Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Đảng ủy xã Tạ Bú, huyện Mường La, chúng tôi tìm về bản Mòn, nơi có mô hình trồng các loại cây ăn quả trên đất dốc của anh Cà Văn Cu, sinh năm 1989, dân tộc Thái, một trong những mô hình được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế do thanh niên làm chủ.
Trên đường đi thăm mô hình trồng cây ăn quả rộng hơn 2ha của gia đình mình, anh Cà Văn Cu, bảo: "Bản có rất nhiều người đi lao động tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Gia đình tôi đã chọn hướng phát triển kinh tế tại quê hương. Trước đây, tôi cũng từng được đào tạo nghề sửa chữa xe máy nhưng do đam mê trồng trọt nên khi có lớp dạy nghề về cây trồng mở ở xã, tôi đã đăng ký ngay. Từ kiến thức học được qua lớp dạy nghề mở tại xã cộng với kinh nghiệm trước đó, gia đình tôi đã tập trung vào cải tạo đất đồi dốc, đưa những giống cây trồng mới vào sản xuất".
Ngoài trồng trọt, anh Cà Văn Cu, bản Mòn, xã Tạ Bú, huyện Mường La còn đào ao rộng hơn 60m2 để nuôi cá thịt các loại. |
Chỉ tay về khu trồng ổi và mít Thái trên một quả đồi, anh Cà Văn Cu chia sẻ thêm: "Hiện gia đình có 200 cây ổi, 50 cây trám Đen, 200 cây mít Thái, 300 cây xoài, 50 cây na, 50 cây chanh Tứ Quý và 200 cây nhãn ghép. Về chăn nuôi, ngoài nuôi hơn chục con lợn thịt, gia đình còn đào ao rộng hơn 60 m2 để nuôi cá thịt các loại. Mỗi năm từ mô hình trồng trọt và chăn nuôi, gia đình tôi thu nhập gần 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 60%".
Cũng như anh Cà Văn Cu, với đam mê làm nông nghiệp, đặc biệt sau khi được trang bị các kiến thức về kỹ thuật trồng nấm thông qua các lớp dạy nghề, anh Vì Văn Bình, sinh năm 1987, dân tộc Thái, bản Áng Ưng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đã thành công với mô hình trồng nấm các loại.
Năm 2010, anh Vì Văn Bình đã cùng nhóm bạn mạnh dạn bắt tay vào trồng nấm từ phụ phẩm nông nghiệp với số tiền đầu tư ban đầu là 15 triệu đồng/thành viên.
Tuy nhiên, cũng do còn thiếu kinh nghiệm, sau năm đầu thành công thì từ năm thứ 2 đến năm thứ 3 khi mở rộng quy mô thì mô hình bị bệnh mốc xanh “nấm ăn nấm ” trên diện rộng và sau đó là thất bại.
Thông qua lớp dạy nghề cho thanh niên, anh Cà Văn Cu, bản Mòn, xã Tạ Bú, huyện Mường La còn trồng 200 cây mít Thái được 5 năm tuổi. |
Trải qua nhiều lần thất bại, nhưng bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Vì Văn Bình và hai thành viên còn lại đã chịu khó học hỏi, tìm hiểu thông qua các lớp dạy nghề và đầu tư thêm về kỹ thuật trồng nấm sạch bằng phụ phẩm nông nghiệp.
Đưa chúng tôi vào thăm khu trồng nấm, anh Vì Văn Bình, bảo: Dịp này vừa hái xong nấm nên ít nấm. Toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị… cho trồng nấm đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Hiện đã có 3 cơ sở với quy mô trên 3ha diện tích trồng nấm sò, nấm hương và linh chi. Cùng với đó, còn gây dựng được 2 gian hàng chuyên cung cấp nấm, nông sản sạch tại 2 chợ lớn tại trung tâm thành phố Sơn La.
Chỉ tay về khu trồng rau màu theo hướng Viet GAP của hợp tác xã nông nghiệp 26/3 cũng của mình, anh Vì Văn Bình bảo: Ngoài cung cấp nấm, còn cung cấp rau sạch cho các trường học, bệnh viện, nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn tỉnh và nhiều đầu mối bán buôn, bán lẻ và các siêu thị lớn trên thị trường trong và ngoài tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, sản phẩm nấm hiện tại đang cung không đủ cầu. Nếu không được tham gia các lớp đào tạo nghề cho thanh niên và sau này tiếp tục theo học về chuyên môn, thì không thể gây dựng được mô hình mang lại hiệu quả kinh tế như hôm nay.
