Song, nhìn theo chiều hướng tích cực, dù xu hướng du lịch những ngày đầu năm chủ yếu là hoạt động tự túc của các gia đình, theo nhóm nhỏ, việc khách du lịch nô nức du xuân ngay đầu năm mới là tín hiệu vui, lạc quan cho việc du lịch đã phục hồi. Ðiều này cho thấy, việc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trong hoạt động du lịch được thực hiện tốt; cuộc sống dần trở lại bình thường và Covid-19 không còn là nỗi ám ảnh, sợ hãi đến mức hoảng loạn nữa. Sau thời gian dài "đóng băng", rõ ràng thị trường du lịch trong nước đang dần khởi sắc, tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch. Các công ty du lịch lớn cho biết, lượng tour khách đi theo đoàn đặt ngay sau Tết trong tháng 2 và tháng 3 đã có dấu hiệu tăng mạnh. Các đoàn từ 100 đến 300 khách đã xuất hiện trong kế hoạch khởi hành của quý I/2022. Ðây cũng là cơ sở để Việt Nam có thể sớm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế trước mùa hè năm nay.
Phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 3/2 vừa qua đã đánh giá, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch đang từng bước đạt được những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Các dấu hiệu tích cực của công tác kiểm soát, phòng, chống dịch đã tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế-xã hội tiếp tục có bước phục hồi mạnh mẽ. Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4-1/5 và cố gắng từ 30/3.
Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch Covid-19. Biến chủng Omicron lây lan rất nhanh, có thể xuất hiện các chủng mới, ca nhiễm cộng đồng vẫn tăng ở nhiều địa phương, nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn tiềm ẩn. Trong bối cảnh chúng ta đang dần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, gia tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân, việc di chuyển của người dân trở lại làm việc sau Tết… càng đòi hỏi tinh thần cảnh giác, tuân thủ biện pháp 5K và vắc-xin, dù sau hai năm ứng phó với Covid-19, ý thức về phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng cũng đã tốt hơn.
Tết Nguyên đán của dân tộc chính là một điểm tựa tinh thần đặc biệt, cũng là thời điểm đẹp nhất của năm, khi vạn vật sinh sôi, thiên nhiên giao hòa khiến mỗi chúng ta thêm thanh thản và tự tin để khởi đầu cho một năm mới với những kỳ vọng tốt đẹp. Và ngay sau Tết, ai cũng phải trở về nơi chốn của công việc, của mưu sinh, phải bắt tay ngay vào công việc, không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi"; trẻ em sẽ được đến trường và cuộc sống được hồi phục dần về trạng thái bình thường. Tháng Giêng này nhiều nơi sẽ phải dừng tổ chức các lễ hội lớn, không có những màn khai hội tưng bừng, nhưng điều đó không làm tắt đi mùa xuân và hy vọng trong lòng người. Những thay đổi phong tục, nghi lễ truyền thống có từ nhiều đời ắt sẽ tác động và xáo trộn tâm lý của người dân trong dịp đầu xuân. Song trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, để thích ứng an toàn, linh hoạt, thì nhu cầu đi lễ hội, việc thực hành các nghi lễ tâm linh phải được nhận thức, sắp xếp lại. Và du lịch thích ứng, an toàn đang là những chỉ dấu tích cực, là kỳ vọng tốt đẹp để góp phần đưa mọi mặt đời sống sớm nhất có thể trở lại như trước khi có dịch.