Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: “Việt Nam luôn quan tâm đến việc quốc tế hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục y tế. Quan tâm đến y học, sức khỏe là chăm lo cho tương lai đất nước. Vì thế, hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn và đào tạo cán bộ y tế luôn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu hợp tác Nga-Việt Nam”.
Việt Nam và Liên bang Nga là hai quốc gia có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện của hai bên không ngừng được củng cố và tăng cường trên nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế.
Hợp tác y tế giữa hai nước bao gồm các vấn đề về bảo vệ sức khỏe và khoa học y tế. Nổi bật trong đó có trao đổi kinh nghiệm về việc tổ chức hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, bảo hiểm y tế; các quy định pháp lý liên quan đến tổ chức hệ thống y tế; triển khai ứng dụng các công nghệ và quy trình y học đổi mới; kinh nghiệm trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và phục hồi một số bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phân tích tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế Việt Nam. |
Điểm chung của việc đào tạo y, dược chuyên nghiệp ở cả hai quốc gia là đều phải tuân theo quy định pháp luật trong khuôn khổ chính sách y tế của nhà nước. Và đây là lĩnh vực tri thức đòi hỏi nền tảng kiến thức truyền thống vững chắc, nhưng cũng là môi trường yêu cầu các nhà nghiên cứu có những cải tiến về mặt công nghệ, thử sức với những thí nghiệm và giải pháp mới mẻ.
Gắn bó với nước Nga 13 năm để học tập và nghiên cứu về nhãn khoa, TS Đinh Thị Hoàng Anh, hiện công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ: “Việc đào tạo y học ở Nga được thực hiện rất bài bản. Nga cũng là một trong những quốc gia có công nghệ tiên phong về điều trị các bệnh lý ở mắt như: phẫu thuật liên kết chéo collagen giác mạc, ghép giác mạc và điều trị Glôcôm”.
Tại Nga, có 168 trường đại học đào tạo về ngành y, nên cơ hội theo học và nghiên cứu y khoa ở đất nước này khá rộng. Không ít sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung đã và đang theo học ngành y tế tại Nga. Các trường đại học y khoa ở Nga cũng tạo điều kiện để các học viên không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, trau dồi và mở rộng trình độ chuyên môn.
Bên cạnh công tác đào tạo chính quy, nhiều hoạt động trao đổi du học sinh, thực tập sinh cũng diễn ra sôi nổi. Các mô hình đào tạo song song liên kết giữa các trường đại học của hai quốc gia ngày càng được các học viên ưa chuộng.
Tại Hội nghị “Những vấn đề hợp tác cấp thiết giữa Nga và các nước châu Á trong lĩnh vực giáo dục và y tế”, đại diện các quốc gia cũng đã phân tích sâu rộng về các thách thức của việc quốc tế hóa giáo dục y tế. Từ đó, mở ra các cuộc đối thoại nhằm trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm những giải pháp tối ưu cho vấn đề này.