Tham dự hội thảo, các nhà lãnh đạo quản lý, các chuyên gia nghiên cứu, các đơn vị liên quan đã chia sẻ về khái niệm nhà nước pháp quyền; chủ trương, quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những thách thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch và những kiến nghị giải pháp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phát biểu mở đầu Hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, các thế lực thù địch ra sức chống phá Đảng, Nhà nước ta và chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng nhằm thực hiện công cuộc “chuyển hóa” về nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Quang cảnh Hội thảo |
Một trong những nội dung thường xuyên bị các thế lực xuyên tạc, phủ nhận nhiều nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nhằm hướng lái hệ thống chính trị của nước ta theo hướng phát triển của các nước tư bản chủ nghĩa. Do đó, cần nhận diện rõ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch để có những luận cứ đấu tranh phản bác xác đáng, thuyết phục.
Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hải (Trường Đại học An ninh nhân dân) thông tin, thời gian qua các đối tượng chống đối trong nước, thế lực thù địch nước ngoài đã lập hàng nghìn trang web, blog, hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt.
Các đối tượng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước để tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch, trong đó có hàng trăm bài viết, cuộc phỏng vấn xuyên tạc về bản chất Nhà nước Việt Nam, tố cáo Nhà nước Việt Nam không phải là Nhà nước pháp quyền.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang triển khai thực hiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của các thế lực thù địch, đối tượng phản động lại rộ lên như “nấm mọc sau mưa”, nhất là trên không gian mạng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Để ngăn chặn hoạt động lợi dụng không gian mạng để tán phát thông tin xấu, độc về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lực lượng công an cần triển khai tuyên truyền, tổ chức thực hiện hiệu quả Luật An ninh mạng; nghiên cứu làm chủ kỹ thuật-công nghệ để quản lý tốt không gian mạng, ngăn chặn hoạt động tán phát các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận Nhà nước pháp quyền từ bên ngoài vào Việt Nam; phát hiện, xử lý kịp thời các máy chủ, trang web, mạng xã hội trong nước bị lợi dụng vào mục đích tuyên truyền xuyên tạc luận điệu sai trái, thù địch về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Tại hội thảo, Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Trí (Trường Sĩ quan Lục quân 2) cho rằng, để góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, quân đội cần quan tâm thực hiện một số biện pháp tiếp tục duy trì nghiêm cơ chế lãnh đạo, chỉ huy đã xác định và đẩy mạnh xây dựng chính quy trong quân đội; nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong quân đội. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội.
Trong đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, trong quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế, cũng như đấu tranh phi vũ trang bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân phải hết sức tỉnh táo, khôn khéo, linh hoạt và điều mấu chốt là đấu tranh phải đúng nguyên tắc, có cơ sở pháp lý và trong khuôn khổ pháp lý, trên cơ sở bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc - Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Trí nói.
PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản phát biểu kết luận Hội thảo. |
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản khẳng định, Nhà nước pháp quyền là sản phẩm, thành tựu chung của lịch sử phát triển nhân loại được áp dụng chung cho các nước trên thế giới phù hợp văn hoá, truyền thống từng quốc gia.
Hội thảo đã tiếp tục làm rõ thêm về nội hàm, đặc trưng và định hướng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta.
PGS, TS Phạm Minh Tuấn, đề nghị tất cả các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tiếp tục có những bài nghiên cứu tiếp tục đóng góp những giải pháp mang tính căn bản, cụ thể cho công tác nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.