“Đắp” da bẹn lên mu bàn tay cho người bị hoại tử da do tiểu đường

NDO -

Ngày 10-4, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh thông tin về tình hình sức khoẻ người bệnh bị hoại tử da tay được đắp da thay thế.

Theo dõi tình trạng người bệnh.
Theo dõi tình trạng người bệnh.

Đó là người bệnh L.T.K. (67 tuổi, ngụ tại Trảng Bảng, Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng sưng, đau, chảy dịch trên bàn tay trái kèm phập phồng bóng nước từ cổ tay đến hết mu bàn tay, đường huyết cao.

 Ba ngày trước, người bệnh bị cây kẽm đâm vào bàn tay trái. Sau đó, vết thương bàn tay trái sưng to, đau, nổi bóng da kèm dịch đỏ chảy, nhiễm trùng ngày càng lan rộng đến mu bàn tay trái nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh. Được biết, người bệnh bị đái tháo đường type II hơn 10 năm nhưng tự điều trị ở nhà và tự mua thuốc, không điều trị tại cơ sở y tế nào.

Các bác sĩ sau hội chẩn liên khoa, nhận định đây là trường hợp nhiễm trùng rất nặng diễn tiến rất nhanh, hoại tử da cổ bàn tay trái, đái tháo đường type II tự điều trị, đường huyết không ổn định, suy thận cấp, tiêu chảy cấp rối loạn điện giải. Sau hội chẩn, các bác sĩ đưa ra phương án điều trị, đồng thời giải thích, tư vấn kỹ lưỡng cho người bệnh và thân nhân về quyết định tiến hành phẫu thuật cắt lọc mô hoại tử: sau đó sẽ tạo hình bằng kỹ thuật chuyển vạt da có cuống mạch liền cho người bệnh.

Sau khi tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương hoại tử để vết thương không lan rộng, người bệnh được theo dõi, chăm sóc vết thương tích cực cũng như điều trị suy thận, tình trạng tiêu chảy. Sau quá trình chăm sóc nội khoa và ngoại khoa, người bệnh đã ổn định tình trạng nhiễm trùng huyết, vết thương hết dấu hiệu nhiễm trùng. Ê-kip phẫu thuật lên kế hoạch phẫu thuật vạt da bẹn che phủ khuyết phần mềm cho người bệnh.

Vết thương mu tay bên trái có kích thước 10x10cm, bề mặt vết thương có giả mạch, có mô hoại tử, lê mô hạt dưới giả mạc. Ê-kíp tiến hành cắt lọc, lấy hết mô hoại tử mà giả mạc. Sau đó, ê-kíp tiến hành đo thiết kế vạt bẹn tương tự như vết thương và tiến hành tách vạt bẹn có cuống liền mạch. Tiếp theo, ê-kíp khâu vạt bẹn liền với da mu bàn tay trái. Sau khi khâu, ê-kíp kiểm tra thấy đầu ngón hồng, vạt bẹn hồng hào. Người bệnh được tiếp tục theo dõi và chăm sóc vết thương, điều trị nội khoa nhiễm trùng huyết. Bàn tay được phủ da bẹn dính vào người trong thời gian ba tuần và được đội ngũ y bác sĩ theo dõi và chăm sóc thay băng và dùng thuốc để không nhiễm trùng, vạt da bẹn che phủ sống tốt, hồng da mu bàn tay trái.

Đến nay, người bệnh đã tách vạt da khỏi bẹn, được tạo hình mép da và đang trong quá trình phục hồi chức năng, các ngón tay cử động tốt, vạt tách da hồng hào.

Được biết, chuyển vạt da cơ có cuống là một kỹ thuật khó và phức tạp nên chỉ được tiến hành tại những bệnh viện có chuyên khoa về tạo hình. Phẫu thuật chuyển vạt da giữ vai trò quan trọng đối với điều trị các khuyết hổng phần mềm. Phẫu thuật chuyển vạt da cơ có cuống là phương pháp tối ưu được đưa ra, giúp bảo tồn khả năng vận động, đồng thời bảo đảm tính thẩm mỹ khuyết da cho người bệnh.