Dấu ấn ngày Giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

NDO - Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến luôn là cảm hứng sáng tác vô tận cho các văn nghệ sĩ. Đặc biệt, những năm tháng chiến tranh, trước và sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, đã để lại dấu ấn trong hàng trăm tác phẩm nghệ thuật ở mọi thể loại, trong đó có âm nhạc. Nhiều tác phẩm đã trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong sự đón chào của người dân Thủ đô ngày 10/10/1954. (Ảnh: chụp màn hình)
Hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong sự đón chào của người dân Thủ đô ngày 10/10/1954. (Ảnh: chụp màn hình)

Sáng tinh mơ ngày 10/10/1954, đông đảo nhân dân các tầng lớp ở Hà Nội tập trung hai bên các con đường mà đoàn quân giải phóng sẽ đi qua, với cờ hoa rực rỡ, hân hoan hồi hộp đón chờ. Các em học sinh tiểu học của các trường trong thành phố đã được tập và thuộc hết, đang hát vang các bài ca cách mạng như “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, “Hà Nội yêu dấu” của Hoàng Cầm và một số bài của các nhạc sĩ trong thành Hà Nội, nhất là bài “Hà Nội giải phóng” của thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Văn Quỳ... Ngoài ra còn có các bài: “Về Thủ đô” của Tô Vũ, “Thủ đô vui đón các anh” của Anh Vũ, “Đêm trăng nhớ Hà Nội” của Nguyễn Đức Toàn…

Khắp nơi, các nhạc sĩ, nhạc công Hà Nội đã mang nhạc cụ ra biểu diễn, trong đó có các nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, Nguyễn Đình Thanh, Nguyễn Trần Giư, Tu My.

Hơn 2 tháng sau, ngày 1/1/1955, người dân Hà Nội được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về Thủ đô. Các nhạc sĩ Việt Nam đã có những bài ca rất xúc động về sự kiện này, tiêu biểu là các bài: “Bác đã về Thủ đô của Lê Yên, Thủ đô thân mến của Nguyễn Xuân Khoát, “Bài ca Hà Nội’ của Xuân Oanh - lời thơ Đào Anh Kha.

“Tiến về Hà Nội”: Ca khúc dự báo ngày chiến thắng:

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1949 nhưng đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về Thủ đô ngày chiến thắng”.

Dấu ấn ngày Giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc ảnh 1

Nghe những lời ca như thế này: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”, ai cũng nghĩ đây là bài hát được viết vào thời điểm Giải phóng Thủ đô 10/10.

Nhưng thực tế, bài hát này được nhạc sĩ Văn Cao viết từ trước đó tới 5 năm. Và cho đến bây giờ, “Tiến về Hà Nội” vẫn là một trong những ca khúc biểu tượng của Thủ đô, và là ca khúc dự báo kỳ diệu, với lời ca dường như mô tả chính xác không khí hân hoan hạnh phúc của ngày Giải phóng Thủ đô.

Với lời ca hào hùng, khí thế và sôi nổi, ngày nay, bài hát vẫn thường vang lên trong những dịp kỷ niệm ngày mùng 10/10 như một "khúc ca khải hoàn" của người Hà Nội.

Dấu ấn ngày Giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc ảnh 2

Nhạc sĩ Văn Cao năm 1947. Ảnh: Trần Văn Lưu. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III)

Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao đã từng chia sẻ về hoàn cảnh xuất xứ của ca khúc này: “Khi về tới chợ Đại, chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác, lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng phần nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội. Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo”. Đó là vào cuối năm 1948, khi gặp nhau tại cuộc họp chi bộ của Liên khu 3, đồng chí Lê Quang Đạo đã gửi gắm nhạc sĩ Văn Cao rằng: "Nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!".

Trong vòng hai tuần sau đó, nhạc sĩ đã viết xong ca khúc “Tiến về Hà Nội”. Bài hát ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh khói lửa mùa xuân năm 1949. Và đến ngày 10/10/1954, bài hát đã vang lên mạnh mẽ, như khúc khải hoàn chào mừng bước chân của những người lính tiến về Thủ đô.

“Người Hà Nội”: Ca khúc ra đời khi “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời”

“Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi cũng là một ca khúc mang tính biểu tượng của Hà Nội.

Bài hát ra đời năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ mới nổ ra được ít ngày, sau khi cả Hà Nội đã lên đường sơ tán theo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, nhằm ca ngợi Hà Nội và những dấu ấn lịch sử lên con người và thành phố trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đang là Đại biểu Quốc hội, có nhiệm vụ ra vào thành vận động trí thức đi theo kháng chiến.

