Dấu ấn 250 triệu tấn dầu

Vào lúc 18 giờ 18 phút ngày 15/5/2024, Vietsovpetro đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử hoạt động của mình, khi khai thác thành công tấn dầu thứ 250 triệu. Ðây là thành quả to lớn, công lao đóng góp của nhiều thế hệ người lao động Vietsovpetro trong suốt gần 43 năm qua và của ngành dầu khí.
0:00 / 0:00
0:00
Cụm nhà giàn của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro trên Biển Ðông.
Cụm nhà giàn của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro trên Biển Ðông.

Ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm khu công nghiệp dầu khí tại Bacu, thủ đô dầu mỏ của Liên Xô lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu…".

Câu nói thể hiện mong ước cháy bỏng của Người về tương lai nền công nghiệp dầu khí Việt Nam. Mong ước ấy đã trở thành khát vọng của nhiều thế hệ những người làm công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên mọi miền đất nước. Ngày 19/6/1981, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được ký kết, đánh dấu sự ra đời của Vietsovpetro - người điều hành công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam cho đến hiện nay.

Triển khai Hiệp định, ngày 19/11/1981, Vietsovpetro chính thức đi vào hoạt động, bắt đầu nghiên cứu tài liệu địa chất, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa nam Việt Nam. Cuối năm 1983, giếng thăm dò đầu tiên, giếng BH-5 được bắt đầu khoan và giữa năm 1984 đã phát hiện dòng dầu công nghiệp từ Miocen dưới mỏ Bạch Hổ.

Ngày 26/6/1986, dòng dầu công nghiệp đầu tiên từ thềm lục địa Việt Nam đã được đón nhận. Liên doanh Vietsovpetro đã phát hiện được trữ lượng dầu thương mại tại mỏ Bạch Hổ và nhanh chóng phát triển mỏ này.

Trong vòng hơn 5 năm, những người làm công tác dầu khí ở Vietsovpetro đã biến những tấn dầu trong "sách vở", trong tư duy tưởng tượng của các nhà địa chất thành những tấn dầu hiện thực, từ trong lòng đất, đưa lên hệ thống công nghệ để thu gom, vận chuyển, xử lý thành những tấn dầu thương phẩm, xuất bán và mang về những đồng ngoại tệ quý giá cho đất nước.

Kể từ sự kiện này, sản lượng dầu thô khai thác của Liên doanh Vietsovpetro liên tục tăng. Năm 1990, Vietsovpetro đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 5 triệu; năm 1992: 10 triệu tấn dầu; năm 1993: 20 triệu tấn dầu; năm 1997: 50 triệu tấn dầu; năm 2001: 100 triệu tấn dầu; năm 2005: 150 triệu tấn dầu; năm 2012: 200 triệu tấn dầu. Ðây là những bước tiến khổng lồ đối với một liên doanh có vốn đầu tư ban đầu chỉ 1,5 tỷ USD.

Ông Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Trong 43 năm hình thành, xây dựng và phát triển, thành công của Vietsovpetro đã đặt nền móng và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí, điện, đạm tại Việt Nam, tạo nền tảng để ngành dầu khí có thể phát triển như ngày nay, trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước.

"Thành công của Vietsovpetro là minh chứng cho tầm nhìn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và chúng ta có quyền tự hào và tự tin báo công đến Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, ngành dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hiện thực hóa mong ước của Người", Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xúc động nói.

Bắt đầu từ việc cương quyết bảo vệ luận điểm khoan giếng BH-4 ở phía bắc mỏ Bạch Hổ, với chiều sâu thiết kế đến 3.500m, qua bề mặt "móng âm học" đến 400m (được dự báo ở chiều sâu 3.100m). Kết quả, đã mở ra chín tập vỉa cát kết chứa dầu thuộc Oligocen với tổng lưu lượng dầu khi thử vỉa đạt hơn 900m3/ngày.

Từ kết quả tốt ở giếng khoan BH-4, để tiếp tục thăm dò các vỉa chứa dầu bên dưới tập sét D, ở khối Trung tâm mỏ Bạch Hổ đã khoan đồng thời hai giếng khoan BH-3 và BH-1, với độ sâu thiết kế được hiệu chỉnh gia tăng theo kết quả giếng khoan BH-4, qua bề mặt "móng âm học" từ 100-300m nhưng… không thành công.

Không bỏ cuộc, đầu năm 1987 Vietsovpetro đã tiến hành khoan giếng BH-6 tại khu vực Yên Ngựa, giữa hai khối nâng phía bắc và trung tâm (khu vực MSP-9 hiện nay). Khi khoan qua mặt móng, giếng khoan đã liên tục mất dung dịch và kết quả thử vỉa vào ngày 11/5/1987 đã cho dòng dầu tự phun không lẫn nước với lưu lượng gần 500m3/ngày.

Sau khi nhận được kết quả từ giếng BH-6, Vietsovpetro đã quyết định sửa giếng và gọi dòng lại tầng móng giếng BH-1. Thành công đã đến vào sáng ngày 6/9/1988, trong quá trình rửa giếng ở đoạn cuối thì dòng dầu lên mạnh, áp suất đầu giếng khoảng 110 at, lưu lượng không đo được nhưng ước tính có thể lên đến 2.000 tấn/ngày.

Giếng khoan lập tức được đưa vào khai thác. Hàng loạt sự kiện xảy ra về sau đã khẳng định việc phát hiện và đưa vào khai thác thành công thân dầu trong đá móng nứt nẻ trước Ðệ Tam ở mỏ Bạch Hổ đã làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng tìm kiếm thăm dò dầu khí mới, vô cùng quan trọng ở bể Cửu Long nói riêng và ở thềm lục địa Việt Nam nói chung, đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí thế giới. Năm 2012, Vietsovpetro đã khai thác được 200 triệu tấn dầu.

Ðể hướng tới cột mốc 250 triệu tấn, các cán bộ, người lao động của Vietsovpetro đã chăm chỉ, cần mẫn làm việc, mở rộng thăm dò. Ðến năm 2023, tổng số giếng khoan thăm dò của Vietsovpetro là 135 giếng, xây dựng và đưa vào hoạt động 18 giàn đầu giếng, sản lượng bổ sung lên đến 500.000 tấn mỗi năm.

Ông Vũ Mai Khanh, Tổng Giám đốc Vietsoveptro cho biết: Ðể đi đến được cột mốc 250 triệu tấn dầu này, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Liên doanh Việt-Nga đã trải qua 15.700 ngày làm việc tính từ thời điểm thành lập (ngày 19/6/1981) và 13.838 ngày khai thác tính từ ngày khai thác tấn dầu đầu tiên (ngày 26/6/1986). Trong 15.700 ngày đó, một căn cứ dịch vụ dầu khí hoàn thiện với 42,7 ha đã được kiến tạo, 3.120.486m khoan vào lòng đất đã được triển khai, 694 nghìn tấn kết cấu (bao gồm giàn khoan, đường ống và cáp điện ngầm) đã được xây dựng lắp đặt, là 7.956.048 tấn hàng hóa đã được vận chuyển, 76.307 chuyến bay đã được thực hiện, và rất nhiều nỗ lực và thành tựu khác không thể thống kê bằng các con số thông thường.

"Ðó là kết quả của những khó khăn, gian khổ, hy sinh và cả mất mát của nhiều thế hệ cán bộ đến từ nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, Liên bang Nga, Azerbaizan; là sự quan tâm, định hướng hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ hai quốc gia; của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu", ông Vũ Mai Khanh nói.