Không lâu sau đó, đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra làm thay đổi sâu sắc, toàn diện mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, xã hội đến an ninh trên phạm vi toàn cầu.
Đại dịch gây ra những tổn thương rất lớn nhưng cũng tạo một động lực chưa từng có cho việc phát triển các ngành kinh tế mới, dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ. Trong bối cảnh đó, điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên Cách mạng 4.0 là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao càng bộc lộ rõ nét.
Để đột phá đúng trọng tâm của việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nền tảng quan trọng nhất cần xây dựng là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa…, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Bởi hệ thống kinh tế truyền thống gồm các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, đồ gỗ… cạnh tranh bằng chi phí thấp, bằng lao động dồi dào, dường như tới ngưỡng, trong khi đã xuất hiện hệ thống các ngành kinh tế mới với lợi thế cạnh tranh bằng việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt, giá trị.
Muốn đạt các mục tiêu phát triển trong trung và dài hạn, chúng ta cần tạo sự kết nối, thúc đẩy hai hệ thống kinh tế nói trên hòa nhập vào nhau, tận dụng năng lực của nhau để có thể tiến nhanh hơn tới mục tiêu tầm nhìn năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành quốc gia thịnh vượng.
Những bước đi cụ thể hóa mục tiêu phát triển đất nước đang được hình thành từ nhiều hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó có việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Sau gần ba năm triển khai, dự án Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang góp phần quan trọng vào xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao cho Việt Nam nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và tăng cường lợi thế cạnh tranh mới của nền kinh tế.
Hoạt động của dự án hướng tới ba nhóm mục tiêu chính bao gồm: Tăng cường kỹ năng số căn bản, phát triển thị trường đào tạo kỹ năng số; các giải pháp tài chính sáng tạo cho giáo dục, với sự tham gia tích cực của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Với nguồn tài chính hơn ba triệu USD, dự án đã cùng các đối tác như: Bkacad (Đại học Bách khoa), Funix, VietAI, Imgroup, AI Education, AES Vietnam, Codegym… tổ chức hơn 300 khóa đào tạo, sự kiện tuyển sinh/truyền thông; kết nối hơn 500 giảng viên chuyên gia tham gia các chương trình, từ đó, các giảng viên quay lại đào tạo kỹ năng số cho khoảng hơn 1.900 sinh viên trong cả nước và con số này sẽ tiếp tục được nâng lên theo sức lan tỏa từ dự án.
Để đột phá đúng trọng tâm của việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nền tảng quan trọng nhất cần xây dựng là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa…, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Muốn vậy, chúng ta cần có thêm cơ chế, chính sách để khơi dậy được mong muốn đóng góp của cộng đồng, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.