Bên cạnh đó, việc quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp, xử lý, tận dụng phụ phẩm cây trồng ngày càng được chú trọng. Từ đó góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân cũng như định hướng sản xuất lúa theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới hiệu quả hơn.
Mặt khác, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long giá lúa tăng từ cuối vụ hè-thu cho nên các doanh nghiệp tăng cường liên kết nông dân để thu mua lúa, giúp nông dân an tâm sản xuất, không lo đầu ra. Còn tại các địa phương phía bắc, trong vụ mùa, giá lúa tăng cao hơn từ 10-15% so với năm 2022, giúp nông dân tăng lợi nhuận.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023 cả nước gieo cấy khoảng 7,11 triệu ha lúa, tăng gần 10.000 ha so với năm 2022; năng suất trung bình 61 tạ/ha, tăng khoảng 1 tạ/ha, sản lượng hơn 43 triệu tấn thóc, tăng khoảng 800.000 tấn. Cũng trong năm vừa qua, xuất khẩu gạo đạt 8,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 4,7 tỷ USD, tăng 14,7% về khối lượng, tăng 35,7% về giá trị.
Trong đó, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 sản xuất khoảng 3,816 triệu ha lúa, năng suất 62,81 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn; khu vực Ðông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sản xuất hơn một triệu ha lúa, năng suất trung bình đạt 60,2 tạ/ha, sản lượng gần 6,2 triệu tấn. Còn tại các địa phương phía bắc gieo cấy hơn 2,2 triệu ha, năng suất trung bình đạt 58,4 tạ/ha, sản lượng hơn 13,1 triệu tấn. Qua đánh giá, ở khu vực này, thu nhập từ sản xuất lúa đạt trị giá khoảng 54,2 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt hơn 18 triệu đồng/ha/vụ, tăng khoảng 6,64 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cho biết: “Sản xuất lúa năm 2023 trên địa bàn tỉnh có xu hướng chuyển dịch mạnh, tăng diện tích lúa chất lượng, giảm lúa thường. Các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào thay thế một phần các giống gieo cấy lâu ngày năng suất cao bị thoái hóa; tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất lúa đặc sản như: Nếp cái hoa vàng, nếp quýt, nếp xoắn; vùng sản xuất lúa rươi hữu cơ.
Theo thống kê, năm 2023 trên địa bàn gieo cấy 108.325 ha lúa, năng suất bình quân đạt 63,23 tạ/ha, sản lượng 684.979 tấn. Giá bán trung bình từ 10.000-13.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng 25%.
Bà Mạc Thị Ðan, ở xã Hiệp Hòa, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) chia sẻ: “Gia đình tôi có bốn sào trồng lúa, năm vừa qua thời tiết thuận lợi, do đó năng suất đạt cao, lúa cũng được giá cho nên nông dân chúng tôi phấn khởi lắm! Mỗi sào lúa cho năng suất 2,5 tạ, sau hai vụ gia đình tôi thu hoạch 20 tạ lúa với giá bán một triệu đồng/tạ cho thu nhập 20 triệu đồng”.
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu diện tích sản xuất lúa cả nước đạt 7,1 triệu ha, trong đó chú trọng thâm canh tăng năng suất để đạt sản lượng từ 43-43,5 triệu tấn. Trên cơ sở đó, các địa phương cần thực hiện tốt Ðề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lúa chuyên canh quy mô lớn, chất lượng cao gắn với hợp tác, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị; nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị trước hết đối với sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Ngoài ra, cần sử dụng linh hoạt đất lúa để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; hướng dẫn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn, trọng tâm sang rau đậu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, cần tăng cường dự báo và phòng chống kịp thời, không để sinh vật gây hại phát sinh thành dịch, gây hại trên diện rộng; thúc đẩy sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; mở rộng mô hình liên kết, sử dụng phân bón hữu cơ tiết kiệm, hiệu quả.