"Đất thép thành đồng" vững vàng đi lên

Sau 55 năm được phong tặng danh hiệu "Ðất thép thành đồng" (17/9/1967-17/9/2022), huyện Củ Chi đã và đang "thay da đổi thịt" mỗi ngày, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao…
0:00 / 0:00
0:00
Nuôi cấy mô giống hoa lan tại phòng thí nghiệm Khu Nông nghiệp công nghệ cao, huyện Củ Chi. (Ảnh Cao Tân)
Nuôi cấy mô giống hoa lan tại phòng thí nghiệm Khu Nông nghiệp công nghệ cao, huyện Củ Chi. (Ảnh Cao Tân)

Nơi "Ðất thép thành đồng" này, mỗi tấc đất, mỗi nóc nhà đều thấm đẫm những câu chuyện về sự hy sinh, về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh đi trước.

Quá khứ hào hùng

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Củ Chi là vành đai ở cửa ngõ tây bắc Sài Gòn, giữ vị thế chiến lược quan trọng, nằm trong vùng oanh kích tự do "Tam giác sắt" của địch. Nhắc đến Củ Chi là nhắc đến "vành đai đỏ", "vùng đất lửa", "vùng đất trắng" hay "vùng đất thép". Ðây là một địa bàn chiến lược, là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy và Quân khu Sài Gòn-Gia Ðịnh. Xác định "Củ Chi còn, Sài Gòn mất", nên từ năm 1966-1967, Mỹ đã thực hiện nhiều trận càn quét, liên tiếp dội hàng nghìn tấn bom, hóa chất các loại xuống Củ Chi. Tính trung bình, mỗi mét vuông đất Củ Chi chứa 3kg mảnh bom pháo, 100,24gram chất hóa học, nhiều nhất là dioxin.

Ðể đánh địch, người dân Củ Chi tự tạo ra muôn vàn hầm chông, hố đinh, các loại chông tre, chông sắt với nhiều hình thù, kiểu dáng, được đặt ở bất cứ nơi nào địch lui tới, trở thành nỗi ám ảnh đối với Mỹ-ngụy, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. Người Củ Chi đã biến toàn bộ không gian sinh sống của mình trở thành chiến hào đánh địch. Hệ thống địa đạo hình thành nên hệ thống phòng thủ dưới lòng đất nối liền các xã, ấp với nhau, mở ra hàng trăm cánh cửa bí mật là nơi những xạ thủ du kích bắn tỉa ở khắp mọi nơi…

Với tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo trong đánh giặc Mỹ, quân và dân Củ Chi đã vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu cao quý "Ðất thép thành đồng" và tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng ba tại Ðại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng võ trang nhân dân giải phóng toàn miền nam lần thứ hai vào ngày 17/9/1967.

Với ý chí kiên cường "Một tấc không đi, một ly không rời", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân, dân Củ Chi luôn kiên cường trước mọi thử thách, gian lao, dù gian khổ, hy sinh vẫn kiên trì bám trụ, bám làng chiến đấu, quyết không làm nô lệ, quyết không chịu mất nước, tất cả vì độc lập, tự do. Vành đai diệt Mỹ Củ Chi trở thành vành đai lớn nhất, điển hình nhất, hoạt động hiệu quả nhất trên toàn chiến trường miền nam Việt Nam, tập trung nhiều nhất các loại hình chiến tranh nhân dân đã đập tan mọi âm mưu của quân xâm lược.

Mức sống người dân không ngừng được nâng cao

Bước ra khỏi cuộc kháng chiến cứu nước, toàn huyện Củ Chi có 35.000 hộ gia đình chính sách; 2.128 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 33 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; hơn 10 nghìn liệt sĩ... Trong hòa bình, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân Củ Chi vững lòng tin theo Ðảng, luôn phát huy truyền thống anh hùng, bám đất, bám dân, gắn bó máu thịt với dân; toàn dân chung sức đồng cam cộng khổ, cần cù, sáng tạo để tái thiết và xây dựng quê hương.

Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương bạn, Ðảng bộ và các thế hệ lãnh đạo huyện Củ Chi luôn khẳng định quyết tâm, khát vọng phát triển với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đưa ra các quyết sách, giải pháp phù hợp trong mỗi thời kỳ, đáp ứng kịp thời những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, tìm ra hướng đi cho riêng mình, giúp Củ Chi phát triển nhanh ở nhiều lĩnh vực. Năm 2015, Củ Chi là huyện ngoại thành đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới.

Những khu công nghiệp với nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất hiện đại; khu nông nghiệp công nghệ cao, các khu trồng rau sạch, trồng hoa lan, nuôi cá kiểng, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP… xuất hiện giúp mô hình phát triển kinh tế của Củ Chi khá đa dạng, không còn là địa phương thuần nông. So sánh năm 2010 với thời điểm hiện tại, tỷ trọng ngành nông nghiệp từ 16,8% giảm xuống còn 7,6%; công nghiệp từ 69,61% tăng lên hơn 77,5%; thương mại và dịch vụ từ 13,59% tăng lên hơn 16%.

Trong hai năm 2020-2021, Củ Chi đã vượt qua đại địch Covid-19, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội".

Thu nhập bình quân trên đầu người vào năm 2010 của Củ Chi là 21 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2015 đã đạt 40 triệu đồng/người/năm và đến năm 2022 đạt 63,6 triệu đồng/người/năm. Ðời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hóa của người dân chuyển biến tích cực.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, trong tám tháng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt hơn 55.791 tỷ đồng, tăng 30,25% so cùng kỳ năm 2021, đạt 73,44% kế hoạch năm. Hoạt động thương mại và dịch vụ đạt doanh thu hơn 15.408 tỷ đồng, tăng 23,37% so với cùng kỳ, đạt 73,76% kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện gần 1.526 tỷ đồng, đạt hơn 124,4% so với chỉ tiêu pháp lệnh, tăng hơn 74,4% so với cùng kỳ năm 2021.