Cuối chiều 15/9, thông tin về kết quả Phiên đấu giá biển số xe ô-tô, Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô, Phiên đấu giá ngày 15/9 đã thành công tốt đẹp.
Tổng số tiền trúng đấu giá là 82,325 tỷ đồng.
Từ 9-17 giờ ngày 15/9, Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá biển số xe ô-tô Phiên đấu giá thứ nhất (dự kiến phiên đấu giá này diễn ra vào ngày 22/8 nhưng do sự cố kỹ thuật không thực hiện được), bao gồm 11 biển số xe ô-tô của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (19A-555.55; 30K-555.55; 15K-188.88; 99A-666.66; 36A-999.99; 43A-799.99; 47A-599.99; 51K-888.88; 98A-666.66; 65A-399.99 và 30K-567.89).
Giá trúng cao nhất là 32,34 tỷ đồng (biển 51K-888.88 của Thành phố Hồ Chí Minh), giá trúng thấp nhất là 650 triệu đồng (biển 15K-188.88 của Hải Phòng).
Thu hút nhiều người tham gia nhất là cuộc đấu giá biển số 30K-567.89 của Hà Nội với 92 người đăng ký, trong đó số tham gia đấu giá là 91 người, số trả giá là 67 người.
Tiếp đến là biển số 51K-888.88 của Thành phố Hồ Chí Minh với 83 người đăng ký, trong đó số tham gia đấu giá là 82 người, số trả giá là 60 người.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả đấu giá, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá từ tổ chức đấu giá tài sản, Bộ Công an ban hành văn bản phê duyệt kết quả đấu giá.
Bộ Công an sẽ gửi thông báo kết quả trúng đấu giá biển số xe ô-tô vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng đấu giá ngay sau khi phê duyệt kết quả đấu giá.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Ngay sau khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ sẽ cấp Hóa đơn Điện tử Bán Tài sản Công và văn bản điện tử xác nhận biển số xe ô-tô trúng đấu giá gửi vào hòm thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.
Căn cứ kết quả đấu giá ngày 15/9, Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam tiếp tục xây dựng kế hoạch đấu giá các ngày tiếp theo.
Đấu giá biển số xe ô-tô nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân đăng ký biển số theo sở thích.
Việc khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý xe với tiêu chí cải cách thủ tục hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân.
Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an lấy người dân làm trung tâm phục vụ, là nguồn lực, động lực trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Thông tin thêm về quá trình xây dựng Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội, Cục Cảnh sát giao thông cho hay ngay từ năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an thành phố Hải Phòng tổ chức cho đăng ký, thu lệ phí biển số tự chọn.
Năm 2008, Công an một số địa phương: Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La và Hà Nội đã báo cáo Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe ô-tô.
Bộ Công an đã phối hợp các Bộ Tài chính, Tư pháp, Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đấu giá biển số xe ô-tô.
Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến tham gia của các bộ, ban, ngành và địa phương, các cuộc họp, hội thảo, thẩm định do vướng mắc về cơ sở pháp lý và dư luận xã hội còn nhiều ý kiến khác nhau, nên ngày 30/9/2011, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tạm dừng việc đấu giá biển số xe ô-tô.
Năm 2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 127 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tư pháp nghiên cứu, xây dựng “Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô-tô thông qua đấu giá.”
Tuy nhiên, sau 5 năm với nhiều lần trình Đề án, Chính phủ thấy rằng việc đấu giá biển số xe ô-tô nếu thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ vướng mắc về pháp lý, khó khăn trong triển khai thực hiện, vì vậy cần có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành.
Sau hàng trăm cuộc giải trình và thẩm định, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, sự đồng hành ủng hộ của bộ, ngành và các đơn vị liên quan, ngày 15/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ôtô với số phiếu ủng hộ 94,98%.
“Chặng đường 30 năm đã về đích, công tác đăng ký xe chuyển sang giai đoạn mới, lấy người dân làm trung tâm phục vụ và công khai minh bạch trong công tác đăng ký xe, đáp ứng nhu cầu của người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước,” đại diện Cục Cảnh sát Giao thông chia sẻ.
Thí điểm đấu giá biển số xe ôtô là nhiệm vụ được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam.
Bộ Công an đã chuẩn bị kỹ lưỡng đầy đủ về các văn bản triển khai thực hiện, hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý đấu giá biển số, đào tạo nguồn nhân lực theo dõi, giám sát công tác đấu giá, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống và các điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Ngày 26/6 vừa qua, Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 39/2023/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành hai Thông tư: Thông tư số 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới và Thông tư số 25/2023/TT-BCA quy định về quy trình nghiệp vụ cấp, thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới.
Đồng thời, Bộ Công an tiến hành lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật, cụ thể là Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Nam thực hiện; tổ chức tập huấn nghiệp vụ đấu giá tài sản cho các cán bộ của các đơn vị có liên quan phục vụ công tác đấu giá biển số xe ô-tô.