Khó khăn đủ bề
Trong suốt nhiều năm qua, đấu kiếm Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á. Điển hình như tại SEA Games 2015, các kiếm thủ của chúng ta đã giành tới 8/12 huy chương vàng. Tuy nhiên, các đại hội sau đó, thành tích của đấu kiếm Việt Nam “đuối dần” khi chỉ dành được 3/6 huy chương vàng ở SEA Games 2017 và 4/12 huy chương vàng tại SEA Games 2019.
Tại SEA Games 31 được tổ chức trên chính sân nhà, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam sẽ có 24 vận động viên tham gia thi đấu ở 12 nội dung, trong đó 6 nội dung cá nhân và 6 nội dung đồng đội. Được tập trung từ ngay sau Tết Nguyên, nhưng theo huấn luyện viên trưởng Phạm Anh Tuấn, hiện hàng loạt khó khăn đang “bủa vây” các kiếm thủ.
Đầu tiên phải kể đến thực trạng thiếu trang thiết bị thi đấu. Theo huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn: “Đã nhiều năm, tuyển đấu kiếm không thể mua được đồ. Đây là câu chuyện không riêng của một kỳ SEA Games mà đã tồn tại rất lâu”.
“Vận động viên phải tự mua hoặc đặt trên mạng về. Quần, áo giáp bộ nào còn mới cũng là do các em tự bỏ tiền, bộ nào cũ là của vài năm trước”, huấn luyện viên trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam chia sẻ.
Ngay cả kiếm tập, thay vì dùng kiếm tiêu chuẩn của Đức, các vận động viên đã phải mua kiếm do Trung Quốc sản xuất với giá dao động từ 300-400.000 đồng/thanh để dùng tạm. Tính theo mức khấu hao, một thanh kiếm như trên chỉ có “tuổi thọ” 2-3 tháng.
“Đấy là tập luyện, chứ thi đấu là không có luôn”, ông Tuấn kể.
Để khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị, ban huấn luyện đội tuyển đã buộc phải điều chỉnh giáo án trên cơ sở tăng cường các bài tập thể lực, sức bền, nghiên cứu đối thủ thông qua phân tích video.
Bên cạnh đó, một khó khăn “khó giải quyết” là đội tuyển thiếu sự cọ xát khi SEA Games 31 đã cận kề. Theo kế hoạch ban đầu của ban huấn luyện, các vận động viên sẽ được tham gia tập huấn quốc tế tại Hàn Quốc, Croatia, Pháp trong khoảng từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, do lý do khách quan, các kế hoạch này đều không thể thực hiện. Trong khi đó, trong suốt 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các kiếm thủ hầu như chỉ tập trong nước. Chưa kể, hệ thống thi đấu nội địa cũng rất sơ sài với vỏn vẹn chỉ có 2 giải đấu/năm.
Nhìn sang các đối thủ lân cận như Thái Lan hay Singapore có thể thấy rõ sự thiệt thòi của các kiếm thủ Việt Nam. Ở các quốc gia này, mỗi năm có khoảng 8-10 giải đấu quốc tế lớn để cọ xát. Trước thềm giải đấu then chốt, các đội tuyển nước bạn cũng đều đã hoàn tất quá trình tập huấn, rèn quân tại các cường quốc về đấu kiếm như Pháp, Áo, Hàn Quốc…
“Có những vận động viên 3, 4 năm qua không được đi giải lớn nào như nội dung kiếm liễu, kiếm 3 cạnh. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các em”, huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn cho hay.
Chưa giải được hai bài toán “trầm kha” kể trên, đội tuyển lại phải đối mặt với ảnh hưởng… hậu Covid-19. Mặc dù từ đầu tháng 3, toàn đội đã cấm trại, sinh hoạt, tập luyện theo mô hình “bong bóng thi đấu” nhưng các kiếm thủ vẫn… nhiễm Covid-19. Toàn đội mất 15 ngày bị ảnh hưởng. Tính tới thời điểm hiện tại, duy nhất chỉ còn 2 trường hợp chưa mắc bệnh.
“Hậu quả dễ nhận thấy nhất là khi quay lại tập luyện, các bạn bị sa sút thể lực, hụt hơi. Bên cạnh đó, vấn đề lâu dài hơn là tâm lý các em cũng bị ảnh hưởng”, huấn luyện viên trưởng Phạm Anh Tuấn thông tin.
