Đáp ứng yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em

Sáng 23/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Bảo đảm an toàn cho cộng đồng và người bị hại

Trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nêu trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52), nhiều ý kiến tán thành quy định chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng theo Điều 96 của Bộ luật Hình sự, thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc biện pháp này vì đưa vào trường giáo dưỡng cũng là tước một phần tự do của người chưa thành niên. Báo cáo cho biết, trước năm 2015, Bộ luật Hình sự quy định hai biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên, gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn và giáo dục tại trường giáo dưỡng. Vì là biện pháp tư pháp, cho nên hai biện pháp nêu trên chỉ được áp dụng sau khi tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và ra bản án. Khi đó, người chưa thành niên có thể đã bị áp dụng tạm giam ở cả ba giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử) và thời gian tạm giam có thể lên tới gần chín tháng đối với tội nghiêm trọng và gần 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng.

Khi sửa Bộ luật Hình sự vào năm 2015, Quốc hội đã quyết định chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thành biện pháp giám sát, giáo dục (về bản chất là biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật); và nay dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tiếp tục đề xuất chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Các lần đề xuất này đều nhằm mục đích “vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên”, nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho cộng đồng và cho người bị hại. Điều này cũng đáp ứng yêu cầu tại Điều 40 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em “Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết, cần đề ra các biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp”. Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng; đồng thời cho biết đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ (tại Điều 52).

Đề cập vấn đề nêu trên, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định hình phạt (Điều 3) theo hướng không áp dụng hình phạt với hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội đối với người chưa thành niên. Theo đại biểu, người chưa thành niên nhận thức còn hạn chế, suy nghĩ bồng bột, bổ sung quy định này hợp lý, thể hiện tính nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật. Về điều kiện áp dụng biện pháp chuyển hướng, theo đại biểu, quy định “người chưa thành niên đồng ý bằng văn bản về xử lý chuyển hướng” tại khoản 3, Điều 40 là chưa phù hợp, vì khoản 3, Điều 6 đã quy định “xử lý người chưa thành niên phải căn cứ vào hành vi phạm tội, nhân thân, nhận thức, tính chất nguy hiểm cho xã hội... ”. Hình phạt không nhằm mục đích trừng trị mà giáo dục răn đe, ngăn ngừa phạm tội. Do đó, việc xử lý chuyển hướng không cần quy định người chưa thành niên đồng ý bằng văn bản về xử lý chuyển hướng. Vì vậy nên cân nhắc loại bỏ quy định nêu trên. Đồng thời, đề nghị bổ sung điều kiện được xử lý chuyển hướng gồm: đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả; đã hòa giải; được người đại diện bị hại đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) và một số đại biểu cho rằng, khi giải quyết các vụ án hình sự, nếu chỉ giải quyết về hành vi phạm tội mà không giải quyết hậu quả về vật chất là không giải quyết triệt để vụ án. Bên cạnh việc xử lý chuyển hướng nhằm bảo vệ lợi ích cho người chưa thành niên, Luật cần có nguyên tắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Do vậy, Luật cần quy định phải có ý kiến của bị hại là phù hợp. Nếu quy định như điểm i, khoản 1, Điều 57 sẽ phát sinh thêm một vụ án dân sự vào việc tranh chấp bồi thường về hành vi bị cáo gây ra. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, cũng cần xem xét lại hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo; đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng, khi có tranh chấp về bồi thường, cơ quan điều tra, viện kiểm sát không xử lý chuyển hướng chuyển hồ sơ sang tòa xem xét, quyết định. Điều này vừa phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành án dân sự; Luật Thi hành án hình sự, vừa không làm phát sinh vụ án dân sự khác.

Đề cập Điều 147 về thủ tục xét xử thân thiện, có đại biểu cho rằng, khi xét xử, nếu xét thấy người chưa thành niên có đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì Hội đồng xét xử xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Quyết định này phải có các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật này và có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc kháng cáo, kháng nghị có thể kéo dài thời hạn xét xử, bởi trình tự xét xử phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm... điều đó sẽ gây bất lợi cho người chưa thành niên. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định này theo hướng giao cơ quan điều tra, viện kiểm sát thực hiện quyết định biện pháp chuyển hướng ngay từ các giai đoạn nêu trên.

Trong phiên làm việc sáng qua, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Điều 21 về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, tôi đề nghị bổ sung thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ người chưa thành niên chấp hành xong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có điều kiện sống văn hóa và kinh tế còn nhiều khó khăn; đồng thời, tăng cường hỗ trợ tư vấn tâm lý và pháp lý bằng ngôn ngữ dân tộc để giúp người tái hòa nhập vượt qua rào cản ngôn ngữ và phong tục.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum)

Cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh)

Phát huy giá trị di sản văn hóa có trọng tâm, trọng điểm

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm chín chương, 100 điều, giảm hai điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 7. Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hóa.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) và một số đại biểu cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, các quy định hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa vẫn còn thiếu, chưa cụ thể ở một số lĩnh vực, thí dụ như: điều kiện thành lập bảo tàng, định mức chi trong hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực di sản văn hóa, định mức kiểm kê di sản, định mức xây dựng hồ sơ di tích, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi, truyền dạy cũng còn hạn chế; còn khó khăn trong xử lý giữa bảo tồn và nhu cầu phát triển du lịch… Vì vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra bổ sung trong dự thảo Luật; đồng thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định hướng dẫn ngay sau khi Luật được thông qua.

Góp ý về sở hữu di sản văn hóa ở Điều 4, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn thành phố Cần Thơ) cho biết, tại điểm a, khoản 3 quy định di sản văn hóa được xác lập sở hữu riêng, bao gồm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu do một cá nhân hoặc một pháp nhân sưu tầm, lưu giữ. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định bảo vật quốc gia thuộc sở hữu riêng, bởi bảo vật quốc gia là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Nếu xác lập sở hữu riêng thì các tổ chức, cá nhân sẽ có quyền sở hữu đối với các di sản; được quyền trao đổi, mua, bán, tặng, cho, dẫn đến nguy cơ di sản dễ bị đưa ra nước ngoài hoặc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Trong khi đó, việc phát hiện, thu hồi, mua và đưa bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước đang được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.

Trong phiên làm việc chiều qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung nêu trên.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định, ý kiến trình bày của người chưa thành niên phải được tôn trọng, không bị coi là không đáng tin cậy chỉ vì lý do tuổi của họ. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 18 dự thảo Luật quy định “việc người chưa thành niên không nhận tội, không bị coi là không thành khẩn khai báo”; Ban soạn thảo nên xem xét lại quy định này vì không phù hợp, không khuyến khích được người chưa thành niên trình bày đúng sự thật để được tôn trọng, đáng tin cậy, mà còn có nguy cơ gây khó khăn trong quá trình làm việc, xác minh, làm rõ sự thật khách quan.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh)

Các tiêu chí trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) còn chung chung, mang tính chất định tính, khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong việc xác định để đề xuất di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Dự thảo Luật cũng không có quy định giao cơ quan nào hướng dẫn. Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể các tiêu chí, hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này để có cách hiểu thống nhất, thuận lợi khi thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn)