Bài 2: Tinh thần lạc quan và những khoảnh khắc trên mặt trận
“Giữa hai đợt chiến đấu thắng lợi, mặc dù bận rộn, nhưng chúng tôi vẫn cầm bút kể lại với các anh bước đầu “làm ăn” và những xúc cảm mạnh mẽ của những người cầm “vũ khí máy ảnh” nơi chiến trường giữa hai mùa lập công”, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính kể.
Ngay từ lúc khoác ba lô, đeo súng, đeo máy ảnh hòa mình trong đoàn quân ra trận, chúng tôi vừa háo hức, nhưng cũng lo lắng, làm sao có thể phản ánh được một phần chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam!
Cái quyết liệt của cuộc chiến được biểu thị ngay từ lúc bộ đội ta kiên trì bám địch; ngày đêm dai dẳng trên đầu là “đàm bà”, “cán gáo”, bom bi, bom B52... Sau những trận bom B52 là những trận bom không nổ, những tờ truyền đơn kêu gọi sự sống thấp hèn.
Ống kính chúng tôi đã kịp ghi được những bàn chân đi dép xéo lên những tờ truyền đơn trắng bệch, tương phản với mầu đen nham nhở của những hố bom B52. Vượt lên trên sự hủy diệt là sự sống mãnh liệt, là những nụ cười dễ thương trên khuôn mặt anh giải phóng trẻ tuổi, trên đôi mắt dịu hiền của chị du kích vành đai dày dặn khói lửa.
Một chiến sĩ vừa chỉ đường cho xe tăng của ta đi qua, anh cúi xuống nâng niu vuốt lại từng nhánh cỏ non mùa xuân, xe tăng Đại đội 5 dừng lại ở một khu rừng. Chỉ chốc lát, chúng tôi đã nhìn thấy từng cụm phong lan, có cụm đã nở những nhành hoa trắng muốt, tỏa hương ngào ngạt được treo lủng liểng trên nòng pháo, trên dàn ngụy trang.
Một đại đội pháo binh vừa “cơ động” sau những trận nã pháo chính xác vào căn cứ địch, các chiến sĩ vừa dừng chân đã bẫy được những chú sóc nâu, những chú khiếu hót hay, lảnh lót. Anh em thức cả buổi trưa đan những chiếc lồng xinh xắn treo chúng trước nòng pháo. Thậm chí, có khẩu đội đã nuôi cả đàn ong mật trong thùng lương khô đã bỏ. Khi pháo gầm lên, ong chui vào tổ, pháo bắn xong, ong bay ra tíu tít. Những “pô” ảnh được lưu lại trong “công viên lưu động” dưới tầm B52 này đã làm chúng tôi xúc động tận đáy lòng.
Anh Gia Bình, cán bộ tuyên huấn đoàn X, Quân Giải phóng, một người thích làm thơ và hay chụp ảnh. Một lần đi bám địch trong “vành đai” về, ghé qua một đơn vị du kích, chiếc máy ảnh chiến lợi phẩm của anh thu được trong xe tăng địch. Trên môi người con gái nở một nụ cười duyên dáng, e thẹn. Và khi gặp chúng tôi, anh đã xin bằng được mấy mẩu giấy ảnh rồi hì hục in ảnh tới khuya dưới hầm, để sáng ra, tác phẩm nóng hổi kịp “triển lãm” để các chiến sĩ thưởng thức.
Tôi muốn kể nhiều hơn về hoạt động của chúng tôi trong ngày N, ngày nổ súng đồng loạt mở đầu cho một cuộc tiến công áp đảo quân địch trên mặt trận Quảng Trị. Mở đầu là trận “mưa pháo” chưa từng có, bằng ống kích tầm xa của “pháo đối kính” trên đài quan sát của điểm cao X, Lê Minh Điền lia máy ghi lại trận tiến công lịch sử, với hàng chục căn cứ bị cháy ngay từ loạt đạn pháo cỡ lớn đầu tiên của Quân Giải phóng. Vũ Tạo, Triệu Hùng, Hải Nam... bám theo một đơn vị bộ đội địa phương luồn sâu vào sau lưng địch phía đồng bằng.
Các anh có mặt đúng lúc và ghi lại kịp thời hình ảnh đồng bào Gio Linh, Cam Lộ, Mai Lộc nổi dậy giành chính quyền. Tại đây, các anh đã có những bức ảnh sinh động làm người xem nức lòng.
Tôi và một số anh em nữa xin xuất kích với một đơn vị thiết giáp Quân Giải phóng. Lần đầu tiên, được sự chi viện của pháo binh, đoàn xe tăng của chúng tôi giữa ban ngày nổ máy trườn lên những con đường mới toanh, uốn khúc, nhằm hướng Đường 9 phóng nhanh.
Dọc con đường vừa bất ngờ, vừa kỳ diệu này, bộ đội công binh hiệp đồng với nhân dân hỏa tuyến tay cuốc, tay xẻng đứng đón ở những đoạn đường khó đi, sẵn sàng “khắc phục” cho xe qua. Ở một đoạn đường, chị em dân công hỏa tuyến vẫy xe dừng lại để tiếp sức chúng tôi bằng những bình nước mát ngọt tình chiến đấu.
Tôi xách máy ảnh nhảy xuống đường, đưa máy lên bấm “tách tách”. Bỗng có những bàn tay khỏe mạnh, lấm láp túm chặt lấy máy ảnh của tôi:
- A, anh bộ đội nhà báo! Cho chúng em một “pô” kỷ niệm với các anh xe tăng nào!
Thấy các o xúm lại đông, tôi hoảng quá định nhảy lên xe chạy trốn, nhưng không kịp. Tôi đã chụp những bức ảnh hoàn toàn theo nhu cầu đạo diễn của chị em. Xe chạy rồi, chúng tôi còn nghe những tiếng đùa không dứt át cả tiếng máy nổ: Cố lên chị em ơi! Mai mốt thế nào bố cháu ở nhà cũng được coi hình chị em mình đấy nhé! - Tôi thì thầm.
Chiều 31-3-1972, căn cứ Đầu Mầu trên trục Đường số 9 rung lên bởi những loạt pháo kích chính xác của Quân Giải phóng. Đợi cho pháo chuyển làn, tôi lắp cuốn phim mới vào chiếc máy ảnh Canon, kẹp tiểu liên một bên, chạy theo một tổ bộ binh chọc thẳng vào trung tâm căn cứ này.
Không kháng cự nổi, địch hoảng sợ lũ lượt giơ tay ra hàng. Qua máy ảnh, tôi thấy rất rõ những bộ mặt trắng bệch cúi gằm xuống. Tạt qua một ngách hầm, tôi vớ được một kiểu ảnh thú vị: Một tên lính ngụy bị thương, tay chắp trước mặt khấn vái trước một cái bàn thờ bằng thùng đạn có mấy bát hương cháy dở leo lét, bên cạnh đó, một tên khác, chừng như cũng bị thương, đang gục đầu khóc. Tiếng “mổ cò” của máy ảnh làm chúng bừng tỉnh, vội lắp bắp xin tha chết.
Bóng của chiến sĩ ta cao lồng lộng, với lá cờ Mặt trận tung bay xuất hiện rất đẹp trong ống kính của tôi. Tôi còn lúng túng chưa biết chụp thêm gì nữa thì một chiến sĩ kéo tôi vào cái hầm sâu hun hút, chắc là hầm chỉ huy của địch: Nhà báo chụp những thứ này đi!
Trước mắt tôi hiện ra một đống lộn xộn những điện đài, bản đồ tác chiến xen lẫn những sách kinh thánh, tranh ảnh khỏa thân, tiểu thuyết kiếm hiệp cùng những bản nhạc tình...
Ở mũi tiến công phía tây của chúng tôi, chưa đầy 48 giờ, sau khi ta đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu (tiêu diệt và bắt sống hơn một tiểu đoàn địch), thì căn cứ hỏa lực Tân Lâm (điểm cao 241) toàn bộ Trung đoàn 56 quân ngụy bắt liên lạc với ta phản chiến đồng loạt chạy theo Quân Giải phóng. Chúng tôi đã ghi được nét mặt nhẹ nhõm của các viên chỉ huy Trung đoàn 56, khi họ ra với Quân Giải phóng và được đón tiếp tử tế. Còn tôi và một số anh em khác thì say sưa chớp lấy những nụ cười cởi mở của anh em binh lính địch khi được về với cách mạng, với đồng bào.
Đúng 3 giờ chiều ngày 2-4-1972, chúng tôi đường hoàng vào tiếp quản căn cứ nói trên. Tất cả những gì ở đây, từ vũ khí tối tân “pháo cực nhanh”, “vua chiến trường”, xe tăng, xe bọc thép... đều nói lên một điều: “Việt Nam hóa chiến tranh” là bước đường cùng của tập đoàn hiếu chiến R.Nickson. Chúng tôi đã ghi lại bằng máy ảnh sự thật đó. Cần phải đưa những tấm ảnh, những bài ghi nhanh nóng hổi từ chiến hào về hậu cứ của ta.
Chiếc xe “gip” sản xuất tại nước Mỹ, do một binh sĩ quân đội Sài Gòn phản chiến lái, đưa tôi đi lại một đoạn Đường số 9. Làn gió mát dịu từ sông Cam Lộ phả vào mặt đầy bụi đất của chúng tôi. Lòng vui phơi phới, chúng tôi nghỉ đến ngày mai, qua máy vô tuyến phát hình, máy truyền tin của mặt trận, đồng bào cả nước, bè bạn năm châu lại có dịp nhìn tận mắt những sự tích anh hùng trên mặt trận Đường 9.
Quá trình lăn lộn, trải nghiệm thực tế ở các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thủ đô, tay máy của Đoàn Công Tính từng bước được khẳng định. Năm 1970, ông được cử vào vùng đất lửa Quảng Trị bám trụ để ghi lại những hình ảnh của bộ đội và du kích địa phương chiến đấu. Tại đây, những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống chiến đấu của những người lính giữ Thành cổ ra đời.