Dấu hiệu viêm cơ tim mờ nhạt, người bệnh không nên chủ quan

NDO - Không ít người có cảm nhận thở mệt, đau ngực, buồn nôn nhưng lại chủ quan nghĩ mình mắc bệnh lý tiêu hóa hoặc mệt mỏi bình thường. Đến khi triệu chứng nặng lên nhập viện thì đã qua giờ vàng can thiệp nhồi máu cơ tim, người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng sau điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
Một ca can thiệp đặt stent cấp cứu nhồi máu cơ tim.
Một ca can thiệp đặt stent cấp cứu nhồi máu cơ tim.

Bệnh nhân N.A.N (39 tuổi) có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Giữa tháng 3, anh đang làm việc thì đau ngực dữ dội. Cơn đau lan lên cổ và hai vai, kéo dài gần hai giờ kèm cảm giác chóng mặt, buồn nôn. Anh được đưa đến bệnh viện cấp cứu vào giờ thứ hai. Kết quả chụp mạch vành xác định mạch vành phải tắc hoàn toàn.

Trong vòng 44 phút kể từ lúc anh N. đến viện, bác sĩ đặt xong stent khơi thông dòng máu qua mạch vành phải. Bệnh nhân hết đau ngực ngay sau thủ thuật, được xuất viện sau hai ngày.

Là vận động viên bán chuyên nghiệp, anh T.Đ.P (41 tuổi) thi thoảng thấy đau nhói vùng ngực, tim đập nhanh từ tháng 2/2024. Vì triệu chứng thoáng qua nên anh không để tâm. Một tháng sau, anh P. đang chơi thể thao thì thấy cơn đau ngực trái ập đến, nghĩ do vận động gắng sức nên ngừng tập, về nhà nghỉ ngơi.

Ba giờ sau, cơn đau không hết mà tăng cường độ, kéo dài 45 phút. Anh đến bệnh viện khám thì phát hiện nhồi máu cơ tim do động mạch liên thất trước hẹp khít 95%, nguy cơ sốc tim, vỡ tim bất cứ lúc nào. Nhờ kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch (IVUS), bác sĩ xác định chính xác đường kính lòng mạch bị hẹp, đặt stent kích thước lớn (5.0 mm). Cơn đau ngực chấm dứt, anh P. được khuyên bỏ thuốc lá (anh hút hơn 1 gói/ngày), tái khám định kỳ.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã can thiệp gần 100 ca nhồi máu cơ tim, tăng gần gấp đôi so với ba tháng trước đó. Có ngày Trung tâm Can thiệp mạch cấp cứu điều trị cho 5-10 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Đa số bệnh nhân đến viện muộn (sau 2 giờ từ khi cơn nhồi máu cơ tim bộc phát). Cá biệt có trường hợp một tuần sau mới nhập viện do nhầm lẫn với bệnh lý tiêu hóa, hô hấp.

Ước tính số ca nhồi máu cơ tim không triệu chứng (nhồi máu cơ tim thầm lặng – SMI) chiếm 45% tổng số ca nhồi máu cơ tim và tấn công nam giới nhiều hơn nữ giới. Chúng được mô tả là “thầm lặng” vì người bệnh không xuất hiện các triệu chứng điển hình của một cơn nhồi máu cơ tim bao gồm đau và tức ngực dữ dội; đau nhói ở cánh tay, cổ hoặc hàm; khó thở đột ngột; đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn và nôn…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, triệu chứng của nhồi máu cơ tim thầm lặng thường mơ hồ, xảy ra trong thời gian rất ngắn nên thường bị nhầm lẫn với bệnh thông thường như phổi, dạ dày… Thí dụ, nam giới cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và cho rằng đó là do làm việc quá sức, ngủ kém hoặc đau nhức cơ liên quan đến tuổi tác.

Một số dấu hiệu như đau nhẹ ở cổ họng hoặc ngực thường bị nhầm lẫn với trào ngược dạ dày, khó tiêu, ợ nóng. Đây là lý do khiến nhiều bệnh nhân bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo, không đến viện kịp thời, gây ra các biến chứng như suy tim, loạn nhịp tim, đột tử.

Có không ít ca nhồi máu cơ tim biểu hiện triệu chứng điển hình, đa số bệnh nhân không biết (hoặc không nghĩ) mình bị nhồi máu cơ tim. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới cấp cứu muộn, khiến cơ tim tổn thương nhiều hơn do thiếu máu nuôi trong thời gian dài.

Dấu hiệu viêm cơ tim mờ nhạt, người bệnh không nên chủ quan ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh tư vấn cho người bệnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh, những người bị nhồi máu cơ tim do tắc nghẽn một phần mạch vành thường xuất hiện triệu chứng trong vòng một tuần trước đó. Trường hợp bệnh do động mạch bị tắc hoàn toàn thường có dấu hiệu cảnh báo trước một tháng hoặc hơn.

Mỗi phút sau nhồi máu cơ tim, mô cơ tim bị tổn thương thêm. Do vậy, can thiệp tái thông mạch máu nhanh chóng ngăn ngừa mô cơ tim bị thương tổn quá nhiều. Tuy nhiên, thống kê tại Viện Tim mạch Quốc gia cho thấy chỉ có gần 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến viện trong khoảng “thời gian vàng”. Số người đi cấp cứu trước 12 giờ khoảng 40%, còn lại là bệnh nhân đến quá muộn nên nhiều trường hợp không cứu được hoặc để lại di chứng nặng nề.

Hầu hết các cơn nhồi máu cơ tim đều để lại biến chứng từ nhẹ (nếu được điều trị kịp thời) đến nặng (đối với trường hợp xử lý chậm). Những biến chứng này thường là rối loạn nhịp tim, suy tim, có thể ngưng tim do rối loạn nhịp, vỡ tim, huyết khối trong vùng tim, túi phình…

Có tới 80% các cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ có thể được ngăn chặn. Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Vinh khuyến cáo, để phát hiện sớm, điều trị kịp thời nhồi máu cơ tim cấp, mỗi người cần ghi nhớ các triệu chứng điển hình và cả không điển hình bao gồm đau thắt ngực đột ngột, kéo dài hơn 30 phút, khó thở, vã mồ hôi, chóng mặt, mệt nhiều, đau vùng thượng vị, buồn nôn…

Khi nghi ngờ bản thân hoặc người thân bị bệnh cần sơ cứu đúng cách (nằm nghỉ, sử dụng thuốc nitroglycerine ngậm dưới lưỡi) và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.