Nỗ lực chạy nước rút cho mục tiêu vàng tại SEA Games
Mặc dù gặp khó, nhưng theo huấn luyện viên trưởng Phạm Anh Tuấn, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam vẫn nỗ lực vượt qua đồng thời dần tăng tốc cho mục tiêu vàng tại SEA Games 31.
“Đến giai đoạn này, tất cả khó khăn đều là chuyện ở đằng sau. Chúng tôi không còn nghĩ nhiều tới những thiếu thốn nữa. Chỉ còn lại sự quyết tâm. Tất cả chỉ nhìn về SEA Games”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Để giải bài toán thiếu cọ xát, ban huấn luyện đã tăng cường luyện tập cho các vận động viên. Đặc biệt, các cựu kiếm thủ đã rời khỏi tuyển cũng được mời về mặc giáp đối luyện làm quân xanh giúp đàn em rèn quân. Tất cả huấn luyện viên khác sẵn sàng trực tiếp khoác đồ bảo hộ vào sân thi đấu.
“Chúng tôi xác định dùng kinh nghiệm, phương pháp xử lý trận đấu cũng như những ‘miếng đánh’ của cá nhân mình để chia sẻ, truyền thụ cho các em, qua đó bù đắp phần nào thiếu hụt. Ngoài ra, ban huấn luyện cũng đảo nội dung, đưa các vận động viên của nội dung kiếm liễu sang giao lưu với nội dung kiếm 3 cạnh để tăng cường cọ xát”, huấn luyện viên trưởng đội tuyển cho hay.
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng được Ban huấn luyện đặc biệt quan tâm là giải quyết các vấn đề tâm lý hậu Covid-19 cũng như tính toán điểm rơi phong độ cho toàn bộ thành viên. Theo huấn luyện viên trưởng Phạm Anh Tuấn, các triệu chứng hậu Covid-19 về tâm lý cần phải được giải tỏa ngay. Ngoài ra, ban huấn luyện cũng xin cấp pháp thêm thuốc bổ, điều chỉnh giáo án để nâng thể lực một cách từ từ.
“Chúng tôi quan sát từng vận động viên để nắm thể trạng và tinh thần của mỗi em. Nếu phát hiện có vấn đề, ban huấn luyện sẽ phải giải quyết ngay”, ông Tuấn cho biết.
Theo một thành viên ban huấn luyện, thời điểm hiện tại, các kiếm thủ sẽ tập trung vào tập luyện kỹ thuật để nâng dần trạng thái, tránh các chấn thương không đáng có, qua đó hướng tới đạt điểm rơi vào đúng SEA Games 31.
Có mặt tại một buổi tập luyện của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội, theo quan sát, các vận động viên vẫn đang nỗ lực tập kỹ thuật, luyện đấu đối kháng, bất chấp điều kiện thời tiết nóng nực.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, kiếm thủ Vũ Thành An - niềm hy vọng vàng của đấu kiếm Việt Nam cho hay: “Thời gian qua, dù không được ra nước ngoài thi đấu vì dịch Covid-19, nhưng tôi cùng đồng đội vẫn nỗ lực tập luyện, rèn thể lực. Tôi sẽ cố gắng thi đấu hết mình, phấn đấu đạt kết quả cao nhất tại SEA Games 31”.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Kiều Oanh - nữ kiếm thủ 18 tuổi, cô em út của tuyển đấu kiếm Việt Nam cũng khẳng định rõ quyết tâm: “Toàn đội đang nỗ lực chạy nước rút cho giải đấu lớn trước mắt. Mặc dù các đối thủ rất mạnh, nhưng chúng tôi cũng rất tự tin”.
Tại SEA Games 31, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam sẽ tham gia tranh tài ở 12 nội dung (6 nội dung đồng đội, 6 nội dung cá nhân). Ban huấn luyện vẫn đặt niềm tin giành Huy chương vàng vào các tuyển thủ kỳ cựu như Vũ Thành An (sinh năm 1992).
Ngoài ra, đội tuyển cũng kỳ vọng vào sự tỏa sáng của lứa vận động viên trẻ, như: Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1997), Vũ Thị Hồng (sinh năm 1999), Phùng Thị Khánh Linh (2000)... Đội tuyển cũng hy vọng giành Huy chương vàng tại các nội dung cá nhân của nam kiếm chém và kiếm 3 cạnh.