Dấu ấn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong “Đứng lên và Cất tiếng”

NDO -

Chặng đường lịch sử 97 năm của Báo chí Cách mạng Việt Nam được giới thiệu tới người xem trong Trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng”, do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức, vừa khai mạc sáng 18/5.

Các cựu tù chính trị cùng thế hệ trẻ trong lực lượng vũ trang tham quan triển lãm.
Các cựu tù chính trị cùng thế hệ trẻ trong lực lượng vũ trang tham quan triển lãm.

Trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng” hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022).

Tại Trưng bày, một số dấu ấn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong 97 năm qua đã được điểm lại, với vai trò sáng lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà báo lỗi lạc, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà. Những lời dạy của Người đã trở thành bài học giá trị để báo chí cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc.

Học tập và làm theo lời Bác, các nhà báo-chiến sĩ đã luôn dùng ngòi bút làm “vũ khí mềm” để đấu tranh và cất cao tiếng nói dân tộc dù ở nơi ngục tù tăm tối hay chiến trường khốc liệt. Nhiều sản phẩm báo chí đặc biệt đã được các nhà báo-chiến sĩ cho ra đời trong nhiều nhà tù, chiến trường.

Dấu ấn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong “Đứng lên và Cất tiếng” -0
 Hoạt cảnh các nhà báo-chiến sĩ trong tù.

Trưng bày gồm hai nội dung “Tiếng nói dân tộc” và “Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng”. Phần “Tiếng nói dân tộc” thể hiện một số dấu ấn lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên.

Nội dung thứ 2: Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng được thể hiện qua 3 tiểu mục Tiểu mục “Vì nước dấn thân” kể về những nhà báo, chiến sĩ can trường trên chiến trường khốc liệt. Vì Tổ quốc, họ sẵn sàng vượt qua mọi gian khó để đưa đến những tác phẩm chân thực, phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến. Dưới những chiến hào là những tòa soạn báo đặc biệt với phương thức làm báo sáng tạo như báo hầm, báo liếp, báo in... luôn cập nhật những tin tức mới nhất, kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần cho các chiến sĩ quyết tâm giành chiến thắng.

Tiểu mục “Hóa thân cho Tổ quốc” nêu bật những phóng viên lên đường ra trận và đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Hiện nay, mới có 511 nhà báo, liệt sĩ được ghi nhận đầy đủ thông tin, còn rất nhiều các nhà báo đã ngã xuống với sứ mệnh cao cả trên vai nhưng chưa tìm được danh tính.

Nhiều phóng viên hy sinh khi lao vào nguy hiểm để có được những thước phim, bức ảnh chân thực. Có người hy sinh khi trên tay còn ôm hộp phim. Máu của các nhà báo-liệt sĩ thấm trong mỗi tin tức được gửi về từ chiến trường khốc liệt, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Trưng bày giới thiệu tới công chúng 10 tấm gương nhà báo, liệt sĩ như nhà báo-liệt sĩ Trần Mai Ninh, nhà báo-liệt sĩ Trần Kim Xuyến, nhà báo-liệt sĩ Bùi Đình Túy, nhà báo-liệt sĩ, Anh hùng LLVT Lê Đình Dư, nhà báo-liệt sĩ Tô Chức, nhà báo-liệt sĩ Phạm Thị Ngọc Huệ, nhà quay phim-liệt sĩ Nguyễn Văn Giá, nhà báo-liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, nhà báo-liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, nhà báo-liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh.

Dấu ấn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong “Đứng lên và Cất tiếng” -0
 Báo Nhân Dân số ra năm 1953, được trưng bày bằng kẹp tài liệu tay kéo.

Tiểu mục “Vì dân cất tiếng” là một  không gian trưng bày sáng tạo, với những hiện vật gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam được giới thiệu trong cụm tủ hiện vật khoét rỗng kết hợp ray kéo, tạo trải nghiệm mới mẻ, du khách có thể kéo các ray kéo ra để xem hiện vật bên trong.

Dấu ấn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong “Đứng lên và Cất tiếng” -0
 Máy ảnh của phóng viên tình báo Chu Quốc Tuấn.

Tại lễ khai mạc, khách tham quan được xem hoạt cảnh về các chiến sĩ Cách mạng hoạt động trong các nhà tù, do Ban Quản lý khu di tích thực hiện.

Trưng bày kéo dài đến hết ngày 31/12 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.