Dấu ấn IFAD ở tỉnh cực bắc Hà Giang

NDO -

Hà Giang là tỉnh miền núi nghèo, thuần nông, nằm ở cực bắc của Việt Nam. Từ năm 1998 đến nay, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã tài trợ hơn 45 triệu USD cho tỉnh thực hiện ba chương trình, dự án. Việc lựa chọn một tỉnh nghèo, thuần nông để hỗ trợ thể hiện đúng chiến lược đầu tư của IFAD. Các chương trình, dự án có mục tiêu, hoạt động phù hợp điều kiện thực tế trong từng giai đoạn là động lực lớn giúp Hà Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực, dân trí.

1. Năm 1998, IFAD hỗ trợ Hà Giang thực hiện Dự án Hỗ trợ các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang (HPM), giai đoạn thực hiện từ 1998 - 2004. Thời điểm này, Hà Giang gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, điều kiện hạ tầng thiếu thốn. Do đó, các hoạt động của dự án HPM tập trung hỗ trợ tạo sinh kế, giải quyết các nhu cầu trước mắt, ngắn hạn nhằm nâng cao mức sống, cải thiện tình trạng thiếu lương thực, giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong tâm là đường giao thông nông thôn.

Kết thúc dự án, các mục tiêu đều hoàn thành: Góp phần giúp tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo, trung bình từ 7%/năm; nâng cao năng lực về quản lý, năng lực xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn cho cán bộ các cấp; cải thiện hạ tầng thiết yếu.

Dấu ấn nổi bật của IFAD trong giai đoạn này là góp phần thay đổi tập quán, thúc đẩy chăn nuôi trâu, bò ở các huyện vùng cao. Trước năm 1998, việc chăn nuôi trâu, bò của người dân vùng cao gặp khó khăn do khan hiếm nguồn thức ăn, nhất là trong mùa đông.

Bà Đào Thị Lan Anh, cán bộ làm việc lâu năm tại các dự án do IFAD tài trợ, hiện là Giám đốc Ban điều phối Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) Hà Giang, nhớ lại: Năm 1999, dự án HPM tài trợ thực hiện mô hình “trồng cỏ chăn nuôi” tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ) và Pả Vi (Mèo Vạc). Người dân được hỗ trợ giống, được hướng dẫn kỹ thuật để trồng cỏ Goa-tê-ma-la. Cây cỏ phát triển tốt, giữ cỏ qua mùa đông cho nên đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn gia súc trong cả năm. Mô hình thành công, để nhân rộng, liên tiếp ba năm sau đó, dự án tiếp tục hỗ trợ giống, kỹ thuật cho tất cả các huyện, thành phố trồng cỏ Goa-tê-ma-la. Diện tích cỏ tăng nhanh, đáp ứng nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Từ khi trồng cỏ, người dân đã xóa bỏ tập quán chăn nuôi truyền thống, từ thả rông gia súc sang chăn nuôi nhốt chuồng, hạn chế được tình trạng trâu, bò chết do đói và rét”.

Từ một vài héc-ta cỏ ở Mèo Vạc và Quản Bạ, giờ đây Hà Giang có diện tích cỏ phục vụ chăn nuôi vào hạng lớn nhất cả nước, hơn 24 nghìn ha, đáp ứng cơ bản nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

2. Năm 2005, IFAD tiếp tục có mặt tại Hà Giang để hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án phân cấp giảm nghèo nông thôn tỉnh Hà Giang (DPPR), giai đoạn 2005 - 2011. Ông Bế Xuân Đại, nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án DPPR tỉnh Hà Giang cho biết: Chiến lược đầu tư của dự án là phân cấp, giao quyền để thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo. Hình thức đầu tư chuyển từ cho không, sang hỗ trợ có điều kiện, cho vay quay vòng. Người dân muốn tiếp cận nguồn đầu tư của dự án phải có cam kết và góp vốn nhằm nâng cao trách nhiệm.

Trên cơ sở chiến lược đầu tư, hình thức đầu tư, dự án hỗ trợ các xã thành lập các quỹ phát triển sản xuất; nhóm tín dụng tiết kiệm để xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ cho vay vốn quay vòng.

Kết thúc chu kỳ đầu tư, đã hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng cho 45 xã nghèo thành lập quỹ phát triển sản xuất, hơn 7.580 lượt hộ được vay vốn thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; mua giống mới, phân bón. Dự án đã giải ngân hơn sáu tỷ đồng để thành lập 275 nhóm tín dụng tiết kiệm, 5.000 thành viên tham gia, chủ yếu là phụ nữ nghèo. Đến nay, quỹ phát triển sản xuất, các nhóm tín dụng tiết kiệm vẫn được duy trì, phát huy hiệu quả với hàng chục lượt hộ được vay để đầu tư ngắn hạn.