Nhạc sĩ từng kể lại trong Hồi ký của mình: “Bài Người Hà Nội tôi viết đầu năm 1947, dịp gần Tết. Khi đó Hà Nội đang chiến đấu rất quyết liệt. Do công tác, tôi tạt vào làng Khúc Thủy bên bờ sông Nhuệ, đối diện với làng Cự Đà. Bên kia sông là trạm quân y lớn nhất của ta tiếp nhận thương binh từ Hà Nội đưa về. Thời gian ấy, do phân công ở trên, tôi cùng anh Thép Mới, bạn học từ hồi còn ở Trường Bưởi, làm tờ báo Cứu quốc của mặt trận Hà Nội, sau này gọi là Cứu quốc Thủ đô. Tôi rời Hà Nội ra ngoại thành vào đúng đêm 19/12, tức đêm ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội. Phía sau lưng tiếng súng bắt đầu nổ và một cảnh tượng rất hùng tráng hiện ra, sau này đã xuất hiện trong bài hát: “Hà Nội cháy, khói lửa rợp trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng reo…”.

Theo nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, cha anh kể lại rằng, tại thời điểm sáng tác bài “Người Hà Nội”, thực ra ông chỉ biết chơi thành thạo đàn măng-đô-lin còn piano thì chỉ biết mổ cò vài nốt. Thời gian đó, nhạc sĩ cùng cô em vợ là cô Nghĩa tản cư cùng gia đình ở làng Khúc Thủy (Hà Đông, Hà Nội ngày nay) đã sáng tác bài hát dựa trên cây đàn piano của người đi tản cư bỏ lại.

Nhạc sĩ dâng trào cảm xúc từ hình ảnh Hà Nội trong trận chiến, còn cô Nghĩa lắng nghe, lấy giấy bút ghi lại rồi sau đó đệm đàn cho nhạc sĩ. Cô Nghĩa được học đàn piano từ bé, và chơi đàn rất hay. Năm đó, cô Nghĩa mới 17 tuổi. Ca khúc ra đời từ cảm xúc của nhạc sĩ và do em vợ của nhạc sĩ ghi lại từng nốt nhạc.

Trải qua bao năm tháng mà bài hát vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng yêu âm nhạc.

“Sẽ về Thủ đô”: Lời hẹn ngày trở về

Ca khúc “Sẽ về Thủ đô” của nhạc sĩ Huy Du ra đời năm 1948 tại mảnh đất Liên khu Ba, khi Hà Nội đang tạm bị giặc chiếm. Lời ca trong “Sẽ về Thủ đô” là những cảm xúc đẹp trong hoài niệm với những cảnh sắc bình dị và hết sức thân thương của mỗi người khi phải tạm biệt Hà Nội, chuẩn bị lên chiến khu, với mục đích bảo toàn và xây dựng lực lượng cách mạng.

Năm 1948, khi ở Chiến khu Việt Bắc, khi mới ở độ tuổi 20, nhạc sĩ Huy Du sáng tác ca khúc “Sẽ về Thủ đô” với giai điệu, lời ca lãng mạn, tha thiết nhớ thương những con đường, góc phố, hàng cây, dòng sông, cây cầu… quen thuộc. Và nhạc sĩ không quên dự đoán sẽ có ngày trở về giải phóng Thủ đô: “Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù/Năm cửa ô reo vui bước quân ca vang/Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa”.

Lời thề sắt son khi ấy đã trở thành sự thật. Ngày 10/10/1954, nhạc sĩ Huy Du cùng những người con yêu dấu của Thủ đô đã trở về Hà Nội giữa rừng cờ hoa chào đón.

"...Đô thành kháng chiến, sôi sục phố phường

Sông Hồng kia dâng sóng cùng quê hương

Lên đường kháng chiến tiêu diệt quân thù

Năm cửa ô reo bước quân ca vang.

Cất bước ra đi chiều năm xưa

Dặm dài kháng chiến quên ngày về

Bụi đường trường chinh pha mái tóc

Vẫn nhớ khi đi ghi lời thề

Ngày mai sẽ về thủ đô, đắp xây chốn xưa!"

“Hà Nội giải phóng”: Ca khúc ra đời trong chiến thắng

Ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ được sáng tác trong những ngày thu lịch sử của Thủ đô, tháng 10-1954. Khi đó, nhạc sĩ là một giảng viên giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, đồng thời cũng là Ủy viên thường trực Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Nhiệm vụ của ông lúc ấy là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đấu tranh cách mạng của thanh niên nội thành.

