bên này muốn sang ở vùng giao cho bên kia thì nhà chức trách của khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển đó".

Kẻ địch kết hợp lợi dụng mê tín với hành động dụ dỗ, cưỡng ép gây nên một phong trào di cư vào nam trong đồng bào theo đạo Thiên chúa nhằm gây rối loạn ở miền bắc, bôi nhọ chế độ ta, tăng thêm cơ sở quần chúng cho chính quyền Ngô Ðình Diệm, có một nguồn tuyển mộ ngụy quân cuồng tín. Mỹ đã chi cho chính quyền Ngô Ðình Diệm 55 triệu USD và sử dụng mấy chục chiếc tàu để thực hiện âm mưu này.

Chúng ta đã tiến hành việc kiên trì giải thích, thuyết phục bà con nên ở lại quê hương sau khi miền bắc hoàn toàn giải phóng. Và sau khi hết hạn 300 ngày, theo yêu cầu của Pháp và theo kiến nghị của Ủy ban quốc tế hai bên đã thảo luận và đi đến thống nhất kéo dài thêm thời hạn cho phép chuyển vùng thêm hai tháng.

Vấn đề chuyển quân, tập hợp lực lượng của hai bên, chuyển giao và tiếp quản các khu vực

Tiếp quản khu chu vi Hà Nội

Chuẩn bị tiếp quản một thành phố lớn với rất nhiều công sở và công trình công cộng là một vấn đề lớn. Các cơ quan có trách nhiệm đã phân tích tình hình khu vực tiếp quản và chuẩn bị kế hoạch tiếp quản để trên cơ sở đó đàm phán với đối phương. Yêu cầu là tiếp quản gọn, trật tự, bảo đảm hoạt động điều hòa của các công sở và hệ thống điện, nước, v.v. việc đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa kế hoạch tiếp quản về quân sự, trật tự và kế hoạch tiếp quản hành chính, giữa đấu tranh của quần chúng và cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán.

Thiếu tướng Delteil, Trưởng đoàn Pháp đề nghị: Ðối với một thành phố lớn như Hà Nội, vấn đề bảo đảm điện, nước là rất quan trọng. Ðề nghị Việt Nam cho một đơn vị quân đội vào trước cùng với quân đội Pháp bảo vệ hai nhà máy đó, cụ thể là vào từ ngày 2-10-1954. Thấy đề nghị quá thiện chí, Ðoàn ta phải suy nghĩ và báo cáo cấp trên. Cả trên Bộ và Ðoàn nhất trí là ta không nên cho bộ đội vào trước cùng với Pháp bảo vệ nhà máy điện, nước vì nếu như ta có mặt mà nhà máy bị phá hoại thì trách nhiệm là thuộc hai bên. Hơn nữa, bộ đội ta không có trình độ kỹ thuật, nếu như nhà máy có bị phá bí mật một bộ phận xung yếu nào đó thì anh em ta cũng chẳng biết.

Ðồng chí Văn Tiến Dũng đã trả lời khước từ đề nghị của Pháp một cách lịch sự và đề nghị họ cứ bảo đảm việc bảo vệ cho đến lúc chuyển giao.

Kết quả là với công tác tổ chức tiếp quản chu đáo, với chính sách tiếp quản đúng đắn, với tinh thần đoàn kết, đấu tranh của anh chị em công nhân, viên chức, với cuộc đấu tranh đúng mức trên bàn đàm phán và trên dư luận, việc tiếp quản thành phố Hà Nội đã diễn ra an toàn, trật tự, các dịch vụ công cộng về cơ bản hoạt động điều hòa.

Tiếp quản khu chu vi Hải Phòng(bao gồm Quảng Ninh)

Ðể chuẩn bị tiếp quản khu vực cuối cùng trên miền bắc, trong đó có cảng Hải Phòng và khu mỏ, ta có thể tính toán hai vấn đề: Một là, phải dự phòng tình huống xấu nhất là Pháp chỉ rút quân đến khu chu vi Hải Phòng rồi không rút nữa hoặc kéo dài thời gian ở lại Hải Phòng. Do đó ta phải để lại Trung Bộ Việt Nam lực lượng rút cuối cùng đủ để bảo đảm chắc chắn trước tình huống xấu đồng thời lại chỉ vừa đủ để có thể rút đúng thời hạn. Hai là, làm sao cho cảng Hải Phòng và mỏ than Hòn Gai hoạt động bình thường. Ngoài kế hoạch chỉ đạo quần chúng công nhân chống lại những hoạt động phá hoại, ta có một loạt hoạt động với Pháp về kinh tế, văn hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp quản khu vực cuối cùng và tạo thuận lợi cho việc tiếp tục thi hành Hiệp định Geneva. Kết quả là việc tiếp quản khu chu vi Hải Phòng kết thúc ngày 16-5-1955 trong phạm vi thời hạn quy định và trong an toàn trật tự.

Ngày 8-6-1955, đồng chí Văn Tiến Dũng trao công hàm của Chính phủ ta đặt vấn đề Hiệp thương giữa các nhà đương cục của hai vùng bắc nam để bàn về vấn đề tổng tuyển cử thì đoàn Pháp nói rằng họ không có trách nhiệm về các vấn đề chính trị của Hiệp định Geneva ngoài Hiệp định đình chỉ chiến sự.

Từ đó, chính quyền miền nam Việt Nam do Mỹ dựng lên và tài trợ đã thi hành một chính sách hoàn toàn ngược lại với Hiệp định đình chỉ chiến sự và bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva: họ hoàn toàn bác bỏ việc hiệp thương giữa hai miền để bàn việc tổng tuyển cử; họ tiếp nhận một khối lượng lớn vũ khí, trang bị và nhiều cố vấn quân sự Mỹ để xây dựng ngụy quân; thi hành một chính sách tàn bạo đối với những người đã tham gia kháng chiến chống Pháp và tán thành thực hiện Hiệp định Geneva, họ còn nêu khẩu hiệu Bắc tiến. Rõ ràng là Mỹ và chính quyền tay sai đã dứt khoát không chịu thi hành điều khoản về hiệp thương, tổng tuyển cử để thống nhất đất nước và thi hành một chính sách tàn bạo với nhân dân miền nam Việt Nam.

Trước tình hình đó, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là giương cao ngọn cờ độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình dựa vào chính nghĩa và pháp lý của các Hiệp định Geneva để tiến hành bền bỉ và anh dũng cuộc đấu tranh chính trị và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chính quyền tay sai cho đến khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc trong mùa xuân đại thắng năm 1975.

LÊ MINH NGHĨA
(Nguyên Trưởng ban Biên giới,
Phó Văn phòng Ban thi hành Hiệp định đình chiến)