Năm 2013, huyện Xín Mần đã thành lập “Quỹ phát triển sản xuất thôn bản”, nguồn vốn được huy động từ vốn góp của dân, vốn quỹ tín dụng tiết kiệm, vốn quỹ đầu tư có thu hồi do dự án DPPR đầu tư trong giai đoạn 2005 - 2011. Ông Ngô Văn Tăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xín Mần cho biết: “Hiện nay, tất cả các thôn ở Xín Mần đều có quỹ phát triển sản xuất với tổng vốn 24 tỷ đồng. Người dân được vay vốn nhanh gọn, kịp thời để giải quyết nhu cầu đầu tư ngắn hạn, như mua giống cây, giống con, phân bón. Việc quản lý quỹ, xây dựng mức lãi suất đều do dân quyết định nên người dân đều có ý thức sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả đầu tư. Đã có hơn 6.000 lượt hộ nghèo được tiếp cận vay vốn để phát triển sản xuất”.

Trong giai đoạn này, việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn được triển khai theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Dự án đã hoàn thành xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình, giải quyết tình trạng giao thông đi lại khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất, cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh.

Đáng chú ý, qua việc phân cấp, giao quyền thực hiện các hoạt động đầu tư, năng lực cán bộ xã, thôn ở các huyện vùng dự án được nâng lên, nhất là năng lực quản lý đầu tư, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế. Người dân cũng nâng cao nhận thức, họ đã tự quyết định, lựa chọn hướng phát triển phù hợp với điều kiện địa phương, giải quyết được những khó khăn của chính gia đình mình.

3. Hiện nay, tỉnh Hà Giang đang thực hiện Chương trình CPRP, giai đoạn thực hiện 2015 - 2020. Mục tiêu chiến lược của chương trình là thúc đẩy phát triển hàng hóa theo các chuỗi giá trị để giảm nghèo bền vững, phù hợp với năng lực của người dân và đáp ứng sự phát triển của thị trường.

Dự án tập trung nguồn lực để hỗ trợ tỉnh Hà Giang xây dựng các chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Hiện nay, có mười kế hoạch chuỗi giá trị được phê duyệt, triển khai, đó là các chuỗi giá trị: Chè, cam, gỗ rừng trồng, trâu bò, mật ong, thảo quả, lạc, lợn, cá, lúa chất lượng cao.

Ngày 18-5 vừa qua, tỉnh Hà Giang đã đón nhận chỉ dẫn địa lý và đăng ký nhãn hiệu bản quyền cho sản phẩm thịt bò vùng cao. Từ đây, sản phẩm thịt bò vùng cao được bảo hộ, giá trị được nâng lên. Đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động mà dự án CPRP đầu tư giúp tỉnh thực hiện chuỗi giá trị trâu bò. Đã có nhiều hoạt động được triển khai như: Xây dựng đề án phát triển chăn nuôi, giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch nâng cao giá trị bò vàng vùng cao nguyên đá Đồng Văn; hỗ trợ cho hơn 264 hộ gia đình vay vốn để làm chuồng gia súc, gắn với xử lý nước thải; thành lập 169 nhóm và tài trợ cho 80 nhóm cùng sở thích chăn nuôi trâu, bò.

Qua ba dự án do IFAD đầu tư, các hoạt động như hỗ trợ người dân trồng cỏ chăn nuôi; hỗ trợ người dân vay vốn mua trâu, bò sinh sản đến việc đầu tư vào chuỗi giá trị đã giúp tỉnh Hà Giang đạt được mục tiêu tăng tổng đàn đại gia súc hằng năm. Đến nay, tỉnh đã có hơn 290 nghìn con trâu, bò; sản lượng trâu bò thịt hơi xuất chuồng đạt hàng chục nghìn tấn/năm, cải thiện thu nhập cho người chăn nuôi ở vùng cao.

Vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến trong sản xuất hàng hóa là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị hàng hóa. IFAD và tỉnh có những cơ chế, hoạt động thu hút khu vực này tham gia chuỗi giá trị nông, lâm sản thông qua hoạt động hợp tác công tư (P-PC). Hiện nay, chương trình ký được tổng số 25 hợp đồng, trong đó có 12 hợp đồng P-PC cấp tỉnh với các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp và 13 hợp đồng P-PC cấp huyện với các hộ kinh doanh đối với những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như: chế biến gạo; gỗ rừng trồng; chè; mật ong; thịt bò; cam sành; thảo quả; lạc .....

HTX Tuấn Băng, xã Nà Trì, huyện Xín Mần được thành lập năm 2006, ngành nghề chính là sản xuất, chế biến chè. Trước kia, dây chuyền chế biến công suất thấp nên HTX chỉ thu mua phần nhỏ sản lượng chè búp tươi của người dân.

Ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Băng cho biết: “Vùng nguyên liệu chè ở ba xã Nà Trì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên là 1.500 ha. Với vùng nguyên liệu này, HTX đứng trước có cơ hội để đầu tư phát triển. Do đó, chúng tôi có ý tưởng mở rộng dây chuyền chế biến nhằm tiêu thụ hết sản lượng chè búp tươi cho nhân dân. Tuy nhiên, bước khởi đầu khó khăn vì nguồn vốn của HTX hạn chế. Năm 2017, nút thắt này được tháo gỡ khi chúng tôi tiếp cận với Chương trình CPRP, ký hợp đồng P-PC và được hỗ trợ hơn hai tỷ đồng. Cùng với nguồn lực tự có, HTX đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến chè hiện đại, công suất chế biến từ 10 đến 15 tấn chè búp tươi/ngày, đáp ứng thu mua hết sản lượng chè trong khu vực”.

Theo cam kết của hợp đồng P-PC, HTX Tuấn Băng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 256 hộ dân tại ba xã trồng chè trong khu vực. Các hộ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm được HTX hướng dẫn kỹ thuật, kinh phí để chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn chè sạch, chè hữu cơ.

Năm 2018, HTX thu mua hơn 1.500 tấn chè búp tươi cho nhân dân, giá bình quân từ tám đến 10 nghìn/kg. Ông Phan Thanh Tuấn khẳng định: “Được tiếp cận với chương trình CPRP, HTX cũng được hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất lâu dài, bền vững, được hỗ trợ tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm, nhất là mối liên kết chặt chẽ với người trồng chè, bảo đảm nguồn nguyên liệu đáp ứng dây chuyền sản xuất”.

Người trồng chè như ông Lục Hải Đường, thôn Tân Sơn, xã Nà Trì cũng được hưởng lợi từ dự án. Trước kia, đồi chè hơn 1ha của gia đình ông Đường năng suất thấp, đầu ra không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Ông Đường cho biết: “Sau khi ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với HTX Tuấn Băng, tôi được hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chăm sóc, thu hái, đến vận chuyển chè búp tươi nên sản lượng chè cao hơn khoảng 20% so với trước, chất lượng cũng được nâng lên. HTX cam kết và đã thực hiện cam kết thu mua hết sản lượng chè búp tươi với giá ổn định nên với 1ha chè, gia đình tôi cũng có nguồn thu ổn định 25 triệu đồng/năm”.

Đến nay, các doanh nghiệp/HTX/hộ kinh doanh đã ký hợp đồng P-PC cơ bản thực hiện xong việc nâng cấp thiết bị, nhà xưởng, nhà kho để mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ nông, lâm sản cho nhân dân. Đã có gần hai nghìn hộ được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, được hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí để đầu tư sản xuất. Chất lượng sản phẩm được cải thiện, giá trị sản phẩm được nâng lên với giá cao hơn từ 10 đến 20% so với trước khi có hợp đồng P-PC. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất của các hộ dân có tính bền vững hơn do áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.

4. Qua ba dự án đầu tư vào Hà Giang, IFAD đã đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đối với người dân vùng cao, đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ năm 1998 - 2019 đã có tổng cộng 191 trong số 195 xã, thị trấn ở 11 huyện, thành phố được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư của IFAD, tạo sự chuyển biến tích cực trên diện rộng, nhiều lĩnh vực.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến khẳng định: “Các dự án do IFAD đầu tư góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành phát triển kinh tế cho đội ngũ cán bộ. Phương pháp tiếp cận, nội dung triển khai phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của dự án luôn đi trước, với cách làm tiên tiến, hiệu quả là bài học kinh nghiệm cho tỉnh duy trì, tổ chức thực hiện. Tại những thôn, xã, huyện được IFAD hỗ trợ đạt mục tiêu giảm nghèo trung bình 7%/năm, cao hơn so với các địa phương ngoài vùng dự án”.

Dù đã có sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhưng Hà Giang vẫn rất cần có sự đầu tư để giải quyết những khó khăn trong sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị, nhất là việc khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Do đó, đề nghị IFAD và Chính phủ Việt Nam cần sớm thống nhất để thông qua chương trình hợp tác giai đoạn 2020 - 2025 để Hà Giang tiếp tục được tiếp nhận nguồn lực đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, để phù hợp với sự phát triển sản xuất nông nghiệp và công tác giảm nghèo ở Hà Giang nói riêng, Việt Nam nói chung, chiến lược đầu tư của IFAD trong giai đoạn tới cần tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng liên kết vùng; sản xuất hàng hóa theo hướng tiếp cận thị trường; chuyển đổi hình thức đầu tư, trong đó tập trung đầu tư vào các “đầu tàu” là doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm sản để giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động và thúc đẩy sản xuất hàng hóa.