Đào tạo nhân lực ngành y tế : Vừa thiếu vừa yếu

NDO - NDĐT- Việc đào tạo nhân lực cho ngành y tế vẫn chưa đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng. Những điều đáng lo ngại này được nêu ra trong Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh ngành y tế diễn ra vào ngày hôm qua, 7-6, tại Hà Nội.
Sinh viên ngành Y dược, trường Cao đẳng Bách Việt thực hành khám trên mô hình cơ thể người. (Nguồn: Internet)
Sinh viên ngành Y dược, trường Cao đẳng Bách Việt thực hành khám trên mô hình cơ thể người. (Nguồn: Internet)

Tuyển nhiều nhưng vẫn thiếu

Báo cáo về công tác tuyển sinh đào tạo nhân lực y tế năm 2011, ông Trần Đức Thuận, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm gần đây, số sinh viên học ĐH Y, Dược tăng theo hàng năm và tăng theo cấp số nhân. Cụ thể, năm 2011 tăng gấp bốn lần năm 2003, gấp hai lần so với năm 2007.

Ba ngành có số sinh viên nhập học cao hơn các ngành khác là bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, dược. “Trong năm 2012, chỉ tiêu đào tạo ĐH Y, Dược sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt chỉ tiêu đào tạo chuyên khoa cấp I, II tăng, nhưng sẽ tăng hợp lý”, ông Thuận cho hay.

Ngoài chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy tăng, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông và đào tạo sau đại học cũng tăng theo. Đặc biệt, năm nay nhiều trường mở thêm chuyên khoa mới như y tế công cộng, y tế dự phòng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta đào tạo hơn 6,5 nghìn bác sĩ, 2,8 nghìn dược sĩ, 5 nghìn cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và 5,1 nghìn cán bộ y tế trình độ sau đại học. Tuy nhiên theo tính toán, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường gấp hai lần hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực y tế.

Ông Trần Đức Thuận cũng cho hay, hầu hết các ngành đều thiếu, nhưng trầm trọng nhất là ở các chuyên ngành như lao, truyền nhiễm, y tế dự phòng. Vì vậy, Bộ Y tế đã lưu ý các trường đặc biệt chú trọng đến các chuyên ngành này, phải đảm bảo chỉ tiêu đào tạo các chuyên ngành khó như lao, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh, y tế dự phòng…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trước đây chúng ta mới dựa trên đề xuất của các trường chứ chưa thanh tra, kiểm tra xem các trường có đủ khả năng, tiêu chuẩn để tuyển sinh với số lượng đó hay không. Các trường phải đề ra chỉ tiêu phù hợp với sức lực của mình. Cái quan trọng là chất lượng đào tạo chứ không dựa trên số lượng.

Cán bộ y tế theo diện cử tuyển : Chất lượng kém

Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các vùng dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng xa. Tuy nhiên, hầu như các trường đào tạo ngành Y đang «đau đầu » vì chất lượng của sinh viên thuộc diện cử tuyển.

Đại diện trường Đại học Tây Nguyên cho biết, chất lượng của các em sinh viên theo diện cử tuyển ở các vùng sâu, vùng xa quá yếu, nên việc đào tạo rất khó khăn. Đại diện cũng đề nghị nên có quy định về điểm sàn đầu vào, sàng lọc bớt những em học sinh quá yếu.

Cũng về vấn đề này, đầu cầu Đại học Y Hải Phòng cho rằng, việc quan tâm đào tạo đến các đối tượng vùng sâu vùng xa, phục vụ vùng thiếu cán bộ là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. “Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần nhận vào chỉ 5 đến 10 sinh viên theo hệ cử tuyển nên không thể mở lớp riêng cho những đối tượng này. Mà có học phụ đạo thêm thì vẫn phải học chung, thi chung với các em chính quy. Điều này vượt quá khả năng của các em nên vẫn bị trượt”, đại diện trường này cho hay.

Đại diện Đại học Dược Hà Nội mong muốn, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Y tế cần phải có chính sách đào tạo nhân lực cho vùng sâu vùng xa. Đào tạo phải theo đối tượng, có đủ tiêu chuẩn nhưng lại yếu kém, đây là bất cập của việc thực hiện chính sách này.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đề nghị, đối với những trường hợp này nên xem xét lại năng lực của các em để tư vấn các ngành, chuyên khoa “ít nguy hiểm” hơn so với những ngành, chuyên khoa đòi hỏi sự chuẩn mực, chuyên sâu.

Không chỉ ở hệ cử tuyển, nhiều ý kiến còn lo ngại về chất lượng đào tạo sinh viên y khoa tràn lan, dạy “ẩu”. Có hiện tượng chuyên ngành chỉ có vài giáo viên nhưng lại đào tạo ra hàng nghìn sinh viên. Ông Vũ Đình Chính, Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đánh giá: “Chúng ta đang thiếu nguồn lực y tế có chất lượng. Bộ cần phải cơ cấu lại các trường Đại học, Cao đẳng”.

Trong một cuộc họp bàn về việc Tăng cường thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh và đề án 1816 nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên của Bộ Y tế tổ chức vừa diễn ra ngày 30-5 tại Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã cảnh báo: “Việc đào tạo của chúng ta hiện nay chưa tốt. Những ai không biết về ngành y tế thì đừng có đào tạo trong ngành y tế, mà phải biết, phải hiểu rất rõ. Một bác sĩ nội trú học chín năm mà “thả” ra chưa chắc đã làm được, do vậy phải có thực hành, phải sàng lọc từ đầu, học hành tử tế”.

Nghề Y nắm giữ trong tay sinh mạng của con người. Có chăng với việc đào tạo như thế này, ai dám chắc sẽ không có nhiều hơn những trường hợp tử vong do tai biến sản khoa như thời gian vừa qua?