Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực phải quyết liệt hơn nữa

NDO -

Ngày 5/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 20, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, để đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình công tác 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021; Kết quả chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 19 đến nay.

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực phải quyết liệt hơn nữa

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo cho ý kiến vào dự thảo Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”; Quy định về hoạt động kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo.

Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo từ sau Đại hội XIII của Đảng.

Sau khi nghe các đại biểu phát biểu ý kiến, Tổng Bí thư kết luận phiên họp. Đồng chí nêu rõ, 6 tháng qua, trong nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo, thực hiện kiên trì, không ngừng, không nghỉ và ngày càng hiệu quả; từ đó rút ra nhiều bài học quý để làm mạnh hơn, quyết liệt, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Xử lý cán bộ sai phạm dù là đau xót, nhưng vì sự nghiệp chung, không thể không làm; làm kiên quyết nhưng cũng rất nhân đạo, nhân văn. Thời gian tới, nhiệm vụ càng nặng nề hơn và tiếp tục làm một cách bài bản, phát huy tốt hơn những kinh nghiệm có được trong thời gian qua.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo những vụ án, vụ việc lớn, phức tạp, trọng điểm, nhưng không làm thay các cơ quan chức năng. Nếu các cơ quan, địa phương, bộ, ngành không làm, Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp chỉ đạo, làm đến nơi, đến chốn. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, chúng ta đã làm liên tục, bài bản, bền bỉ và có nhiều hiệu quả.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành yêu cầu cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên, trở thành xu thế tất yếu, không làm không được. Thực tế cho thấy, chúng ta đã phối hợp nhịp nhàng, nhưng cần nhịp nhàng, đồng bộ hơn; tập trung chỉ đạo khắc phục các khâu yếu, những vụ việc, vấn đề còn ý kiến khác nhau; rõ đến đâu xử lý đến đó.

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế, như có vụ việc tiến độ thực hiện còn chậm, hoặc phối hợp chưa thật nhịp nhàng. Tới đây, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cùng vào cuộc.

Về dự thảo đề án sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư nhất trí, Ban Chỉ đạo không chỉ có chỉ đạo phòng chống tham nhũng mà bao gồm cả tiêu cực (như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,  “tự chuyển hóa”,…). Ban Chỉ đạo phải làm việc đó. Tham nhũng kinh tế làm mất tiền bạc, nhưng suy thoái, tiêu cực không chỉ làm mất cán bộ mà nặng hơn là làm giảm uy tín của Đảng, thậm chí có thể làm mất chế độ,… Tiền mất có thể thu hồi lại. Cán bộ mất phẩm chất chính trị, có thể trở thành phản bội Đảng, nhân dân thì nguy hiểm vô cùng,…

Tổng Bí thư đồng ý với các kiến nghị và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Tại phiên họp, Tổng Bí thư thông báo việc kiện toàn Ban Chỉ đạo, 6 đồng chí thay thế các đồng chí khóa trước do thay đổi nhân sự sau Đại hội XIII của Đảng.