Khu vực trồng ổi của gia đình anh Cà Văn cu, bản Mòn, xã Tạ Bú, huyện Mường La. |
Được biết, với mô hình trồng nấm sạch từ phụ phẩm nông nghiệp có doanh thu trung bình gần 5 tỷ đồng/năm hay trồng rau sạch theo hướng Viet GAP với thu nhập trên 200 triệu đồng/tháng, anh Vì Văn Bình còn tạo thu nhập ổn định cho 20 lao động là thanh niên người dân tộc tại địa phương từ 4,8 triệu đồng đến 6,8 triệu đồng/tháng. Đồng thời, còn tạo việc làm theo mùa vụ cho gần 20 lao động cũng là thanh niên người dân tộc Thái tại địa phương.
Trở lại huyện biên giới Sốp Cộp, nơi có gần 30 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó thanh niên người dân tộc chiếm trên 70%, được biết hằng năm, Phòng Dân tộc đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp chỉ đạo các cơ sở tuyên truyền, phổ biến chương trình giải quyết việc làm tới người dân. Đồng thời, tập trung rà soát nhu cầu học nghề và nguyện vọng của lao động, nhất là lao động thanh niên người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, vùng biên giới. Từ năm 2018 đến nay, huyện Sốp Cộp đã tổ chức hàng chục lớp đào tạo nghề, tập huấn các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 500 lao động địa phương.
Chia sẻ về hiệu quả của những lớp đào tạo và dạy nghề cho thanh niên, anh Tòng Văn Dinh, dân tộc Thái, bản Tông Hùm, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, cho biết: "Tôi tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Bắt đầu từ năm 2017, tôi mở cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe máy tại bản. Lượng khách đến sữa chữa xe máy đông, nên thu nhập mỗi tháng cũng ổn định, hơn nhiều so với làm nương. Đến năm 2020, nhờ thu nhập ổn định từ cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, gia đình đã có của ăn của để và đã thoát được nghèo".
Khu vực trồng trám Đen của gia đình anh Cà Văn cu, bản Mòn, xã Tạ Bú, huyện Mường La. |
Trao đổi với lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, được biết: Để đầu tư đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số, cần tăng nguồn từ ngân sách nhà nước, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; ưu tiên các nguồn vốn từ các dự án ODA của nước ngoài.
Đặc biệt, chính sách đào tạo gắn với việc làm tại chỗ, với khởi nghiệp, tạo sinh kế và giảm nghèo; lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và các mô hình đào tạo phù hợp với đặc thù của thanh niên dân tộc thiểu số.
Yên Châu là một trong những huyện của tỉnh Sơn La có đông người trong độ tuổi lao động, trong đó thanh niên người dân tộc chiếm trên 60%. Tuy nguồn lao động dồi dào, nhưng phần lớn là lao động nông nghiệp, chưa qua đào tạo.
Trước tình hình đó, huyện Yên Châu đã khảo sát nhu cầu học nghề, nhất là lao động trong độ tuổi là thanh niên người dân tộc để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Nội dung các lớp chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp, cơ khí, xây dựng...
Đến nay, huyện Yên Châu đã tổ chức được hơn 40 lớp đào tạo nghề cho gần 1.400 lao động, trong đó thanh niên người dân tộc chiếm gần 70%. Sau dạy nghề, hơn 90% lao động đã áp dụng những kiến thức được học vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Một số học viên còn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong bản, xã để phát triển kinh tế. Các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật được huyện lựa chọn, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường.
Một buổi tập huấn kỹ thuật ủ chua thức ăn gia súc cho người dân và thanh niên người dân tộc tại xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu. |
Bên cạnh việc đào tạo nghề, từ năm 2010 đến nay, huyện Yên Châu còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân các xã, thị trấn phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức nhiều hội nghị tư vấn, tuyển chọn lao động là thanh niên người dân tộc đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, huyện có hơn 2.000 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh và lao động tự do đi làm việc tại các tỉnh và nước ngoài...
Chị Vì Thị Đôi, dân tộc Thái, bản Nà Và, xã Viêng Lán, nói: "Được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La kết nối, sau khi được học nghề, năm 2020, hai vợ chồng tôi về làm việc tại khu công nghiệp ở tỉnh Hải Dương với mức thu nhập 14 triệu đồng/người/tháng. Sau 2 năm, vợ chồng tôi đã gửi tiền về cho gia đình mua được 7 con bò sinh sản, đầu tư trồng 1ha cây ăn quả và làm nhà khang trang".
Có thể khẳng định, việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc ở Sơn La đã đạt được những kết quả nhất định cả về nhận thức và hành động. Qua đó, đã và đang góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm cho thanh niên, ổn định đời sống, thúc đẩy kinh tế tại các cơ sở phát triển.
Do vậy, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục quán triệt đầy đủ, toàn diện các định hướng và thực hiện nghiêm túc các giải pháp mà Đảng, Nhà nước đã xác định trong các văn kiện, nghị quyết, các chiến lược, góp phần giúp cho thanh niên người dân tộc các xã, bản khó khăn, vùng biên giới của tỉnh Sơn La có thêm nhiều cơ hội trong học nghề, có việc làm ổn định, cải thiện đời sống và tăng thu nhập...