Dấu ấn ngày Giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc ảnh 3

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ trong ngày giải phóng. (Hình ảnh từ phim tư liệu)

Nhạc sĩ từng chia sẻ: “Qua tổ chức, từ sau ngày giải phóng Điện Biên, chúng tôi đã biết ngày giải phóng Thủ đô đã đến rất gần. Công tác đón đoàn quân chiến thắng trở về được thanh niên, học sinh Thủ đô chuẩn bị bí mật nhưng hết sức sôi nổi. Các đồng chí lãnh đạo thành đoàn lúc ấy đã đề nghị tôi sáng tác một ca khúc để chuẩn bị mừng ngày giải phóng”.

Khi nhận được tin ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ thì chúng tôi đã biết ngày giải phóng Thủ đô đang đến gần. Tôi và anh Nguyễn Sinh, anh Lê Văn Thành bàn nhau tổ chức đoàn thanh niên và học sinh cứu quốc nội thành đón đoàn quân chiến thắng trở về. Anh Sinh nói với tôi: Quỳ sáng tác những bài về Hà Nội đi. Tôi đã sáng tác một số bài để hát trong ngày giải phóng Thủ đô như: “Hà Nội giải phóng”, “Hoan hô quân đội giải phóng Thủ đô”...

Đúng 7 giờ 30 sáng, ngày 10/10/1954, tôi dẫn đầu ban đồng ca khoảng 200 người, xếp thành hàng bốn với lá cờ đỏ sao vàng xuất phát từ nhà tôi ở số 13 phố Phạm Phú Thứ (nay là phố Nguyễn Quang Bích) tiến về hồ Hoàn Kiếm. Ở bến tàu điện Bờ Hồ, ban đồng ca hát những ca khúc cách mạng Việt Nam và một số bài do tôi sáng tác. Dân chúng từ các phố Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang kéo về mỗi lúc một đông, hòa thành một không khí náo nhiệt, vui tươi, người nào cũng tay cờ, tay hoa cùng nhau vỗ tay hát theo ban đồng ca: “Hoan hô các anh về đây giải phóng Thủ đô”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ

Thực hiện yêu cầu đó và cũng để thỏa mong muốn sáng tác một bài hát thật ý nghĩa về Ngày giải phóng Thủ đô, nhạc sĩ đã nhanh chóng viết xong ca khúc “Hà Nội giải phóng”.

Bài hát sau đó nhanh chóng được phổ biến trong các nhóm thanh niên Cứu quốc Thủ đô rồi được nhân rộng. Sau một thời gian, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã tổ chức được một ban đồng ca khoảng 200 người. Đúng ngày quân ta trở về tiếp quản Thủ đô, 10/10/1954, mang theo cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca của Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội đã tập trung ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, gần Hồ Gươm hát vang những bài ca cách mạng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ cũng chính là người mặc comple màu trắng, đánh đàn guitare, hát trong rừng người với sắc đỏ cờ, hoa hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về trong đoạn phim tư liệu ghi lại ngày 10/10/1954.

“Cảm xúc tháng Mười”: Bài ca 20 năm sau ngày giải phóng

Bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” của nhà thơ Tạ Hữu Yên, sau này được nhạc sĩ Nguyễn Thanh phổ nhạc thành ca khúc là một trường hợp đặc biệt, bởi nó ra đời sau ngày Giải phóng Thủ đô 20 năm.

Năm 1974, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về chủ đề Hà Nội - nhân 20 năm ngày giải phóng Thủ đô. Nhạc sĩ Nguyễn Thành đến "đặt vấn đề" với ông làm một bài thơ để mình phổ nhạc. Nhà thơ Tạ Hữu Yên nhận lời, ông lang thang khắp phố phường Hà Nội để nhặt nhặn từng mảnh ký ức về những ngày tháng cũ. Và, bài thơ rồi bài ca “Cảm xúc tháng mười” ra đời, như sự đồng điệu của hai tâm hồn yêu Hà Nội.

Trong cuộc thi sáng tác ca khúc đó, bài "Cảm xúc tháng mười" đã được trao giải nhất và được chọn để phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

“Ngày về”: Phút giây xúc động ngày trở về

“Cảm xúc tháng Mười” không phải là bài thơ duy nhất về Ngày Giải phóng Thủ đô được phổ nhạc. Nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi ngoài “Người Hà Nội” nổi đình đám, còn có một “Ngày về” trầm lắng hơn, nhưng cũng chứa chan cảm xúc của một người vừa trải qua chiến tranh đầy đau thương mất mát và đã chạm tay vào niềm vui chiến thắng. Bài thơ được sáng tác vào cuối năm 1954 - ít ngày sau khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô.

Sau này, bài thơ được nhạc sĩ Phạm Việt Long phổ nhạc, mang tên “Hà Nội ngày về”.

-------

(Tham khảo từ các nguồn: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò)