Đột phá để phát triển doanh nghiệp nhà nước

Là những doanh nghiệp đóng vai trò “đầu tàu” kinh tế, tuy nhiên, vì nhiều lý do, hoạt động của một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang gặp khó khăn lớn. Vậy, cách nào để phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường cho nền kinh tế trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: NGUYỆT ANH
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: NGUYỆT ANH

Một số DNNN hoạt động thua lỗ

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả kinh doanh hợp nhất tám tháng của 19 tập đoàn, tổng công ty là DNNN cho thấy: Tổng doanh thu ước đạt 1.136.621 tỷ đồng (bằng 71% kế hoạch năm và 102% so với cùng kỳ).

Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt 350.525 tỷ đồng (bằng 84,7% kế hoạch năm và 94,4% so với cùng kỳ năm 2022); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 250.000 tỷ đồng (bằng 109% so với cùng kỳ năm 2022); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt 169.000 tỷ đồng (bằng 88,9% kế hoạch năm và 84% so với cùng kỳ năm trước liền kề); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 112.100 tỷ đồng (bằng 66% kế hoạch năm và 101% so với cùng kỳ năm 2022)...

Các doanh nghiệp lãi lớn như: PVN đạt 35.897 tỷ đồng (bằng 103,3% kế hoạch năm); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt 6.534 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đạt 5.295 tỷ đồng (bằng 94% kế hoạch năm và 182% so với cùng kỳ năm 2022); Petrolimex đạt 3.000 tỷ đồng (bằng 92,9% kế hoạch năm).

Đáng chú ý, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có chuyển biến tích cực so với các năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 143,9 tỷ đồng (bằng 139,6% kế hoạch năm, bằng 193,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Báo cáo cũng cho thấy, có 5/19 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ gồm: SCIC, TKV, Tổng công ty Cà-phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp lỗ nặng như, EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, Vietnam Airlines lỗ hơn 4.500 tỷ đồng.

Về khoản lỗ của EVN, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho hay, giá nhiên liệu cho sản xuất điện (khâu chiếm hơn 80% chi phí đầu vào) vẫn giữ ở mức cao so với các năm trước đó, đang là bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này.

Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân sáu tháng đầu năm 2023 khoảng 210 USD/tấn, thấp hơn bình quân năm 2022 (khoảng 360 USD/tấn), nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bình quân các năm 2019-2021 (khoảng 92 USD/tấn). Giá dầu HSFO trên thế giới dùng để xác định giá khí thị trường sáu tháng đầu năm 2023 khoảng 423 USD/tấn, thấp hơn năm 2022 (522 USD/tấn), nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bình quân các năm 2019-2021 (khoảng 344 USD/tấn).

Theo ông Hòa, để bảo đảm cân bằng được tài chính thì quan trọng nhất vẫn là giảm giá nhiên liệu bán điện từ các nhà cung cấp trong nước, huy động tối ưu các nguồn phát điện, điều chỉnh giá điện để thu hồi các chi phí chưa được tính đầy đủ vào giá điện…

Đánh giá chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN cơ bản được ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ.

Ngoài ra, một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy.

“Việc không tạo ra được năng lực tăng thêm này sẽ dẫn đến trong 5 năm tới, đóng góp của khu vực DNNN đối với nền kinh tế sẽ rất hạn chế khi tỷ trọng đóng góp hiện nay của DNNN vào GDP đang là khoảng 29%”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại.

Giải pháp nào để đột phá?

Thông điệp từ các “sếu đầu đàn” DNNN cũng đã được trình bày với Thủ trướng Chính phủ tại cuộc họp mới đây (ngày 14/9). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, DNNN đóng vai trò rất quan trọng trong dẫn dắt, tiên phong, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ để tập trung cho đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, để đột phá phát triển trong thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Đó là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư của các cấp để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, phải tái cơ cấu DNNN sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Ngoài ra, các cấp chính quyền thực hiện cơ chế định kỳ ba tháng sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để các DNNN kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm, hết sức dân chủ...

Với các cơ quan nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, đặt mình vào địa vị doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vượt qua thách thức.

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc. Đồng thời, chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu.